1. Việc đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học (hệ tại chức cũ) trong những năm qua đã khẳng định được vị trí, vai trò của mình trong hệ thống giáo dục quốc dân nói chung và giáo dục đại học nói riêng, góp phần đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ tại chỗ, nhu cầu học tập suốt đời của nhân dân, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Thực tế cho thấy, chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học hiện nay còn thấp so với hệ chính quy, chưa đáp ứng được yêu cầu xã hội. Một số nguyên nhân chính là: Chất lượng đầu vào thấp; Chương trình đào tạo, thời lượng đào tạo bị cắt xén; Các yêu cầu đối với đánh giá người học bị giảm thấp; Chưa có nghiên cứu đánh giá để xây dựng được phương pháp đào tạo phù hợp, chưa đầu tư thích đáng cho hệ đào tạo này, nhất là về công nghệ đào tạo, học liệu; Việc liên kết đào tạo bị buông lỏng, thiếu sự giám sát quản lý.
Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện các giải pháp sau:
- Chỉ đạo các cơ sở đào tạo thực hiện quyết liệt các công việc: Thực hiện đúng các quy định của quy chế tuyển sinh và đào tạo hệ vừa làm vừa học; Nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu vào; Xây dựng và công bố công khai chuẩn đầu ra, chương trình đào tạo, kế hoạch đào tạo, điều kiện đảm bảo chất lượng đối với từng chương trình đào tạo và từng địa điểm đào tạo; Xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học.
- Đưa đào tạo chính quy về cơ sở chính, không cho tổ chức đào tạo chính quy ở các địa điểm liên kết; Quy định việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ phải tổ chức tại cơ sở chính, đào tạo tiến sĩ chỉ bằng hình thức chính quy tập trung (với các tỉnh thuộc Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ sẽ xem xét cụ thể riêng).
- Tăng cường công tác kiểm định chất lượng các trường đại học, cao đẳng, trong đó chú trọng kiểm định chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học, đào tạo từ xa; Đẩy mạnh công tác thanh tra việc đảm bảo các điều kiện hoạt động của các cơ sở giáo dục, kiên quyết đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các cơ sở, các chương trình đào tạo không đủ điều kiện theo quy định (Bộ đang triển khai rà soát chương trình đào tạo tiến sĩ, đã thu hồi Quyết định đối với 57 chuyên ngành tiến sĩ; đã tạm dừng đào tạo đối với 161 chuyên ngành thạc sĩ; đang rà soát công tác đào tạo tại tất cả các trường đại học trong cả nước, rà soát và chấn chỉnh đào tạo liên thông, đào tạo từ xa và liên kết đào tạo).
- Giảm dần chỉ tiêu đào tạo hệ vừa làm vừa học theo lộ trình (năm 2012 chỉ tiêu tại chức được xác định bằng 60% chỉ tiêu chính qui, năm 2013 giảm còn 50% chỉ tiêu chính qui và sẽ tiếp tục giảm dần trong những năm tới).
- Thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố kiểm tra thực hiện việc liên kết đào tạo, việc đào tạo hệ vừa làm vừa học tại các địa phương; Phối hợp, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học;
- Triển khai thực hiện Thông tư số 55/2012/TT-BGDĐT ngày 25/12/2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định đào tạo liên thông cao đẳng, đại học.
2. Về việc quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng: Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã khảo sát, đánh giá tình hình thực hiện Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2012 để xây dựng Quy hoạch (điều chỉnh) mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2013-2020, trên cơ sở quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI về đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo; Kết luận Hội nghị lần thứ 3 và lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển từ mô hình phát triển theo số lượng sang mô hình phát triển dựa vào chất lượng và hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh; đổi mới mạnh mẽ, sâu sắc nhận thức và tư duy về giáo dục và đào tạo; công tác quản lý giáo dục; cơ chế, chính sách đầu tư tài chính cho giáo dục đại học.
Ngày 26/6/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 37/2013/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2006-2020. Theo đó, việc thực hiện quy hoạch mạng lưới gắn kết chặt chẽ giáo dục đào tạo với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, nhu cầu nhân lực trình độ cao của đất nước, xu thế phát triển của khoa học, công nghệ và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học Việt Nam đến năm 2020. Thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp về đầu tư, huy động vốn; về phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục đại học; các giải pháp tăng cường cơ sở vật chất; Nhóm các giải pháp về quản lý…
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, các Bộ, ban, ngành xây dựng Đề án "Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế"; Đề án sẽ được hoàn thiện, trình Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng trong kỳ họp sắp tới, làm cơ sở để ban hành một Nghị quyết của Đảng về đổi mới giáo dục và đào tạo.