Nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế, trong những năm gần đây Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp tăng cường đội ngũ cán bộ và đầu tư về nhân lực y tế đảm bảo chất lượng, trong đó có hai giải pháp quan trọng gồm:
1. Giải pháp về đào tạo: Bộ Y tế đã chỉ đạo các trường nâng cao năng lực, tăng thêm chỉ tiêu tuyển sinh nhưng phải đảm bảo chất lượng đào tạo.
Với hơn 170 cơ sở đào tạo nhân lực y tế từ bậc sau đại học, đại học, cao đẳng, trung cấp trên toàn quốc, số lượng sinh viên, học sinh đã và đang được đào tạo là rất đáng kể. Ngoài việc cung cấp đủ số lượng, Bộ Y tế đang đặt nhiệm vụ nâng cao chất lượng nhân lực y tế là một trong các ưu tiên hàng đầu.
Bộ Y tế đã triển khai một số dự án hỗ trợ các cơ sở đào tạo về cả trang thiết bị, chương trình đào tạo, đào tạo giáo viên, viết tài liệu,... Hiện nay, Bộ Y tế và Ngân hàng thế giới cũng đang phối hợp xây dựng một Dự án cải thiện chất lượng đào tạo nhân lực y tế trong đó chú trọng tới cải thiện chất lượng đào tạo bác sỹ và điều dưỡng.
Bên cạnh đào tạo hệ chính quy, hiện nay còn có các hình thức đào tạo khác như: đào tạo theo chế độ cử tuyển, đào tạo liên thông, đào tạo theo địa chỉ sử dụng nhằm tránh tình trạng thiếu nhân lực cục bộ tại các khu vực khó khăn hay tuyến y tế cơ sở, học sinh do các địa phương cử đi học được ưu tiên điểm trúng tuyển thấp hơn các thí sinh không thuộc diện này và được địa phương hỗ trợ kinh phí đào tạo. Bộ Y tế đã phối hợp với các trường và địa phương quản lý sinh viên thực hiện đúng cam kết sau khi tốt nghiệp trở về địa phương công tác.
Tính chung trong cả nước, năm 2008 các trường y, dược đã tuyển được 1.775 sinh viên theo hình thức này, đạt 57,8% so với đề nghị của các địa phương, đơn vị; năm 2009 tuyển được 2,305 sinh viên, đạt trên 71,1%; năm 2010 tuyển được 3.617 sinh viên, đạt 98,37%; năm 2011 tuyển được 3.642 sinh viên, đạt 85,82%.
Ngoài việc thực hiện tốt chế độ cử tuyển theo quy định chung của Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế đã xây dựng và trình Chính phủ "Đề án đào tạo nhân lực y tế cho vùng khó khăn, vùng núi của các tỉnh thuộc miền Bắc và miền Trung, vùng đồng bằng sông Cửu Long và vùng Tây Nguyên theo chế độ cử tuyển". Đề án này đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1544/QĐ-TTg ngày 14/11/2007, và được thực hiện trong giai đoạn 2007 - 2018. Từ năm 2007 đến năm 2010 đã có khoảng 2.000 sinh viên đại học Y, Dược nhập học theo chế độ cử tuyển.
2. Giải pháp về chế độ chính sách: Hiện nay có một số chế độ, chính sách đối với cán bộ y tế như:
+ Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 về Quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, quy định mức phụ cấp từ 20% đến 70 %, trong đó mức phụ cấp 60% và 70% được áp dụng cho công chức, viên chức làm công tác phòng chống bệnh truyền nhiễm; kiểm dịch y tế biên giới; khám, điều trị, chăm sóc, bệnh nhân HIV/AIDS, phong, lao, tâm thần. Bộ cũng đã phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 19/01/2012 của liên Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 56/2011/NĐ-CP.
+ Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg ngày 28/12/2011 về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch, trong đó quy định người tham gia chống dịch được hưởng mức phụ cấp từ 75.000 đồng đến 150.000 đồng/ngày/người tùy theo từng loại dịch.
+ Chế độ phụ cấp đặc thù của y tế (phụ cấp thường trực, phẫu thuật, chống dịch) ban hành năm 2003.
+ Chế độ tập sự của bác sĩ ngắn hơn các ngành khác 3 tháng (thời gian tập sự của bác sĩ 9 tháng, của các đại học khác là 12 tháng).
Riêng với đối tượng cán bộ y tế tại tuyến cơ sở, còn có một số chính sách
+ Nghị định 64/2009/NĐ-CP quy định về chính sách đối với cán bộ, viên chức y tế công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và Thông tư liên tịch số 06/2010/TTLT-BYT-BNV-BTC ngày 22/3/2010 của liên Bộ Y tế, Nội vụ, Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 64/2009/NĐ-CP.
+ Quyết định 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 về việc quy định chế độ phụ cấp đối với nhân viên y tế thôn, bản.
Về lâu dài, Bộ Y tế tiếp tục kiến nghị Chính phủ một số cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ y tế nói chung theo hướng:
- Đề nghị xây dựng mức lương khởi điểm của bác sĩ cao hơn mức lương khởi điểm của bậc đại học. Vì bác sĩ có thời gian đào tạo 6 năm, ngoài ra theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, bác sỹ sau khi ra trường phải học thêm 18 tháng tại các bệnh viện lớn mới được cấp chứng chỉ hành nghề y; trong khi các đại học khác có thời gian đào tạo ngắn hơn.
- Đề nghị công chức, viên chức ngành y tế được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề, theo tinh thần Nghị quyết số 46/NQ-TW ngày 23/02/2005 của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã chỉ rõ "nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt" và "Xây dựng và thực hiện chính sách đãi ngộ hợp lý đối với cán bộ, nhân viên y tế; thực hiện chế độ đãi ngộ đối với người thầy thuốc tương đương như với người thầy giáo".
Ngoài ra, các địa phương tùy theo điều kiện kinh tế xã hội của mình cũng có các hình thức hỗ trợ, các chính sách ưu đãi khác nhau để thu hút cán bộ y tế về công tác tại địa phương.