Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Cử tri rất bức xúc trước việc thất thoát lãng phí trong đầu tư, xây dựng cơ bản đối với các dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước hoặc trái phiếu Chính phủ đang tạm hoãn, tạm giản hoặc đình thi công do Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ quy định. Cử tri đề nghị Chính phủ có đánh giá những hạn chế cũng như đánh giá thất thoát, lãng phí trong việc thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, báo cáo trước Quốc hội và nhân dân về những hạn chế  và mặt trái của Nghị quyết này.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Hậu Giang   

Đơn vị xử lý: Bộ kế hoạch và đầu tư   

Lĩnh vực: Bộ kế hoạch và đầu tư   

Trả lời:

Tại công văn số 6659/BKHĐT-TH ngày 09/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

(1) Về các chủ trương, giải pháp tại Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ có liên quan đến đầu tư từ nguồn vốn NSNN và TPCP

Tại Nghị quyết 11/NQ-CP, Chính phủ giao cho các bộ, cơ quan, địa phương trong năm 2011 chưa khởi công mới các công trình, dự án sử dụng vốn NSNN và TPCP, trừ các dự án phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách, các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); đồng thời rà soát, sắp xếp lại, điều chuyển vốn đầu tư từ các dự án cắt giảm sang các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành trong năm 2011 trong phạm vi của từng bộ, ngành, từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 05/6/2011, tại Nghị quyết số 83/NQ-CP, Chính phủ đã mở rộng đối tượng được phép khởi công mới trong năm 2011 cho các dự án quan trọng, cấp bách thuộc các lĩnh vực phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách, các dự án trọng điểm quốc gia, các dự án được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), các dự án quốc phòng - an ninh cấp bách, chương trình hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a, các dự án đầu tư nhà máy điện, một số cầu yếu có nguy cơ sập.

Tinh thần của Nghị quyết 11/NQ-CP không phải là cắt giảm vốn đầu tư từ NSNN và TPCP đã giao cho các bộ, ngành, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và địa phương phải rà soát để sắp xếp lại việc bố trí vốn theo hướng điều chuyển vốn từ các dự án khởi công mới, các dự án chưa thật sự cần thiết sang các dự án quan trọng, cấp bách, có khả năng hoàn thành sớm và phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội. Nghị quyết 11/NQ-CP đồng thời khuyến khích các bộ, ngành và địa phương ưu tiên bố trí vốn cho các dự án có khả năng sớm hoàn thành đi vào sử dụng và phát huy được hiệu quả kinh tế - xã hội.

(2) Về việc nhiều dự án, công trình phải sử dụng vốn NSNN, vốn TPCP phải đình hoãn, giãn tiến độ do không bố trí được vốn

Trước khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ, trong một thời gian dài chúng ta đã thực hiện phân cấp về quyết định đầu tư và phân bổ vốn theo hướng tăng cường quyền quyết định cho các cấp, các ngành. Việc phân cấp về đầu tư là phù hợp, nhưng thiếu các biện pháp đồng bộ và kiểm tra kiểm soát đã dẫn tới tình trạng mất cân đối giữa nhu cầu và khả năng huy động các nguồn vốn, đẩy NSTW vào thế bị động; trong đó, hạn chế lớn nhất là các địa phương tự quyết định các dự án đầu tư từ nguồn NSTW nhưng không có ý kiến của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương. Điều này dẫn đến tình trạng các cấp, các ngành quyết định phê duyệt và cho triển khai quá nhiều dự án mà không tính đến khả năng cân đối của ngân sách; thậm chí địa phương quyết định phê duyệt và cho triển khai các dự án sử dụng vốn bổ sung có mục tiêu từ NSTW, TPCP mà không biết nguồn vốn có cân đối được hay không.

Tình hình trên diễn ra trong nhiều năm dẫn đến tình hình bố trí vốn dàn trải, thời gian thi công kéo dài, gây lãng phí, thất thoát, giảm hiệu quả đầu tư, đẩy NSNN và vốn TPCP vào thế bị động. Vì vậy, chủ trương bố trí vốn tập trung, rà soát điều chuyển vốn cho các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, cần đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành đưa vào sử dụng tại Nghị quyết số 11/NQ-CP là chủ trương đúng đắn, nâng cao hiệu quả đầu tư, giảm lãng phí, thất thoát vốn. Đối với công trình phải điều chuyển vốn cho các công trình khác thì phải huy động các nguồn vốn khác, hoặc giãn tiến độ thực hiện. Đây là giải pháp cần thiết để khắc phục tình trạng buông lỏng quản lý trong nhiều năm qua.

Ngày 15/10/2011, để tăng cường quản lý vốn đầu tư từ NSNN và TPCP, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định ban hành Chỉ thị số 1792/CT-TTg, trong đó tăng cường các biện pháp quản lý trong việc phê duyệt đầu tư và bố trí vốn đầu tư để bảo đảm bố trí vốn tập trung, giảm thất thoát, lãng phí và nâng cao hiệu quả đầu tư. Chỉ thị số 1792/CT-TTg quy định các cấp có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô của từng dự án đầu tư theo đúng mục tiêu, lĩnh vực, chương trình đã được phê duyệt, chỉ được quyết định đầu tư khi xác định rõ nguồn vốn và khả năng cân đối vốn ở từng cấp ngân sách. Việc xác định nguốn vốn và cân đối vốn là nội dung quan trọng, phải có trong hồ sơ dự án trước khi cấp có thẩm quyền phê duyệt.

 Trong kế hoạch đầu tư năm 2012 và 2013, việc thực hiện Chỉ thị số 1792/CT-TTg đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Tình hình phân bổ vốn đã có chuyển biến tích cực theo hướng tập trung; ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành, hạn chế tối đa các dự án khởi công mới; chỉ khởi công mới các dự án thật sự cần thiết và khi bảo đảm có đủ nguồn vốn để các dự án khởi công mới có thể hoàn thành đúng thời gian quy định. Bên cạnh đó, những quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg cũng khắc phục được tình trạng phê duyệt dự án tràn lan khi chưa xác định được nguồn vốn, tình trạng khối lượng thực hiện của nhiều dự án vượt quá mức vốn được giao hàng năm gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản.

Bên cạnh việc triển khai những giải pháp trên, trong thời gian tới Chính phủ sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện những giải pháp nhằm tăng cường quản lý vốn đầu tư từ nguồn NSNN và vốn TPCP, đi đôi với việc tăng cường huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, giảm bớt gánh nặng đầu tư từ NSNN.

Dự kiến tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sẽ báo cáo Quốc hội cho phép phát hành thêm TPCP từ năm 2013 để thực hiện các dự án mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 14 và một số công trình trọng điểm, cấp bách về thủy lợi, y tế đang còn thiếu vốn. Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo ứng trước vốn đối ứng vốn ODA và TPCP kế hoạch năm 2014 cho các các công trình quan trọng, cấp bách, đã giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2013, cần vốn để đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành đưa vào sử dụng. Chủ trương phát hành thêm TPCP và thực hiện ứng trước kế hoạch vốn đối ứng vốn ODA, TPCP kế hoạch năm 2014 sẽ giúp bổ sung thêm nguồn lực và đẩy nhanh tiến độ thi công để hoàn thành các dự án, công trình còn thiếu vốn.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: