1. Về nâng mức hỗ trợ bằng Ngân sách Trung ương
Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện xây dựng nông thôn mới trong những năm tới, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình đã giao nhiệm vụ cho các Bộ, ngành, trong đó có tăng nguồn lực để xây dựng nông thôn mới (Thông báo số 267/TB-VPCP ngày 24 tháng 7 năm 2013 thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh tại cuộc họp Ban Chỉ đạo sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X và Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới), cụ thể như sau:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, từ kế hoạch năm 2014 dành nguồn lực bố trí hỗ trợ cho xã với mức cao hơn hiện nay (bình quân khoảng 500 triệu đồng/xã) báo cáo Thủ tướng Chính phủ;
- Khi hướng dẫn xây dựng kế hoạch năm 2014, các Bộ, ngành phải chủ động bố trí tăng tối đa nguồn lực cho thực hiện tiêu chí nông thôn mới của ngành mình, trong đó ưu tiên hỗ trợ các xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới (bao gồm các xã điểm do Trung ương chỉ đạo);
- Các địa phương tăng cường công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Chương trình để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2013 và những năm tiếp theo; cân đối nguồn lực, lồng ghép chương trình mục tiêu trên địa bàn, ưu tiên bố trí vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; đặt chỉ tiêu cụ thể thực hiện Chương trình.
2. Về tăng cường cho hạ tầng nông thôn, xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi nội đồng.
- Trong thời gian qua, việc xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi đã được các địa phương quan tâm, ưu tiên thực hiện. Việc bố trí nguồn lực, lựa chọn thứ tự ưu tiên đầu tư hiện nay đều đã phân cấp, phân quyền cho địa phương. Do vậy, trên cơ sở các cơ chế, chính sách và hỗ trợ của nhà nước, nhiều địa phương đã có những chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng phù hợp để huy động sự tham gia của người dân và cộng đồng để phát triển hạ tầng phục vụ cho sản xuất. Như áp dụng cơ chế Nhà nước hỗ trợ vật liệu xây dựng (nhất là xi măng), người dân và cộng đồng tự triển khai thi công theo thiết kế mẫu trong phát triển giao thông nông thôn và các công trình hạ tầng nông thôn khác với kết quả rất tốt như Tuyên Quang, Hà Tĩnh, Hà Nam, Phú Yên, Nghệ An, Thanh Hoá, Hưng Yên….
- Ngoài ra, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nghiên cứu và ban hành quy định về lồng ghép các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn xã, hướng dẫn cơ chế quản lý đầu tư đặc thù để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả đầu tư công trình, nhất là giao thông, thủy lợi nội đồng trên địa bàn xã mà người dân có thể đảm nhận thực hiện.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản báo cáo Chính phủ và Ban Chỉ đạo Trung ương về đề xuất cơ chế hỗ trợ xi măng cho xây dựng nông thôn mới, trước hết là phát triển giao thông nông thôn. Tại kỳ họp tháng 7 năm 2013, Chính phủ đã yêu cầu các Bộ, ngành có liên quan có giải pháp hỗ trợ tiếp cận vốn nhằm khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất xi măng bán xi măng theo hình thức trả chậm để làm đường giao thông nông thôn.