Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Hiện nay rất nhiều trang thông tin trên mạng Internet đăng tải những hình ảnh khiêu dâm, bạo lực, thông tin không chính xác,... gây "ô nhiễm" văn hóa và nhiễu loạn thông tin. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng có những biện pháp kiểm duyệt chặt chẽ việc đăng tải của các trang web trên mạng Internet để tránh ảnh hưởng xấu cho xã hội.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Quảng Nam   

Đơn vị xử lý: Bộ thông tin và truyền thông   

Lĩnh vực: Bộ thông tin và truyền thông   

Trả lời:

Tại công văn số 2654/BTTTT-VP ngày 10/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Các bài viết đăng tải trên mạng có hai nguồn, một là từ các cơ quan báo chí chính thống được cấp phép hoạt động theo quy định của Luật Báo chí và hai là do các tổ chức, cá nhân khác cung cấp. Việc cung cấp thông tin trên các cơ quan báo chí chính thống phải tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, còn việc cung cấp thông tin trên các website của các cá nhân, tổ chức trong nước nhưng không phải là cơ quan báo chí phải tuân thủ theo các quy định về quản lý thông tin trên Internet.

 Bên cạnh các loại hình báo chí truyền thống, truyền thông xã hội trên các website, mạng xã hội có tác động lan tỏa trong dư luận xã hội. Do bản chất công nghệ, Internet là môi trường mở, cho phép cộng đồng trên toàn thế giới được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin mà không có giới hạn về địa lý, lãnh thổ. Trong đa số các trường hợp, thông tin về cá nhân của người dùng không cần xác thực. Điều đó một mặt tạo điều kiện thuận lợi cho người muốn cung cấp, sử dụng thông tin trên internet, mặt khác lại loại bỏ những ràng buộc về pháp lý đối với người sử dụng. Vì vậy, nó cho phép những tổ chức, cá nhân với động cơ xấu có thể che dấu danh tính để cung cấp thông tin sai trái, độc hại; thậm chí xóa bỏ dấu vết để thực hiện hành vi tội phạm, lừa đảo, mà phổ biến nhất là những hành vi phạm tội xuyên quốc gia. Việc xuất hiện những trang thông tin điện tử có nội dung “không lành mạnh, tuyên truyền xuyên tạc, chống phá nhà nước”, một số trang thông tin điện tử đăng tải những hình ảnh khiêu dâm, bạo lực, thông tin không chính xác,... gây "ô nhiễm" văn hóa và nhiễu loạn thông tin hầu hết là các website có máy chủ đặt tại nước ngoài cung cấp xuyên biên giới và gần như không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam. Trong khi trên thực tế việc phát hiện, ngăn chặn những hành vi sai trái trên môi trường Internet về phương diện kỹ thuật là rất khó khăn, đòi hỏi sự phối hợp tích cực và đồng bộ của các bộ, ngành có liên quan.

Để quản lý hiệu quả nội dung thông tin trên Internet, Bộ Thông tin và Truyền thông đã kết hợp đồng bộ các giải pháp sau:

1. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm môi trường pháp lý rõ ràng, công khai, minh bạch và bình đẳng cho mọi đơn vị, cá nhân cung cấp và sử dụng thông tin internet trên lãnh thổ Việt Nam.

- Ngày 15/07/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 72/2013/NĐ-CP về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng thay thế Nghị định 97/2008/NĐ-CP ngày 28/8/2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet. Trong đó những quy định mới về tăng cường quản lý nội dung thông tin trên mạng Internet gồm:

+ Quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức cá nhân đối với việc đăng tải hoặc sử dụng thông tin trên mạng và các biện pháp tăng cường nhằm bảo vệ người sử dụng Internet, trong đó có quy định đối với người sử dụng dịch vụ mạng xã hội, dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng phải cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.

+ Quy định nhà cung cấp thông tin qua biên giới cho người sử dụng tại Việt Nam phải có trách nhiệm loại bỏ những thông tin vi phạm điều cấm của Nghị định.

+ Tăng cường công tác quản lý đối với mạng xã hội, theo đó chuyển từ hình thức đăng ký thành hình thức cấp phép trước khi hoạt động.

Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tiến hành xây dựng các Thông tư hướng dẫn thi hành, trong đó có thông tư hướng dẫn về trò chơi điện tử trên mạng; thông tư hướng dẫn về trang thông tin điện tử và mạng xã hội, thông tư quản lý nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động và thông tư quy định cụ thể về quy trình phối hợp giữa các tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ thông tin công cộng xuyên biên giới với các cơ quan quản lý tại Việt Nam...

- Tăng cường quản lý an toàn thông tin và an ninh thông tin.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 28/2009/NĐ-CP ngày 20/3/2009 về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet và Nghị định số 02/2011/NĐ-CP ngày 06/01/2011 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản, trong đó sẽ bổ sung các hành vi vi phạm mà Nghị định số 28/2009/NĐ-CP và Nghị định số 02/2011/NĐ-CP chưa đề cập đến, đồng thời tăng mức xử phạt nhằm bảo đảm tính răn đe và đạt hiệu quả trong công tác quản lý.

2. Nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về tổ chức bộ máy, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại bảo đảm triển khai có hiệu quả các biện pháp quản lý về hành chính và kỹ thuật để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các sai phạm theo pháp luật.

3. Có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam phát triển các dịch vụ nội dung tích cực, lành mạnh phù hợp với đặc trưng lịch sử, văn hóa, tập quán và ngôn ngữ của người Việt Nam nhằm thu hút người dùng Việt Nam. Ưu tiên các dịch vụ thu hút đông đảo người dùng Internet như mạng xã hội, công cụ tìm kiếm, trò chơi trực tuyến...

4. Tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng.

- Tăng cường tuyên truyền về tính hai mặt của Internet trên các phương tiện truyền thông đại chúng, phương tiện truyền thông cơ sở, thông tin tuyên truyền cổ động kết hợp với các hoạt động sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể xã hội, nhất là trong hệ thống nhà trường và tổ chức Đoàn thanh niên.

- Tăng cường tổ chức các buổi tọa đàm, giao lưu với các thế hệ học sinh, sinh viên và các bậc phụ huynh nhằm cung cấp, trao đổi thông tin về những mặt tích cực và tiêu cực của Internet.

5. Huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, phối hợp trách nhiệm giữa các cơ quan chức năng với các tổ chức, đoàn thể, giữa gia đình và nhà trường, giữa ý thức cá nhân với các phong trào mang tính cộng đồng hướng tới một văn hóa Internet lành mạnh, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của toàn xã hội.

- Bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh  các nội dung, hoạt động trên Internet, với những quy định cụ thể về trách nhiệm của các cấp, các ngành nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong việc xây dựng và hướng tới một văn hóa Internet lành mạnh.

- Thường xuyên phát động phong trào, tổ chức các đợt tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để bộ, ngành, đơn vị từ trung ương đến địa phương, gia đình, nhà trường và mỗi cá nhân hiểu và ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây dựng và hướng tới một văn hóa Internet lành mạnh.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: