Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đời sống nông dân ở vùng nông thôn còn rất nhiều khó khăn do sản phẩm nông dân làm ra bán giá thấp, thu nhập giảm, trong khi giá cả hàng hóa công nghiệp, dịch vụ tăng cao. Cử tri kiến nghị Chính phủ và các Bộ ngành Trung ương có giải pháp bình ổn giá thị trường đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ dân sinh trong khi nền kinh tế của người dân đang gặp khó khăn, nhất là người nông dân, người làm công ăn lương.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Bến Tre   

Đơn vị xử lý: Bộ tài chính   

Lĩnh vực: Giá   

Trả lời:

Tại công văn số 11192/BTC-QLG ngày 22/8/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Về cơ chế quản lý giá hiện hành:

Hiện nay, nước ta đang thực hiện nhất quán cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Nhà nước chỉ còn quy định giá hoặc thực hiện bình ổn giá đối với một số hàng hoá, dịch vụ độc quyền; tài nguyên quan trọng; hàng dự trữ quốc gia và sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; còn lại đối với đại bộ phận hàng hoá, dịch vụ của nền kinh tế (trong đó bao gồm các mặt hàng là sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp...) đều áp dụng cơ chế giá do thị trường quyết định. Nhà nước thực hiện việc điều tiết và bình ổn giá cả thị trường chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế vĩ mô thông qua các chính sách phát triển sản xuất, điều hoà cung-cầu; mua vào, bán ra hàng dự trữ quốc gia; kiểm soát hàng hoá tồn kho; chính sách tài khoá, tiền tệ... để gián tiếp tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả thị trường.

     Đối với các mặt hàng mang tính độc quyền và thiết yếu đối với đời sống như xăng dầu, điện, nước sạch cho sinh hoạt thì Nhà nước thực hiện biện pháp kiểm soát giá trực tiếp, hiện đang có những lộ trình thích hợp để thực hiện theo cơ chế thị trường xoá bao cấp qua giá. Đối với các mặt hàng như lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, vật tư nông nghiệp..., ngoài các biện pháp điều tiết vĩ mô, Nhà nước còn áp dụng biện pháp kê khai giá, niêm yết giá hoặc điều tiết thông qua các chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương. Đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giá.

2. Triển khai các biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát của Chính phủ:

Thực hiện mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã được Quốc Hội thông qua là: “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012...”, ngày 7/1/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 01/NQ-CP về  “Những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013”, trong đó đề ra các giải pháp đồng bộ về chính sách tiền tệ, tài khóa, thương mại, giá cả... nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; đồng thời Chính phủ cũng ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 7/1/2013 về “Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu”. 

Tám tháng đầu năm 2013, kinh tế-xã hội nước ta tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn thách thức: kinh tế thế giới tăng trưởng chậm tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam; kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn, tổng cầu suy giảm, hàng hóa tiêu thụ chậm, hàng hóa, vật tư tồn kho tuy đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao và diễn ra ở hầu hết các ngành công nghiệp chế biến, xây dựng, bất động sản. Mặt bằng lãi suất đã giảm nhưng khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thấp, sản xuất nông nghiệp được mùa[5] nhưng thị trường xuất khẩu gạo thế giới trầm lắng do cầu yếu nên giá xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu giảm[6]. Chăn nuôi gia súc, gia cầm gặp nhiều khó khăn một phần do yếu tố đầu vào cao, mặt khác do dịch bệnh chưa được khống chế hoàn toàn… khiến người tiêu dùng e ngại, đẩy giá sản phẩm đầu ra của ngành chăn nuôi giảm thấp.

Tuy nhiên, nhờ cố gắng nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, số 02/NQ-CP và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nên tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2013 đạt những kết quả tích cực: Lạm phát tiếp tục được kiềm chế: chỉ số giá tiêu dùng tháng 7/2013 tăng 2,68% so với tháng 12/2012, là mức tăng thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Tốc độ tăng trường GDP quý I/2013 đạt 4,76%, quý II/2013 đạt 5,00%, 6 tháng đầu năm đạt 4,90%; chỉ số tồn kho ngành công nghiệp chế biến giảm dần từ 19,9% (ngày 1/2) xuống 16,5% (ngày 1/3), xuống 13,1% (ngày 1/4), và 9,7% (ngày 1/6). Tính chung 6 tháng chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến tăng 9,7% so với cùng kỳ 2012. Đối với giá lương thực, để góp phần thu mua lúa cho người nông dân và hạn chế giá lúa xuống thấp khiến thu nhập của người nông dân giảm sút, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 311/QĐ-TTg ngày 7/2/2013 và Quyết định số 850/QĐ-TTg ngày 4/7/2013 về việc thu mua tạm trữ vụ 1 triệu tấn quy gạo cho mỗi vụ Đông Xuân 2012-2013 và vụ Hè Thu 2013. Đối với ngành chăn nuôi, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 528/CĐ-TTg ngày 15/4/2013 chỉ đạo các bộ ngành, địa phương triển khai các biện pháp phòng chống cúm gia cầm A (H5N1) và cúm A (H7N9). Nhờ vậy giá thu mua lúa hiện đã có chiều hướng tăng nhẹ tại Đồng bằng sông Cửu Long; giá thực phẩm tháng 7 đã tăng nhẹ trở lại. Giá thị trường một số hàng hoá khác như xi măng, thép xây dựng, đường, phân bón... cơ bản ổn định trong 8 tháng đầu năm.

Trong công tác điều hành giá, Chính phủ cũng tập trung chỉ đạo điều hành giá các mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá phù hợp với cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước (giá điện, xăng dầu, nước sạch, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh), bám sát mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát đã đề ra; đối với các mặt hàng khác, Chính phủ cũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt chương trình Bình ổn hàng, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá thông qua việc theo dõi sát diễn biến thị trường thế giới; kiểm soát chặt chẽ phương án giá, đăng ký giá, kê khai giá của doanh nghiệp để loại trừ các chi phí bất hợp lý. Kiên quyết dừng các trường hợp tăng giá bất hợp lý so với biến động tăng của các yếu tố đầu vào. Đồng thời, chỉ đạo các cấp các ngành tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về giá, thuế, về quản lý thị trường chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ găm hàng, thao túng giá cả... Công tác này sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong những tháng còn lại năm 2013.

3. Về đảm bảo an sinh xã hội và phúc lợi xã hội: 

Tám tháng đầu năm, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời theo tiến độ các khoản kinh phí đã bố trí trong dự toán NSNN năm 2013 cho các đối tượng thụ hưởng chính sách... thực hiện hướng dẫn và đảm bảo nguồn để đảm bảo chi trả kịp thời thực hiện chính sách tăng lương cơ bản chung (từ 1.050.000 đồng/tháng lên 1.150.000 đồng/tháng) từ ngày 01/7/2013; Đồng thời, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 7/2013 đã thực hiện xuất cấp trên 45,8 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ cho nhân dân ở những vùng bị thiếu đói, giáp hạt; góp phần thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người nông dân và người làm công ăn lương.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: