Để hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vay vốn, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong 8 tháng đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp để tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay[28], đến nay mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm khoảng 3-5%/năm so với cuối năm 2012. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tích cực giảm lãi suất của các khoản vay cũ, đến 15/8/2013 tỷ trọng dư nợ cho vay có lãi suất trên 15%/năm chỉ còn 8,86%. Tín dụng tăng thấp trong quý I nhưng đến cuối tháng 7 tín dụng đã tăng 5,3% so với cuối năm 2012, cho thấy khả năng tiếp cận nguồn vốn từ hệ thống ngân hàng của doanh nghiệp và người dân đã tăng lên.
Về điều kiện vay vốn: Hiện nay, các tổ chức tín dụng đang thực hiện theo Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước ban hành từ năm 2001 và từ đó đến nay không có quy định bổ sung về các điều kiện vay vốn. Thời gian qua, các doanh nghiệp, khách hàng có nhu cầu vay vốn tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh có dự án, phương án sản xuất, kinh doanh khả thi, đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại Quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng và đều được tổ chức tín dụng quyết định cho vay. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp mặc dù đáp ứng đủ điều kiện vay vốn nhưng chưa có nhu cầu vay vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh do hàng tồn kho chậm tiêu thụ, khó khăn về thị trường đầu ra; một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhu cầu vay vốn nhưng năng lực tài chính yếu kém, không chứng minh được tính khả thi và hiệu quả của dự án, chưa chứng minh được khả năng trả nợ, không có tài sản thế chấp, hoặc có tài sản thế chấp nhưng không đảm bảo về thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm, nguy cơ rủi ro tín dụng cao... nên gặp khó khăn trong việc vay vốn ngân hàng.
Về thủ tục vay vốn: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước về cải cách hành chính, thời gian qua, các tổ chức tín dụng đã có nhiều đổi mới trong việc xây dựng quy trình cho vay theo hướng đơn giản hóa thủ tục vay vốn, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, đồng thời nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Hiện nay, thủ tục vay vốn theo quy định của các tổ chức tín dụng chỉ gồm: Giấy đề nghị vay vốn; (ii) Dự án/ phương án sản xuất kinh doanh; (iii) Hồ sơ bảo đảm tiền vay (nếu cho vay có bảo đảm); (iv) Hợp đồng tín dụng (lập cho từng lần vay vốn nếu vay theo từng thương vụ riêng lẻ). Tuy nhiên, có một số thủ tục thuộc thẩm quyền giải quyết của các Bộ, ngành khác, được điều chỉnh bởi những quy định khác của pháp luật, như: xây dựng và phê duyệt dự án đầu tư, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, công chứng hợp đồng thế chấp, đăng ký giao dịch bảo đảm… Vì vậy, cần có sự phối hợp tích cực, đồng bộ của các ngành, các cấp có liên quan để đơn giản hóa quy trình, thủ tục cho vay, rút ngắn thời gian xem xét, quyết định cho vay.
Để tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã và đang chỉ đạo các tổ chức tín dụng: (i) Chủ động phối hợp với khách hàng vay trong việc rà soát, đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay phù hợp với chu kỳ sản xuất - kinh doanh, thời hạn thu hồi vốn của dự án, phương án vay vốn; trên cơ sở đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng vay và khả năng tài chính của mình, tổ chức tín dụng thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với khách hàng vay không có khả năng trả nợ đúng hạn ghi trong hợp đồng tín dụng; (ii) Đối với các khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ do tổ chức tín dụng đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh của khách hàng có chiều hướng tích cực và có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ được giữ nguyên nhóm nợ như đã phân loại theo quy định trước khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố chủ trì, làm việc với tổ chức tín dụng và doanh nghiệp trên địa bàn để giải quyết các khó khăn, vướng mắc và có biện pháp xử lý kịp thời.