Công tác chống hàng nhập lậu, hàng không rõ xuất xứ, nguồn gốc được Chính phủ thường xuyên quan tâm chỉ đạo. Bộ Công Thương, cấp ủy và chính quyền địa phương, lực lượng Quản lý thị trường và các lực lượng chức năng thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh ngăn chặn hàng hóa nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng. Kết quả riêng năm 2012, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính: 272.158 vụ. Trong đó: buôn lậu là 31.389 vụ; hàng giả và sở hữu trí tuệ 11.284 vụ; gian lận thương mại 62.065 vụ; vi phạm khác 167.420 vụ, với số tiền là 8.310.512,56 triệu đồng, trong đó: phạt vi phạm hành chính 4.113.557,78 triệu đồng, phạt và truy thu thuế: 2.944.682,98 triệu đồng, trị giá hàng hóa tịch thu 1.152.556,97 triệu đồng.
Việc xử lý vi phạm hành chính đối với hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng… cần phải đảm bảo nguyên tắc, trình tự và thủ tục theo quy định tại Điều 3 và từ Điều 55 đến Điều 88 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, vì vậy việc đơn giản thủ tục xử lý vi phạm hành chính phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.
Việc tiêu hủy hàng hóa được thực hiện theo quy trình quy định đối với từng loại hàng hóa để xác định tính chất, mức độ nguy hại của việc tiêu hủy đến môi trường và đảm bảo các điều kiện cần thiết để trong quá trình tiêu hủy hàng hóa không bị ảnh hưởng đến môi trường, nhằm bảo đảm môi trường sống của con người và các loại động vật, thực vật xung quanh, vì vậy không thể thực hiện việc tiêu hủy hàng hóa ngay tại chỗ khi phát hiện bắt giữ.
Để hạn chế được tình trạng vi phạm về buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng gây bức xúc cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và xã hội, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp:
- Về cơ chế, chính sách
+ Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới, kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của chính sách biên mậu hiện nay;
+ Thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.... để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng thời hạn để thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
- Về chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, kiểm soát thị trường
+ Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.
+ Làm tốt công tác xây dựng lực lượng, ngoài việc tăng cường biên chế, kinh phí, trang thiết bị làm việc, cần chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công chức; tổ chức công tác đào tạo, đào tạo lại và củng cố bộ máy cơ sở; tăng cường kiểm tra nội bộ, chống hiện tượng tiêu cực, bảo kê cho buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại.
+ Làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, làm rõ phương thức, thủ đoạn, rút ra các quy luật hoạt động để có các phương án kiểm tra, kiểm soát hữu hiệu. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, trao đổi thông tin tội phạm giữa các cơ quan, các lực lượng, để tổ chức và hoàn thiện hơn cơ chế phối hợp, đảm bảo huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
- Về hướng dẫn tuyên truyền pháp luật
Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.
- Về vai trò của Hiệp hội, tổ chức chính trị-xã hội
Nâng cao vai trò của các tổ chức, đoàn thể, nhân dân: Phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội, bảo vệ người tiêu dùng trong công tác đấu tranh phòng chống hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại.
- Về xây dựng lực lượng kiểm tra, kiểm soát
+ Kiện toàn mô hình tổ chức của lực lượng Quản lý thị trường: Đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu việc kiện toàn hệ thống Quản lý thị trường từ trung ương đến địa phương theo hướng thành lập tổ chức ngang tầm, tương xứng với vai trò là lực lượng chủ trì trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo sự chỉ đạo, điều hành thống nhất, liên thông toàn ngành, có hiệu lực, hiệu quả; tăng cường chức năng, nhiệm vụ, củng cố lực lượng, nâng cao năng lực thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao trong thời kỳ mới; đấu tranh có hiệu quả đối với các hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, sản xuất, buôn bán hàng giả và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên thị trường; xây dựng lực lượng Quản lý thị trường theo yêu cầu chính quy, tổ chức chặt chẽ, phù hợp với Nghị quyết số 12/NQ-TW ngày 03 tháng 01 năm 1996 của Bộ Chính trị.
+ Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ kiện toàn bộ máy Ban Chỉ đạo 127/TW theo hướng Trưởng Ban Chỉ đạo 127/TW do một đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách, Bộ trưởng Bộ Công Thương là Phó Trưởng Ban Thường trực, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 127/TW đặt tại Bộ Công Thương, Cục Quản lý thị trường là bộ phận giúp việc để nâng cao hiệu quả, hiệu lực chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 127/TW.
- Về hợp tác quốc tế
Tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với các nước và các tổ chức Quốc tế; trước hết với các nước làng giềng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại; với các nước phát triển trong công tác đấu tranh chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.