Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đề nghị Nhà nước quan tâm xem xét, mở rộng đối tượng được vay vốn và nâng mức vay đối với học sinh và sinh viên với mức lãi suất phù hợp (không đánh đồng với mức lãi suất cho vay đối với hộ nghèo) có chính sách cho vay hỗ trợ sinh viên và không tính lãi, đồng thời có cơ chế, thủ tục vay được thuận lợi, tránh phiền hà trong nhân dân. Đề nghị hỗ trợ giãn nợ hoặc khoanh nợ cho học sinh, sinh viên ra trường không có công ăn việc làm, vay ngân hàng nhưng không có điều kiện trả lãi vốn vay trước đây, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Long An    An Giang    Tiền Giang    Bình Thuận    Bến Tre    Hòa Bình   

Đơn vị xử lý: Bộ tài chính   

Lĩnh vực: Thuế   

Trả lời:

Tại công văn số 10346/BTC-TCNH ngày 08/8/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

1) Về đối tượng vay vốn: Theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 29/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, đối tượng được vay vốn tín dụng ưu đãi gồm:

- Học sinh, sinh viên mồ côi cả cha lẫn mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.

- Học sinh, sinh viên là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng: Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật; Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.

- Học sinh, sinh viên mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.

Đối tượng thụ hưởng chính sách vay vốn nói trên là rất rộng, khoảng 2,2 triệu học sinh, sinh viên, mức cho vay là 1,1 triệu đồng/tháng/học sinh, sinh viên (được Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh theo Quyết định số 1196/QĐ-TTg ngày 19/7/2013 về việc điều chỉnh mức cho vay đối với học sinh, sinh viên) thì quy mô của chương trình khoảng 40.000 tỷ đồng. Nguồn vốn để cho vay bao gồm nguồn cấp từ ngân sách nhà nước, trái phiếu do Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) phát hành. Tuy nhiên, do khả năng huy động vốn của NHCSXH còn hạn chế, vì vậy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Kho bạc Nhà nước đang phải hỗ trợ tạm ứng cho NHCSXH có vốn đảm bảo duy trì Chương trình này.

Việc mở rộng đối tượng cho vay cần phải có nguồn lực tài chính để cân đối; trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn khó khăn, khả năng huy động vốn của NHCSXH (theo cơ chế phát hành trái phiếu – là vay thương mại) cũng không dễ, vì vậy Bộ Tài chính thấy rằng trước hết chưa nên mở rộng đối tượng mà cần phải tập trung nguồn lực phục vụ tốt các đối tượng được quy định.

2) Về lãi suất cho vay: Theo Quyết định số 853/QĐ-TTg ngày 03/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ, lãi suất cho vay đối với học sinh, sinh viên  là 0,65%/tháng (7,8%/năm), bằng mức lãi suất cho vay hộ nghèo, thấp hơn lãi suất cho vay các đối tượng chính sách khác như: lãi suất cho vay đối với hộ cận nghèo (10,14%/năm); lãi suất cho vay hộ gia đình tại vùng khó khăn và cho vay thương nhân tại vùng khó khăn là (10,8%/năm). Việc quy định lãi suất cho vay nói trên không hàm ý đánh đồng cho vay học sinh, sinh viên với hộ nghèo mà là  sự sắp xếp vào nhóm được hỗ trợ cao hơn; cùng nhóm này có các loại chương trình khác như: Chương trình cho vay giải quyết việc làm; Chương trình cho vay đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra, nếu HSSV trả nợ trước hạn sẽ được giảm 50% lãi suất cho vay. Đây là chính sách hỗ trợ của Nhà nước để tạo điều kiện cho con, em các gia đình, các hộ gia đình khó khăn về tài chính có nguồn tài chính để theo học.

3) Về cơ chế, thủ tục vay vốn: Căn cứ Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên, Tổng giám đốc NHCSXH đã có văn bản số 2162A/NHCS-TD ngày 02/10/2007 hướng dẫn cụ thể về quy trình và thủ tục vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, đảm bảo đơn giản, thuận lợi, phù hợp với yêu cầu thực tế, tránh phiền hà trong nhân dân. Theo báo cáo của NHCSXH trong thời gian qua NHCSXH đã phối hợp với các Bộ, ngành, chính quyền địa phương cải tiến cơ chế cho vay, giải ngân như: giải ngân qua tài khoản thẻ, rà soát, bình xét đối tượng theo quy định làm căn cứ phê duyệt cho vay, tuyên truyền sâu rộng chính sách vay vốn từ nhà trường đến chính quyền địa phương, tiến hành giải ngân ngay khi hồ sơ, thủ tục được phê duyệt đầy đủ.

4) Về hỗ trợ giãn nợ hoặc khoanh nợ cho học sinh, sinh viên ra trường không có công ăn việc làm: Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên đã quy định cụ thể về việc điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn trả nợ và chuyển nợ quá hạn, cụ thể: Trong thời gian học tập học sinh, sinh viên được vay vốn chưa phải trả nợ gốc và lãi; học sinh, sinh viên được vay vốn phải trả nợ gốc và lãi tiền vay lần đầu tiên ngay sau khi học sinh, sinh viên có việc làm, có thu nhập nhưng không quá 12 tháng kể từ ngày kết thúc khoá học; đến kỳ trả nợ cuối cùng, học sinh, sinh viên có khó khăn chưa trả được nợ, nếu có văn bản đề nghị gia hạn nợ thì được Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét cho gia hạn nợ, thời gian gia hạn nợ tối đa bằng 1/2 thời hạn trả nợ. Như vậy, việc giãn nợ hoặc khoanh nợ, đã được quy định cụ thể, đầy đủ, đồng bộ đảm bảo ưu đãi.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: