1. Về kiến nghị giải quyết bệnh viêm đa rễ thần kinh
a. Tình hình bệnh viêm đa rễ thần kinh
Theo báo cáo của Sở Y tế Hòa Bình, hội chứng viêm nhiều dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1 được ghi nhận tại tỉnh Hòa Bình từ năm 1970, được coi là một bệnh địa phương, ghi nhận tại 3 huyện Kim Bôi, Lạc Sơn và Yên Thủy. Các trường hợp bệnh có đặc điểm chùm ca bệnh, khu trú trong một số gia đình, ở khu vực thôn, bản.
Trong giai đoạn 1970-1999, có 3.348 trường hợp mắc, trong đó có 79 trường hợp tử vong được ghi nhận tại huyện Kim Bôi (số liệu hồi cứu từ các báo cáo, không mang tính hệ thống).
Giai đoạn từ năm 2000 - 2012, theo thống kê toàn tỉnh ghi nhận 1290 trường hợp mắc trong đó có 6 trường hợp tử vong tại 3 huyện gồm Kim Bôi (642 trường hợp mắc, 0 tử vong), Lạc Sơn (603 trường hợp mắc, 6 tử vong) và Yên Thủy (38 trường hợp mắc, 0 tử vong).
Trong năm 2013, tại xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn ghi nhận chùm ca bệnh gồm 7 người mắc trong cùng gia đình trong đó có 1 trường hợp tử vong. Các trường hợp mắc tập trung vào một số xã nhất định, bệnh xuất hiện rải rác quanh năm nhưng cao nhất vào tháng 1, tiếp theo là tháng 7 và tháng 6.
Từ năm 2000 đến 2013 có 7 trường hợp tử vong, chiếm 0,5% tổng số mắc. Các trường hợp tử vong đều có biểu hiện khó thở, diễn biến nhanh. Trong 07 trường hợp tử vong từ năm 2000 đến nay có: 02 trường hợp tử vong tại trạm y tế, 01 tại Bệnh viện đa khoa huyện, 03 tại nhà và 01 trưởng hợp tử vong trên đường chuyển viện.
b. Nguyên nhân gây bệnh
Các trường hợp được chẩn đoán viêm đa rễ thần kinh liên quan đến vitamin B1 đã được điều trị và bệnh thuyên giảm, tuy nhiên việc xác định nguyên nhân cần phải được tiến hành điều tra, nghiên cứu thêm.
Ngày 07/6/2013, Sở Y tế Hòa Bình và UBND huyện Lạc Sơn phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (VSDTTW) đã tổ chức Hội thảo về hội chứng viêm đa dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1.
Tại buổi hội thảo đã đưa ra kết luận: Vấn đề thiếu vitamin B1 có thể đã tồn tại trong những năm 1970-1990. Tuy nhiên, cần tính đến khả năng thiếu vitamin B1 không phải là nguyên nhân chính của hội chứng viêm đa dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1 trong giai đoạn hiện nay; phương pháp điều trị và dự phòng hội chứng viêm đa dây thần kinh bằng các vitamin nhóm B (và bổ sung canxi, vitamin D) chỉ làm giảm triệu chứng bệnh trong thời gian ngắn, không giải quyết được vấn đề căn bản, lâu dài hội chứng viêm đa dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1 vẫn được coi là một bệnh chưa rõ nguyên nhân ở địa phương; biểu hiện lâm sàng của nhiễm độc thủy ngân có nhiều điểm tương đồng với hội chứng viêm đa dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1 (tê bì chân tay, yếu cơ, mất thăng bằng, tăng huyết áp, giảm thị lực…và có thể dẫn đến suy hô hấp, tuần hoàn, tử vong đối với những trường hợp nặng).
c. Bộ Y tế đã triển khai các hoạt động phòng, chống bệnh trong thời gian qua:
- Ban hành “Hướng dẫn điều trị, chẩn đoán và phòng bệnh Hội chứng viêm nhiều dây thần kinh có liên quan đến vitamin B1”, theo Quyết định số 2079/2000/QĐ-BYT ngày 11/7/2000.
- Bộ Y tế đã chỉ đạo và giao các viện/bệnh viện Trung ương và các đơn vị liên quan phối hợp với ngành y tế địa phương để tổ chức các biện pháp phòng, chống:
+ Điều tra, giám sát trường hợp bệnh, khám sàng lọc định kỳ tại cộng đồng, tập huấn cho 100% cán bộ y tế xã và nhân viên y tế thôn/bản tại các xã có người mắc bệnh về các biện pháp dự phòng bệnh.
+ Truyền thông giáo dục sức khỏe, cấp phát 55.000 tờ rơi cho cộng đồng; hỗ trợ vitamin nhóm B, canxi... để dự phòng, điều trị bệnh và thực hiện thu dung điều trị bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
+ Trung tâm YTDP huyện cử cán bộ phối hợp với Trạm Y tế xã và y tế thôn bản, thường xuyên giám sát các ca bệnh mắc mới và tái phát tại các xã; hướng dẫn Trạm Y tế các xã có ca bệnh tăng cường giám sát và tư vấn cho bệnh nhân uống thuốc dự phòng.
Đã có một số nghiên cứu về hội chứng này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa có kết luận chính thức về căn nguyên gây bệnh.
Trong thời gian tới, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp dự phòng:
- Tiếp tục chỉ đạo, giám sát và hỗ trợ địa phương triển khai các can thiệp phòng, chống hội chứng tại các xã có người mắc bệnh gồm: phát hiện sớm, quản lý điều trị dự phòng, truyền thông giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường, vệ sinh nguồn nước, tăng cường dinh dưỡng, vitamin.
- Đề xuất tổ chức hội thảo để đánh giá toàn bộ các điều tra, nghiên cứu và các can thiệp đã triển khai, từ đó định hướng các nghiên cứu xác định căn nguyên và yếu tố nguy cơ gây bệnh và can thiệp trong thời gian tới.
- Chỉ đạo Sở Y tế Hòa Bình:
+ Tăng cường giám sát phát hiện sớm các trường hợp bệnh, quản lý theo dõi các trường hợp mắc bệnh đã ổn định tại cộng đồng. Trung tâm y tế dự phòng và trung tâm y tế huyện phân công cán bộ phối hợp với trạm y tế xã và y tế thôn bản thường xuyên giám sát các trường hợp bệnh mắc mới, tái phát tại các xã; hướng dẫn trạm y tế các xã có ca bệnh tăng cường giám sát và tư vấn cho bệnh nhân uống thuốc dự phòng.