Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri rất hoan nghênh và cảm ơn sự nỗ lực ngoại giao để khẳng định và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua; các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, ủng hộ của cộng đồng xã hội đã kịp thời chia sẻ cho ngư dân khi gặp nạn, bị nước ngoài bắt phạt, đe doạn tính mạng và tài sản khi đang đánh bắt, khai thác thủy sản trong địa phận lãnh hải của quốc gia tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đảm bảo cho ngư dân tiếp tục vươn ra khơi bám biển, khẳng định chủ quyền. Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp tục có chính sách, đường lối ngoại giao hiệu quả để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của đất nước, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, an toàn về người và tài sản của ngư dân.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Quảng Ngãi   

Đơn vị xử lý: Bộ ngoại giao   

Lĩnh vực: Bộ ngoại giao   

Trả lời:

Tại công văn số 3239/BNG-Ttra ngày 27/8/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Về vấn đề nghề cá và bảo vệ ngư dân:

Đảng và Nhà nước ta luôn hết sức quan tâm đến việc bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản và hoạt động sản xuất bình thường của ngư dân ta trong các vùng biển của Việt Nam. Chính phủ luôn chỉ đạo các ngành hữu quan triển khai nhiều biện pháp đồng bộ, vừa để hỗ trợ ngư dân, vừa để bảo vệ hoạt động của ngư dân ta trong vùng biển Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm 2013, cả nước xảy ra 70 vụ, gồm 107 tàu và 647 ngư dân bị nước ngoài xua đuổi, kiểm soát, bắt giữ, xử lý (tăng 12 vụ/12 tàu/giảm 128 ngư dân so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó có 63 tàu cá/455 ngư dân đang bị giam giữ ở nước ngoài. Qua đấu tranh ngoại giao, 33 tàu/394 ngư dân đã được thả về. Ở khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc thường ngăn cản, uy hiếp tàu cá của ta. Với các nước khác như In-đô-nê-xia, Ma-lai-xia, Thái Lan, Căm-pu-chia, Phi-líp-pin, tàu cá của ta bị bắt chủ yếu do đi sâu vào vùng biển của các nước này để khai thác hải sản.

Khi có vấn đề phức tạp nảy sinh trên biển, ta đã kiên quyết đấu tranh với các nước liên quan để bảo vệ quyền lợi chính đáng của ngư dân ta. Trong trường hợp tàu cá và ngư dân ta bị bắt giữ, Bộ Ngoại giao đã kịp thời triển khai các biện pháp ngoại giao phù hợp, như giao thiệp ngoại giao, cử ngay cán bộ ngoại giao đển gặp ngư dân nắm bắt tình hình, đề nghị đối xử nhân đạo đối với ngư dân ta v.v… Những trường hợp nước ngoài bắt giữ ngư dân ta bất hợp pháp, ta kiên quyết phản đối, yêu cầu thả vô điều kiện tàu và người.

Từ đầu năm đến nay, Bộ Ngoại giao đã 15 lần gặp phía Trung Quốc, trong đó đã trao 07 công hàm phản đối các tàu của Trung Quốc tiến hành các hành động trái phép khi ngăn cản, truy đuổi và gây thiệt hại cho tàu cá, ngư dân ta. Ngoài ra, tại Tư vấn lãnh sự Việt Nam – Trung Quốc ngày 28/5/2013 tại Bắc Kinh, Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đã đề nghị phía Trung Quốc đối xử nhân đạo đối với tàu cá, ngư dân ta hoạt động nghề cá hợp pháp trên Biển Đông. Gần đây nhất, vụ 02 tàu cá của Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 96787 TS và QNg 90153 TS cùng với 29 ngư dân bị phía Trung Quốc gây thiệt hại ngày 7/7/2013, Bộ Ngoại giao đã gặp Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam; đại diện Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao đã gặp Tham tán phụ trách Lãnh sự Đại sứ quán Trung Quốc để trao công hàm phản đối. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã 04 lần phát biểu công khai về việc Trung Quốc xua đuổi tàu cá, uy hiếp ngư dân ta. Đồng thời, Bộ Ngoại giao luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, các Bộ, ngành liên quan và địa phương trong việc tập hợp thông tin và các bằng chứng cụ thể về những hoạt động trái phép của phía Trung Quốc nói trên, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Lãnh đạo cấp cao để xin ý kiến chỉ đạo trong việc đấu tranh về đối ngoại, bảo hộ tàu cá và ngư dân ta, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của đất nước.

Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách bảo vệ và hỗ trợ ngư dân như:

- Chỉ thị 689/CT-TTg ngày 18/5/2010 về một số biện pháp nhằm ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng tàu cá, ngư dân Việt Nam bị nước ngoài bắt giữ (Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn đã thành lập Tổ công tác 689 có sự tham gia của Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan; định kỳ 03 tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tàu cá và ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, kiến nghị những biện pháp giải quyết.

- Nghị định 30/2010/NĐ-CP ngày 29/3/2010 về chính sách đối với các tàu cá, ngư dân tham gia đấu tranh bảo vệ chủ quyền trên biển.

- Quyết định số 48/2010/QĐ-TTg ngày 13/7/2010 và Quyết định số 39/2011/QĐ-TTg ngày 11/7/2011 về một số chính sách khuyến khích, hỗ trợ khai thác, nuôi trồng hải sản và dịch vụ khai thác hải sản trên các vùng biển xa.

- Quyết định số 375/QĐ-TTg ngày 01/3/2013 về việc phê duyệt Đề án tổ chức lại sản xuất trong khai thác hải sản, giao Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn nghiên cứu phương án tổ chức lại sản xuất nghề cá hiệu quả nhất.

- Quyết định 289/QĐ-TTg thí điểm hỗ trợ ngư dân được cải hoán tàu đánh bắt xa bờ công suất tàu đến trên 1.000 mã lực; mức cho vay 70-80% kinh phí đóng tàu và lãi suất cố định 3%/năm trả trong 10 năm là mức hỗ trợ rất lớn.

Đồng thời, Chính phủ cũng đã tăng cường đầu tư nâng cao năng lực quản lý trên biển của các Bộ, ngành chức năng để bảo vệ hoạt động đánh bắt cá của ngư dân ta trong vùng biển Việt Nam, kịp thời hỗ trợ ngư dân khi cần thiết; chỉ đạo Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn tích cực thúc đẩy đàm phán với các nước liên quan về hợp tác trong lĩnh vực nghề cá, cũng như xây dựng cơ chế xử lý vấn đề ngư dân bị nước ngoài bắt giữ. Chính phủ cũng đã ban hành Nghị định số 102/2012/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của kiểm ngư, tiến tới việc xây dựng lực lượng kiểm ngư để hỗ trợ cho ngư dân. Bên cạnh đó, cũng cần phải nhấn mạnh công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành ở Trung ương với các địa phương để tăng cường giáo dục, phổ biến pháp luật, qua đó giúp ngư dân ta hiểu và tôn trọng pháp luật Việt Nam, luật pháp quốc tế, nhận biết và tôn trọng vùng biển của các nước láng giềng.

Các câu hỏi cùng địa phương: