Bệnh cúm gia cầm do vi rút cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9) gây nên, là bệnh lây truyền từ gia cầm sang người, người mắc bệnh thường có biểu hiện nặng, tiến triển nhanh đến suy hô hấp, suy đa phủ tạng và gây tử vong, tỷ lệ chết/ mắc do cúm A(H5N1) khoảng 60% và do cúm A(H7N9) khoảng 30%. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chưa có vắc xin phòng bệnh, miễn dịch cộng đồng chưa có, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là hạn chế tiếp xúc với gia cầm, vệ sinh chăn nuôi, giết mổ và an toàn vệ sinh thực phẩm. Đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy có sự lây truyền từ người sang người.
Tại Việt Nam, ca bệnh cúm A(H5N1) trên người đầu tiên được phát hiện vào tháng 12/2003 là thời điểm dịch cúm A(H5N1) bùng phát trên gia cầm. Kể từ đó, hàng năm đều xuất hiện ca bệnh cúm A(H5N1) trên người, gắn liền với dịch cúm trên gia cầm. Từ đầu năm 2013 đến nay có 02 trường hợp nhiễm cúm A(H5N1) tại Đồng Tháp và Long An, trong đó 01 trường hợp tử vong tại Đồng Tháp. Tích lũy từ đầu năm 2003 đến nay, Việt Nam ghi nhận 125 trường hợp mắc tại 41 tỉnh/thành phố, trong đó 62 trường hợp tử vong. Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về số trường hợp mắc cúm A(H5N1) và tử vong do bệnh này. Đối với cúm A(H7N9), hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm trên gia cầm và trên người ở Việt Nam.
Hiện nay, hệ thống y tế của Việt Nam có đủ năng lực xét nghiệm, chẩn đoán và điều trị giảm tử vong đối với bệnh cúm A(H5N1) và cúm A(H7N9). Thực tế công tác phòng, chống dịch cúm gia cầm A(H5N1) giai đoạn 2003-2013 cho thấy, số ca mắc giảm rõ rệt theo từng năm. Giai đoạn từ 12/2003-11/2005, số ca mắc lên tới 93 ca, trong khi từ tháng 5/2010 đến nay chỉ có 6 ca mắc. Tuy vậy, để giải quyết triệt để dịch cúm gia cầm lây sang người thì điều kiện kiên quyết là phải xử lý triệt để các ổ dịch cúm trên gia cầm. Song song với việc đó, ngành y tế đã và sẽ triển khai các giải pháp sau:
1. Tổ chức, chỉ đạo: Duy trì và tăng cường hoạt động của Ban chỉ đạo chống dịch, Ban chăm sóc sức khỏe nhân dân các cấp, thường xuyên nắm thông tin về dịch bệnh để có biện pháp chống dịch bệnh cúm A(H5N1) kịp thời.
2. Xây dựng kế hoạch: Đơn vị chuyên môn các cấp xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh cúm A(H5N1). UBND các cấp đảm bảo đầu tư nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch. Chuẩn bị sẵn sàng phương án, kế hoạch phối hợp, ứng phó theo tình huống nếu xảy ra dịch lớn hoặc xảy ra đại dịch cúm A(H5N1). Tổ chức định kỳ diễn tập thực hành phòng chống dịch.
3. Giải pháp chuyên môn:
- Thực hiện điều tra dịch tễ ca bệnh, phân tích, dự báo xu hướng phát triển của bệnh dịch ở từng ổ dịch để có kế hoạch, biện pháp phòng, chống thích hợp. Xử lý ca bệnh/ổ dịch triệt để.
- Tăng cường giám sát bệnh chủ động, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh đầu tiên để có biện pháp cách ly, thu dung, điều trị kịp thời.
- Duy trì hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm tại tất cả các tuyến trung ương, tỉnh, huyện, xã. Đặc biệt phối hợp cơ sở y tế dự phòng và cơ sở khám chữa bệnh. Tiếp tục thành lập và duy trì hoạt động của đội cơ động chống dịch các cấp.
- Tăng cường công tác an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Tổ chức mạng lưới thu dung, điều trị, cách ly các trường hợp nghi ngờ và khi có bệnh nhân trên toàn hệ thống y tế; sẵn sàng thuốc, vật tư, trang thiết bị phục vụ công tác đáp ứng chống dịch, chủ động đáp ứng các tình huống khi có dịch xảy ra.
- Tăng cường năng lực xét nghiệm: Đảm bảo phát hiện nhanh, chính xác tác nhân gây bệnh.
4. Phối hợp liên ngành:
- Phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Giáo dục đào tạo, Quốc phòng, Giao thông và chính quyền địa phương tích cực chỉ đạo, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch; chủ động giám sát phát hiện giám sát chặt chẽ tình hình dịch cúm A(H5N1) trên gia cầm, xử lý kịp thời, triệt để ổ dịch và triển khai các biện pháp ngăn ngừa, lây truyền sang người.
- Huy động các đoàn thể xã hội tham gia vào công tác phòng chống dịch bệnh cúm A(H5N1): phụ nữ, thanh niên, Hội nông dân, Hội chữ thập đỏ trong phòng chống dịch bệnh.
5. Truyền thông giáo dục sức khỏe: Tăng cường các hoạt động tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên người và gia cầm đặc biệt tại các khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao, nơi tập trung đông người như: chợ, trường học, khu công nghiệp.
6. Hợp tác quốc tế: Tiếp tục hợp tác với các tổ chức quốc tế để huy động các nguồn lực và kỹ thuật cho phòng chống dịch bệnh cúm A(H5N1).
7. Nghiên cứu khoa học: các Viện Vệ sinh dịch tễ/Pasteur triển khai các nghiên cứu về vi rút cúm A(H5N1) để đề xuất các biện pháp phòng chống; thử nghiệm và sản xuất vắc xin phòng cúm A(H5N1).