Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Giá điện, xăng dầu, than điều chỉnh tăng liên tục, làm ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân (nhất là nhân dân vùng nông thôn, miền núi). Đề nghị Chính phủ cần có những biện pháp kiểm soát chặt chẽ giá các mặt hàng này để góp phần bớt những khó khăn cho người dân.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Quảng Nam   

Đơn vị xử lý: Bộ tài chính   

Lĩnh vực: Giá   

Trả lời:

Tại công văn số 11116/BTC-QLG ngày 20/8/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Hiện nay, nước ta đang nhất quán thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với quy định của Luật Giá và các cam kết quốc tế. Trong điều hành giá đối với những mặt hàng Nhà nước còn kiểm soát giá trực tiếp đều đã xây dựng những lộ trình cụ thể phù hợp với các mục tiêu kiểm soát lạm phát trong từng giai đoạn; khi điều chỉnh giá các mặt hàng đó đều tính toán xem mức độ tác động đến sản xuất để có những biện pháp thích hợp hạn chế tác động bất lợi của nó đến nền kinh tế thông qua việc chia sẻ trách nhiệm, lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng; thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoạt động của thị trường....cụ thể:

1. Đối với giá xăng dầu:

Giá xăng dầu hiện nay đang được điều hành theo quy định tại Nghị định số 84/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu (gọi tắt là Nghị định số 84/2009/NĐ-CP) với nguyên tắc cơ bản là: "Giá bán xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước". Theo đó, thương nhân kinh doanh xăng dầu đầu mối được quy định giá bán xăng dầu trong biên độ giới hạn nhất định, theo quy trình và nguyên tắc quy định. Nhà nước thực hiện giám sát, kiểm soát và điều tiết giá xăng dầu thông qua việcquy định công thức tính giá cơ sở, thời gian tối thiểu giữa hai lần điều chỉnh giá để các doanh nghiệp có căn cứ tính toán và đăng ký mức giá với cơ quan Nhà nước. Bên cạnh đó, khi giá cơ sở tăng cao vượt biên độ thuộc thẩm quyền quyết định giá của doanh nghiệp, Nhà nước áp dụng các biện pháp bình ổn giá thông qua các công cụ tài chính (sử dụng hoặc tăng mức sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu, việc điều hành thuế,) nhằm giữ ổn định, không tăng giá hoặc không để giá tăng quá cao, gây tác động bất lợi đến phát triển kinh tế xã hội, đến mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Ở nước ta, xăng dầu tiêu thụ trong nước chủ yếu phải nhập khẩu (khoảng 70%), nên giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào biến động giá xăng dầu thế giới, trước hết là giá xăng, dầu thành phẩm.

Trong vòng 7 tháng đầu năm 2013, mặc dù giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp trong nhiều thời điểm xu hướng tăng là chủ yếu và dao động ở mức cao, nhưng giá bán xăng dầu trong nước đã không phải điều chỉnh tăng mà được giữ ổn định trong 06 lần trong các đợt điều hành ngày 15/1/2013; 28/1/2013; 8/2/2013; 26/2/2013; 22/5/2013; 31/5/2013  do sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá và giảm thuế nhập khẩu (nếu điều chỉnh tăng giá thì mức điều chỉnh tại mỗi lần điều hành sẽ phải tăng tương đương với mức sử dụng quỹ Bình ổn giá[14] và tỷ lệ giảm của mức thuế suất thuế nhập khẩu). Giá bán xăng dầu trong nước đã điều chỉnh tăng 04 lần (trong đó có 03 lần mức tăng ở mức độ kiềm chế do kết hợp với việc sử dụng Quỹ BOG và yêu cầu doanh nghiệp không tính đủ lợi nhuận định mức trong cơ cấu giá cơ sở[15]). Khi giá xăng dầu thế giới giảm, Liên Bộ đã kịp thời yêu cầu các doanh nghiệp 03 lần giảm giá bán xăng dầu trong nước trong các đợt điều hành ngày 9/4/2013; 18/4/2013 và 26/4/2013.

Từ khi Nghị định số 84/2009/NĐ-CP được ban hành và tổ chức thực hiện, giá thị trường thế giới năm 2010, 2011, 2012 và 7 tháng đầu năm 2013 diễn biến rất phức tạp, có những thời gian giá giảm nhưng phần lớn thời gian biến động theo chiều hướng tăng[16]; mặt khác tình hình kinh tế vĩ mô, lạm phát ở trong nước cũng có những diễn biến không thuận lợi. Trong bối cảnh đó, để thực hiện mục tiêu bình ổn giá, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương điều hành giá xăng, dầu bám sát các quy định của Nghị định số 84/2009/NĐ-CP và chỉ đạo của Chính phủ trong từng thời kỳ; đồng thời sử dụng linh hoạt các công cụ về thuế và quỹ bình ổn giá để giữ bình ổn giá xăng dầu.

2. Đối với giá điện:

Theo quy định hiện hành, Bộ Công Thương là cơ quan nhà nước có chức năng quản lý nhà nước về giá điện; Bộ Tài chính phối hợp theo quy định.

Hiện nay, giá bán điện bình quân đang được điều chỉnh theo quy định tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg ngày 15 tháng 04 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường. Theo đó: Trong năm tài chính, giá bán điện chỉ được điều chỉnh khi thông số đầu vào cơ bản biến động so với thông số đã được sử dụng để xác định giá bán điện hiện hành. Các thông số đầu vào khác của giá bán điện chỉ được xem xét để điều chỉnh giá bán điện sau khi có báo cáo quyết toán, kiểm toán theo quy định. Thời gian tối thiểu giữa các đợt điều chỉnh giá điện là 3 tháng.

Năm 2012, giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng 2 lần; mỗi lần tăng thêm 5%. Theo đó, từ 01/7/2012, giá điện bình quân tăng từ 1.304 đ/kwh lên 1.369 đ/kwh[17]; từ ngày 22/12/2012, giá điện bình quân tăng từ 1.369 đ/kwh lên 1.437 đ/kwh[18]. Năm 2013, sau 7 tháng ổn định giá bán điện bình quân được điều chỉnh tăng 5% từ 1/8/2013 (từ 1.437 đ/kwh lên mức 1.508,85 đ/kwh)[19].

Trong thời gian qua, các phương án điều chỉnh giá điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam được kiểm soát chặt chẽ theo quy định; thời gian và mức điều chỉnh được cân nhắc một cách thận trọng, tránh việc điều chỉnh giá điện gây tác động lớn đến ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội.

Ví dụ trong đợt điều chỉnh giá điện 1/8/2013 vừa qua; mức giá bán lẻ điện sinh hoạt cho 50kwh đầu tiên đối với hộ nghèo và thu nhập thấp không điều chỉnh tăng mà vẫn được duy trì ở mức 993đ/kwh. Đối với hộ gia đình bình thường sử dụng từ 0-100kwh mức tăng tối đa 6.800 đ/tháng; sử dụng từ 0-150kwhmức tăng tối đa 10.650 đ/tháng; sử dụng từ 0-200kwh mức tăng tối đa  15.500 đ/tháng;... Đối với các hộ thuộc diện hộ nghèo theo tiêu chí do Thủ tướng Chính phủ quy định vẫn được hỗ trợ giá điện cho 50kWh/tháng, mức hỗ trợ là 30.000đồng/hộ/tháng theo quy định tại Quyết định số 268/QĐ-TTg ngày 23 tháng 2 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về biểu giá bán lẻ điện.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương theo thẩm quyền trong việc điều hành giá điện đảm bảo thực hiện lộ trình cơ chế thị trường theo các Nghị quyết của Quốc hội, phù hợp với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và an sinh xã hội, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong mỗi lần điều chỉnh giá để người dân và xã hội cùng giám sát.

3. Đối với giá than:

Hiện nay, than tiêu dùng trong nước chủ yếu được bán cho 3 nhóm khách hàng chính: than bán cho sản xuất điện; than bán cho 3 hộ sản xuất lớn, gồm xi măng, giấy, phân bón; và than bán cho các hộ tiêu thụ nhỏ lẻ (nung gạch, ngói, sản xuất gốm, sứ....). Trong đó, giá than (trừ than bán cho sản xuất điện) thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 244/VPCP-KTTH ngày 11/8/2009 của Văn phòng Chính phủ: "Giá than bán cho các nhu cầu tiêu thụ trong nước (trừ than bán cho điện) thấp hơn giá than xuất khẩu tối đa là 10%". Số liệu thống kê cho thấy, từ tháng 10/2012 đến nay, giá các chủng loại than này không thay đổi.

Riêng đối với than bán cho sản xuất điện, để tránh tác động đối với sản phẩm đầu ra (giá điện), giá than bán cho các hộ này được giữ ở mức thấp hơn giá thành trong một thời gian dài. Để thực hiện Nghị quyết số 10/2011/QH13 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 – 2015: "Thực hiện cơ chế giá thị trường đối với giá điện, than và giá dịch vụ công chậm nhất vào năm 2013", trên cơ sở lộ trình giá than bán cho sản xuất điện được Chính phủ quy định, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương chủ động tính toán, đưa giá than bán cho sản xuất điện bù đắp được giá thành toàn bộ năm 2013 (trước mắt chưa tính lợi nhuận). Hiện nay, giá than bán cho điện (chưa bao gồm thuế VAT) đang ở mức thấp hơn khoảng 6% - 13% so với giá than của các hộ tiêu dùng khác trong nước, khoảng 14 – 24% so với giá than xuất khẩu (cùng chủng loại).

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: