Trong năm 2013, tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng tiếp tục là vấn đề gây bức xúc trong dư luận xã hội, tác động tiêu cực tới đời sống người dân; môi sinh - môi trường; sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và môi trường đầu tư. Nạn hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn diễn biến phức tạp và xuất hiện những xu hướng mới, tinh vi hơn, chuyên nghiệp hơn và mang yếu tố nước ngoài nhiều hơn. Hiện nay, chưa có chuyên đề khảo sát và nghiên cứu chính thức về tác động của hàng giả, hàng kém chất lượng đến đời sống xã hội, nhưng thực tế là ai cũng có nguy cơ sử dụng phải hàng giả. Hầu hết hàng hóa của các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; Bộ Công Thương, cấp ủy và chính quyền địa phương, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã có nhiều nỗ lực trong công tác đấu tranh ngăn chặn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, tích cực phối hợp với các ngành chức năng trong việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý các vụ việc vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng mang lại những kết quả khả quan, tác động tích cực đối với thị trường. Riêng năm 2012, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý 13,101 vụ hàng giả, kém chất lượng và xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xử phạt vi phạm hành chính 53,833,971,000 đồng, trị giá hàng hóa vi phạm 27,429,949,000 đồng; Sáu tháng đầu năm 2013 phát hiện, xử lý: 7.546 vụ; xử phạt vi phạm hành chính 29.174.989.000 đồng; trị giá hàng vi phạm 22.422.306.000 đồng.
Tuy đạt được những kết quả quan trọng nêu trên nhưng nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo 127-TW. Kết quả xử lý chưa phản ánh đúng thực tế vi phạm trên thị trường, công tác đấu tranh chống sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế. Tình trạng này do các nguyên nhân chủ yếu là:
1. Về nguyên nhân khách quan
- Điều kiện địa lý: Nước ta có đường biên giới trên bộ rất dài, địa hình hiểm trở, nhiều đường mòn, đường tắt qua lại biên giới tạo điều kiện thuận lợi cho các hành vi buôn lậu qua biên giới.
- Điều kiện kinh tế: Trong điều kiện hội nhập, các rào cản thương mại dần được dỡ bỏ, điều kiện lưu thông hàng hoá ngày càng được cải thiện, lượng hàng hoá lưu thông ngày càng phong phú về chủng loại, đi theo đó, các hành vi vi phạm về hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng... có đất để phát triển.
- Điều kiện xã hội: Do tình trạng thiếu việc làm ổn định ở một số tỉnh biên giới; đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến dân cư tham gia vận chuyển hàng lậu, hàng giả, kém chất lượng hoặc trực tiếp buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng để duy trì cuộc sống thường ngày, vì phần lớn họ đều nghèo và thiếu phương kế mưu sinh.
2. Về nguyên nhân chủ quan
- Về cơ chế, chính sách: Hệ thống pháp luật về quản lý kinh tế, về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất buôn bán hàng giả và gian lận thương mại còn chưa hoàn chỉnh, dễ bị lợi dụng; chế tài xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, chủ yếu vẫn là xử lý vi phạm hành chính, ít vụ việc bị khởi tố hình sự.
- Về tổ chức chỉ đạo, điều hành: Nhận thức về công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại tuy đã nâng lên song có lúc, có nơi chưa được quán triệt đầy đủ và thống nhất giữa các ngành, địa phương; Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật nói chung chưa được quan tâm đúng mức. Năng lực và trình độ chuyên môn nghiệp vụ của lực lượng kiểm tra, kiểm soát ở một số đơn vị, địa phương, đặc biệt là vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, chưa đồng đều, chưa được đào tạo chuyên sâu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
- Về điều kiện hoạt động của các lực lượng chức năng: Lực lượng kiểm tra kiểm soát còn mỏng; trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ vừa thiếu, vừa lạc hậu; kinh phí hoạt động thiếu thốn, đặc biệt là kinh phí cho việc tiêu hủy hàng giả, hàng kém chất lượng gặp nhiều khó khăn chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
- Về đối tượng, phương thức, thủ đoạn: Đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng, lẩn khuất trong các làng nghề, các khu công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, các hợp tác xã... nên rất khó phát hiện; xuất hiện có yếu tố móc nối với cá nhân và tổ chức nước ngoài làm hàng giả, nhất là giả mạo xuất xứ đưa vào Việt Nam; Phương thức, thủ đoạn vi phạm ngày càng tinh vi: đã có sự phân công chặt chẽ, có đối tượng chuyên sản xuất các loại bao bì, tem, nhãn giả; hàng giả được sản xuất dưới dạng gia công sản phẩm chưa hoàn chỉnh (bán sản phẩm) ở một nơi, sau đó đặt gia công ở một nơi khác để lắp ráp, đóng gói thành phẩm; thành phẩm sau khi có đơn đặt hàng mới được gắn nhãn mác giả mạo nhãn hiêu, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và giao liền cho khách hàng đặt mua, sản xuất đến đâu tiêu thụ đến đó, không cất trữ chờ tiêu thụ; đăng ký tên doanh nghiệp trùng với nhãn hiệu đã được bảo hộ để lừa dối người tiêu dùng...
- Về ý thức cộng đồng: ý thức cộng đồng trong việc chống lại các hành vi vi phạm về hàng giả, hàng nhái còn hạn chế, nhiều người phản đối hàng giả nhưng không có hành động quyết liệt chống hàng giả để bảo vệ mình và cộng đồng. Trong khi đó, một bộ phận người tiêu dùng lại sẵn sàng mua hàng giả, hàng nhái để sử dụng vì giá rẻ
Để hạn chế được tình trạng vi phạm về hàng giả, hàng kém chất lượng gây bức xúc cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và xã hội, Bộ Công Thương đã và đang triển khai các giải pháp:
- Về cơ chế, chính sách
+ Tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới, kịp thời sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tế của chính sách biên mậu hiện nay;
+ Thực hiện việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại... để sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay; xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật đúng thời hạn để thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính.
- Về chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, kiểm soát thị trường
+ Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.
+ Làm tốt công tác xây dựng lực lượng, ngoài việc tăng cường biên chế, kinh phí, trang thiết bị làm việc, cần chú trọng giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ công chức; tổ chức công tác đào tạo, đào tạo lại và củng cố bộ máy cơ sở; tăng cường kiểm tra nội bộ, chống hiện tượng tiêu cực, bảo kê cho buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, tiếp tay cho các hành vi gian lận thương mại.
+ Làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, làm rõ phương thức, thủ đoạn, rút ra các quy luật hoạt động để có các phương án kiểm tra, kiểm soát hữu hiệu. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm, trao đổi thông tin tội phạm giữa các cơ quan, các lực lượng, để tổ chức và hoàn thiện hơn cơ chế phối hợp, đảm bảo huy động được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng trong phòng ngừa, đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại. Kịp thời tổng hợp các vấn đề phát sinh, nổi cộm, báo cáo các Bộ, ngành liên quan để có ngay giải pháp đối phó.
- Về hướng dẫn tuyên truyền pháp luật
Phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan truyền thông, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách pháp luật cho mọi đối tượng, biến nhận thức về chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại thành ý thức tự giác thường trực và hành động cụ thể của mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp, mỗi người dân.