Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Mức thu phí đường bộ đối với các phương tiện giao thông thiếu công bằng giữa các vùng (vùng núi đường xấu, địa hình phức tạp, phương tiện giao thông tiêu tốn ít nhiên liệu hơn, hao mòn nhiều hơn nhưng mức nộp phí vẫn bằng các loại phương tiện cùng loại dưới đồng bằng). Đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh mức thu phí đường bộ đối với các phương tiện giao thông theo khu vực để đảm bảo công bằng.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Quảng Nam   

Đơn vị xử lý: Bộ giao thông - vận tải   

Lĩnh vực: Cơ sở hạ tầng   

Trả lời:

Tại công văn số 6717/BGTVT-TC ngày 09/7/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Bộ GTVT cám ơn sự quan tâm của cử tri tỉnh Quảng Nam về những vấn đề liên quan đến ngành GTVT. Đối với kiến nghị của cử tri tỉnh Quảng Nam nêu trên, Bộ GTVT xin được báo cáo như sau:

Trong quá trình nghiên cứu, tham mưu để trình Chính phủ ban hành Nghị định số 18/2012/NĐ-CP ngày 13/3/2012 của Chính phủ về Quỹ bảo trì đường bộ và phối hợp cùng Bộ Tài chính xây dựng ban hành Thông tư số 197/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành đã khảo sát, đánh giá và nhận thấy nhiều nội dung cần phải được tập trung nghiên cứu để có giải pháp nhằm đảm bảo tối đa sự công bằng của người dân khi triển khai thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, trong đó có vấn đề mà cử tri đã nêu trên. Giải pháp giải quyết vấn đề này đã được nghiên cứu lấy ý kiến và chính thức được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật về thu phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện, cụ thể như sau:

a) Về phí sử dụng đường bộ thu đối với xe mô tô:

- Tại Điều 6- Nghị định số 18/2012/NĐ-CP: quy định phí sử dụng đường bộ thu được đối với xe mô tô tại địa phương nào bổ sung vào Quỹ bảo trì đường bộ của địa phương đó.

- Tại Điều 9- Thông tư số 197/2012/TT-BTC quy định: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào chủ trương chính sách của Nhà nước, tình hình kinh tế- xã hội và đặc điểm của các địa phương trong từng thời kỳ, phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp phí để quy định mức thu phí trong phạm khung vi mức phí đã được quy định.

- Tại Điều 3- Thông tư số 197/2012/TT-BTC quy định: miễn giảm phí sử dụng đường bộ đối với xe mô tô của chủ phương tiện thuộc các hộ nghèo theo quy định pháp luật về hộ nghèo.

b) Về phí sử dụng đường bộ đối với xe ô tô:

Tại Điều 6 của Nghị định số 18/2012/NĐ-CP quy định: phí sử dụng đường bộ trên đầu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thu từ xe ô tô được phân chia cho Quỹ bảo trì đường bộ Trung ương là 65% và các Quỹ bảo trì đường bộ địa phương là 35%; việc phân chia cụ thể cho từng Quỹ địa phương do Hội đồng quản lý Quỹ Trung ương quyết định căn cứ vào chiều dài đường bộ của địa phương, số xe ô tô quy tiêu chuẩn đăng ký tại địa phương và hệ số khó khăn về nguồn thu của từng địa phương.

Như vậy về cơ bản những khó khăn, bất cập mà Cử tri kiến nghị đã được nghiên cứu xem xét và có những quy định cụ thể để xử lý. Tuy nhiên, căn cứ ý kiến của Đại biểu Quốc hội, Bộ GTVT và Bộ Tài chính sẽ tiếp tục, rà soát và nghiên cứu từ đó đưa ra các giải pháp hợp lý, khả thi để tiếp tục hạn chế tối đa những bất cập trong quá trình triển khai Nghị định số 18/2012/NĐ-CP của Chính phủ.

 Bộ GTVT thấy rằng giải pháp cơ bản để người dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn được cải thiện về đời sống trong đó có việc ngày càng hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ thì việc hoạch định chiến lược đầu tư, phát triển giao thông nông thôn với những mục tiêu và giải pháp cụ thể để thực hiện là rất quan trọng. Bộ GTVT đã nghiên cứu xây dựng và ban hành Quyết định số 1509/QĐ-BGTVT ngày 08/7/2011 phê duyệt Chiến lược phát triển Giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với các mục tiêu cụ thể về kết cấu hạ tầng đường bộ đến năm 2020 như sau:

- 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã (đến năm 2015), trừ các xã đặc biệt khó khăn do địa hình và chi phí đầu tư quá lớn cho xe máy và xe thô sơ đi lại được; các xã ở các cù lao, hải đảo thì phải xây dựng các bến phà, bến tàu để nối thông được đến trung tâm.

- 100% đường huyện, đường xã đi lại quanh năm; tỷ lệ mặt đường được nhựa hóa hoặc bê tông xi măng hóa đối với đường huyện đạt 100%, đường xã tối thiểu 70%.

- Đưa dần hệ thống đường giao thông nông thôn vào cấp kỹ thuật, đường huyện đạt tiêu chuẩn đường tối thiểu cấp V, đường xã tối thiểu đạt cấp VI theo tiêu chuẩn TCVN 4054:2005.

- Tối thiểu 50% các đường thôn xóm được cứng hóa, đạt loại A, theo tiêu chuẩn 22 TCN 210-92 trở lên.

- Tối thiếu 45% các đường trục chính nội đồng được cứng hóa, phương tiện cơ giới đi lại thuận tiện.

- Từng bước kiên cố hóa cầu, cống trên đường Giao thông nông thôn; xóa bỏ hết cầu khỉ, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

-  Phát triển giao thông nội đồng để đáp ứng được nhu cầu công nghiệp hóa sản xuất, thu hoạch, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.

- Từng bước bố trí các nguồn vốn để bảo trì hệ thống đường Giao thông nông thôn: 100% đường huyện và tối thiểu 45% đường xã được bảo trì.

Bộ GTVT tin tưởng rằng với việc hình thành Quỹ bảo trì đường bộ để thực hiện công tác quản lý, bảo trì đường bộ nói chung, đường nông thôn nói riêng và việc Bộ GTVT cùng các địa phương triển khai có kết quả Chiến lược phát triển Giao thông nông thôn Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 thì trong thời gian tới đây việc đi lại của nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn sẽ được cải thiện.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: