Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri phản ánh về tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ở nhiều cơ sở giáo dục, kể cả cấp tiểu học. Đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm chỉ đạo các địa phương tăng cường hướng dẫn, kiểm tra và có các giải pháp cụ thể để chấn chỉnh kịp thời đảm bảo thực hiện đúng các quy định của Bộ về dạy thêm, học thêm, vì thực trạng có Sở không quản lý được và có nhiều biến tướng trong dạy, học thêm gây bức xúc trong nhân dân.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Long An    Thái Bình    An Giang    Bình Định    Hưng Yên    Bà Rịa - Vũng Tàu    Cao Bằng   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Dạy thêm, học phí   

Trả lời:

Tại công văn số 6182/BGDĐT-VP ngày 09/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

1. Về việc tăng cường quản lý dạy thêm học thêm

Nhằm tiếp tục tăng cường quản lý thống nhất, hiệu quả hơn hoạt động dạy thêm Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn. Cụ thế:

- Đôn đốc các địa phương ban hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên cơ sở quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo 

Đến nay đã có 45 tỉnh/thành đã ban hành văn bản quy định về dạy thêm, học thêm; các tỉnh còn lại đang trong giai đoạn thẩm định, chuẩn bị ban hành. Văn bản quy định về dạy thêm, học thêm của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể các nội dung chủ yếu: Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý giáo dục và các ngành liên quan trong việc quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn; Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Việc thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm; Công tác thanh tra, kiểm tra; khen thưởng và xử lý vi phạm.

- Tổ chức các đoàn thanh tra chuyên đề về dạy thêm, học thêm…

Sau khi Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm học thêm có hiệu lực thi hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập nhiều đoàn thanh tra tại các tỉnh, thành phố lớn. Qua kiểm tra, các đoàn thanh tra đã kiến nghị nhiều giải pháp như: dừng việc dạy thêm, học thêm trái quy định; xử lý đối với cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm;…

Ở nhiều nơi, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành đã vào cuộc, chỉ đạo quyết liệt để đưa hoạt động dạy thêm, học thêm vào nề nếp; tích cực kiểm tra, giám sát việc quản lý dạy thêm, học thêm. Các Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường đã tăng cường quản lý, tích cực vận động, phối hợp với các ngành liên quan của địa phương kiểm tra và  xử lý nghiêm khắc các hiện tượng vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm.  Điển hình như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hà Nội; Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh, …

Thực tế cho thấy rằng ở những địa phương nào có sự phối kết hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền, các tổ chức đoàn thể tại địa phương cùng với ngành giáo dục thì ở nơi đó hoạt động dạy thêm, học thêm được quản lý ngày một tốt hơn. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa nghiên cứu kĩ, tổ chức thực hiện không đúng theo Thông tư 17 hoặc chậm tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy định về dạy thêm học thêm trên địa bàn. Đây là những vấn đề cần phải rút kinh nghiệm, điều chỉnh.

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm, khắc phục hiện tượng dạy thêm, học thêm sai quy định, cụ thể là: Tăng cường công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận, phối hợp hài hoà trong nhân dân và cha mẹ học sinh để dạy thêm học thêm có thể phát huy được những mặt tích cực, khắc phục mặt tiêu cực; Đôn đốc các địa phương còn lại sớm ban hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn; Tiếp tục rà soát, điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giảm dành thời lượng để củng cố, hệ thống hóa kiến thức đã học cho học sinh, phụ đạo tại lớp đối với học sinh có học lực yếu kém; Tiếp tục chỉ đạo thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, phát huy năng lực tự học của học sinh; đổi mới kiểm tra đánh giá, cải tiến các công tác thi theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, giảm áp lực về kiểm tra, thi cử cho học sinh; Tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý giáo viên trong việc thực hiện chương trình dạy học, thực hiện quy định dạy thêm học thêm, nghiêm cấm cắt xén chương trình đưa vào dạy thêm hoặc ép buộc học sinh thêm dưới bất kỳ hình thức nào; Tích cực nghiên cứu và triển khai từng bước việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực người học và cải tiến chế độ kiểm tra, thi cử, đánh giá; Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ, nâng cao chất lượng cuộc sống đối với đội ngũ nhà giáo.

2. Về vấn đề “lạm thu” học phí

Trong những năm qua, để chấn chỉnh tình trạng “lạm thu” trong các cơ sở giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản chỉ đạo:

+ Công văn số 5956/BGDĐT-KHTC ngày 20/9/2010 về việc chấn chỉnh tình trạng lạm thu trong các cơ sở giáo dục; Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 hướng dẫn quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện cho các cơ sở giáo dục; Công văn số 5584/BGDĐT-KHTC ngày 23/8/2011 chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường kiểm tra các khoản thu, chi trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn; Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011 về Điều lệ Ban đại diện cha mẹ học sinh; Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT ngày 10/9/2012 quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

- Triển khai thực hiện việc phân cấp quản lý Nhà nước về giáo dục đào tạo tại các địa phương theo Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ;

- Tổ chức các Đoàn thanh tra tại các tỉnh, thành phố về công tác quản lý, chỉ đạo dạy thêm, học thêm và thu, chi trong năm học 2012-2013.

Về phía các địa phương:

- Quán triệt chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ở nhiều địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố đã ban hành các văn bản quy định và chỉ đạo thực hiện việc quản lý các khoản thu, chi trong nhà trường, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức của các cơ sở giáo dục trên địa bàn.

- Đã tổ chức thanh tra, kiểm tra và bước đầu xử lý nghiêm các sai phạm theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo (Một số địa phương đã làm quyết liệt, có hiệu quả như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nghệ An …)

Với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể và nhân dân ở các địa phương, tình trạng lạm thu đã dần được khắc phục có hiệu quả.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: