Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các Bộ, ngành chức năng và các cơ sở đào tạo xây dựng chiến lược đào tạo nguồn nhân lực dựa trên cơ sở có giải pháp khả thi gắn kết giữa đào tạo và tuyển dụng; gắn chỉ tiêu, ngành nghề đào tạo với nhu cầu sử dụng nguồn nhân lực của quốc gia, vùng, địa phương, tương ứng nhu cầu về lao động và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của từng giai đoạn. Trước mắt, việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo, mở mã ngành đào tạo ở các trường cần được quản lý chặt chẽ hơn để tránh tình trạng đào tạo tràn lan, gây lãng phí tiền bạc và nguồn lực.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Thái Bình    An Giang    Nam Định    Trà Vinh    Bắc Kạn    Đồng Tháp    Bình Thuận    Bình Định    Hưng Yên    Bình Dương    Bến Tre   

Đơn vị xử lý: Bộ giáo dục và đào tạo   

Lĩnh vực: Chính sách phát triển giáo dục   

Trả lời:

Tại công văn số 6335/BGDĐT-VP ngày 13/ 9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Để đảm bảo việc đào tạo nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu sử dụng thực tế và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của đất nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 579/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020; Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 22/7/2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục 2011-2020; Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg ngày 26/6/2013 về việc điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020.

Trên cơ sở đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Quyết định số 6639/QĐ-BGDĐT ngày 29/12/2011 phê duyệt Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Giáo dục giai đoạn 2011-2020; Quyết định số 6290/QĐ-BGDĐT ngày 13/12/2011 phê duyệt Chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011-2020; Quyết định số 2962/QĐ-BGDĐT ngày 14/8/2013 về Kế hoạch triển khai Quy hoạch phát triển nhân lực ngành Giáo dục giai đoạn 2013-2020.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã và đang thực hiện một số giải pháp:

- Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong cả nước. Chỉ đạo chặt chẽ việc cho phép mở ngành, thành lập các trường đại học, cao đẳng mới, bảo đảm yêu cầu về chất lượng theo quy định của Luật Giáo dục đại học và các quy định của pháp luật, phù hợp Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực Việt Nam giai đoạn 2011-2020.

- Đẩy mạnh hoạt động Trung tâm Hỗ trợ Đào tạo và Cung ứng nhân lực để điều tra, phân tích và dự báo nhu cầu nhân lực, tăng cường sự phối hợp gắn kết giữa các cơ sở đào đạo với các đơn vị sử dụng lao động.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan nghiên cứu, tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực. Từ năm 2013, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thông báo tình hình đào tạo các ngành nghề và tạm dừng mở mới các ngành đào tạo đang thừa “đầu ra” (như tài chính ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán…), đồng thời kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, hạn chế thành lập mới các trường đại học đào tạo các ngành này.

- Kiến nghị Chính phủ tăng cường chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương tổ chức điều tra về việc làm, dự báo nhu cầu nhân lực để có kế hoạch định hướng các cơ sở đào tạo xác định chỉ tiêu tuyển sinh và ngành đào tạo cho phù hợp nhu cầu nhân lực của các địa phương và các Bộ, ngành.

- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo thực hiện tốt chủ trương tự chủ trong tuyển sinh và đào tạo (theo Thông tư số 57/2011/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo), tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, đồng thời phải rà soát, điều chỉnh quy mô và ngành nghề đào tạo cho phù hợp với quy hoạch phát triển nguồn nhân lực của địa phương và nhu cầu xã hội.

- Phối hợp với các cơ quan thông tin, truyền thông để hỗ trợ công tác tư vấn tuyển sinh của các trường đại học, cao đẳng, đồng thời giúp cho người học có cơ sở lựa chọn những ngành nghề có khả năng tìm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: