Việc phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nói chung và công nghiệp hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô nói riêng trong những năm vừa qua luôn được Nhà nước hết sức quan tâm. Đối với Việt Nam, phát triển công nghiệp ô tô là một trong những bước đi quan trọng để thực hiện mục tiêu chuyển đổi Việt Nam từ một nước có nền kinh tế nông nghiệp đơn thuần sang một nền kinh tế hiện đại với các ngành công nghiệp phát triển, thúc đẩy chuyển giao công nghệ, giảm nhập siêu. Xác định đây là một ngành công nghiệp còn non trẻ, khả năng cạnh tranh còn nhiều hạn chế, trong những năm vừa qua, Nhà nước ta đã có nhiều chính sách đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ để phát triển ngành sản xuất ôtô trong nước.
- Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn khác để tạo khung khổ pháp lý cho phát triển công nghiệp hỗ trợ, bao gồm công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất ô tô, cụ thể gồm:
+ Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ (gồm các ngành: dệt may; da giầy; điện tử tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao);
+ Quyết định số 1483/QĐ-TTg ngày 26 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển của các ngành: dệt may; da giầy; điện tử tin học; sản xuất lắp ráp ô tô; cơ khí chế tạo; công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao;
+ Quyết định số 1412/QĐ-BCT ngày 28 tháng 3 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kế hoạch hành động của ngành Công Thương thực hiện Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ;
+ Quyết định số 4290/QĐ-BCT ngày 24 tháng 8 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án công nghiệp hỗ trợ;
+ Quyết định số: 5369/QĐ-BCT ngày 17 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng thẩm định Dự án công nghiệp hỗ trợ; trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Dự án công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
+ Công văn số 9734 /BCT-CNNg ngày 20 tháng 10 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Công Thương gửi các Bộ, ngành, địa phương...hướng dẫn trình tự thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt Dự án công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển.
- Để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho ngành cơ khí nói chung và ô tô nói riêng, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan hỗ trợ Ủy ban nhân dân các địa phương: Hải Phòng; Bà Rịa - Vũng Tàu; Đồng Nai lập Đề án xây dựng Khu công nghiệp hỗ trợ chuyên sâu về cơ khí tại địa phương mình. Đến nay các địa phương này đang hoàn thiện các Đề án để trình Chính phủ phê duyệt.
- Để phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” để phát triển hệ thống doanh nghiệp nhỏ và vừa về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
- Để thu hút các doanh nghiệp FDI đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án thu hút FDI trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, điện, thương mại.
Riêng đối với việc phát triển sản xuất ôtô trong nước, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 175/2002/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2002 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020 và Quyết định số 177/2004/QĐ-TTg ngày 05 tháng 10 năm 2004 phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn 2020. Tuy nhiên, sau gần 10 năm thực hiện quy hoạch, ngành công nghiệp ô tô cũng đã bộc lộ nhiều bất cập. Các doanh nghiệp tập trung chủ yếu ở khâu lắp ráp, công nghiệp hỗ trợ chưa được chú trọng đúng mức, tỷ lệ giá trị nội địa của ô tô sản xuất trong nước rất thấp. Vì vậy, để phù hợp với tình hình mới, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương lập lại Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (theo Thông báo số 5047/VPCP-KTN ngày 20 tháng 7 năm 2010 của Văn phòng Chính phủ). Đến nay, Bộ Công Thương đã hoàn tất bản Dự thảo Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định, theo đó công nghiệp hỗ trợ được coi là nền tảng để phát triển ngành ô tô bền vững.