1. Theo quy định tại khoản 2, điều 4, Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24/09/2010 của Chính phủ, việc chi trả DVMTR dựa trên kết quả cung ứng các DVMTR, bao gồm các dịch vụ: (i) Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; (ii) Điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; (iii) Hấp thụ và lưu giữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính bằng các biện pháp ngăn chặn suy thoái rừng, giảm diện tích rừng và phát triển rừng bền vững; (iv) Bảo vệ cảnh quan tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học của các hệ sinh thái rừng phục vụ cho dịch vụ du lịch; (v) Dịch vụ cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn và con giống tự nhiên, sử dụng nguồn nước từ rừng cho nuôi trồng thủy sản. Mức chi trả đối với từng đối tượng sử dụng DVMTR được quy định cụ thể như sau: 20 đồng/kw điện thương phẩm, 40 đồng/m3 nước thương phẩm và từ 1%-2% doanh thu du lịch.
Như vậy, đơn giá chi trả bình quân (đồng/ha) cho các chủ rừng trong từng lưu vực có cung ứng DVMTR sẽ tùy thuộc vào công suất, sản lượng, doanh thu của từng cơ sở sử dụng DVMTR (Thuỷ điện, nước sạch) và diện tích lưu vực cung cấp DVMTR của các chủ rừng.
2. Về giải pháp nâng cao mức chi trả cho người dân: Hiện tại, Bộ NN&PTNT đang tiến hành các nghiên cứu bổ sung các giá trị dịch vụ của rừng như: dịch vụ hấp thụ các bon; dịch vụ cung ứng bãi đẻ nguồn thức ăn con giống trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời, nỗ lực huy động các nguồn lực khác thông qua Chương trình giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn và nâng cao trữ lượng các bon rừng (Chương trình REDD+).
Trong thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ tổ chức đánh giá, sơ kết việc triển khai thực hiện chính sách chi trả DVMTR trên phạm vi toàn quốc; trên cơ sở đó, Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi các nội dung liên quan tới đối tượng thực hiện chi trả, mức chi trả và cơ chế quản lý sử dụng tiền chi trả DVMTR để đảm bảo phù hợp với tình hình thực tiễn.