1. Về việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học
Theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường học thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và là nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương hàng năm (điểm a khoản 1 điều 33 của Luật Ngân sách Nhà nước quy định: “Nhiệm vụ chi của Ngân sách địa phương gồm: Chi đầu tư phát triển; Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do địa phương quản lý”; Theo Luật Giáo dục tại khoản 4 điều 100: “Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện quản lý Nhà nước về giáo dục theo sự phân cấp của Chính phủ và có trách nhiệm đảm bảo các điều kiện về đội ngũ giáo viên, tài chính, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của các trường công lập thuộc phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục tại địa phương”). Tuy nhiên, ở các địa phương, đặc biệt là các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa còn hạn chế về nguồn vốn nên cơ sở vật chất và thiết bị trường học còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.
Nhằm tạo điều kiện và giúp các địa phương có thêm nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cơ sở giáo dục, nhiều năm nay, Ngân sách Trung ương vẫn bố trí các nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập trung, chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục và đào tạo. Các nguồn vốn trên được lồng ghép và cân đối vào nguồn ngân sách chi hàng năm cho từng địa phương. Ngoài ra các Đề án, Dự án thuộc lĩnh vực giáo dục đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cũng có nội dung chi cho đầu tư xây dựng cơ sở vật chất và mua sắm thiết bị trường học.
2. Về việc tiếp tục thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường lớp học và nhà công vụ giáo viên
Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ giáo viên giai đoạn 2008-2012 (ban hành theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đã được triển khai thực hiện theo từng giai đoạn, mỗi giai đoạn thực hiện một số mục tiêu nhất định để giải quyết nhu cầu cấp thiết và hướng đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị trường học đủ điều kiện xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Trong quá trình thực hiện Đề án Kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, do biến động về giá nên đã làm cho tổng mức đầu tư Đề án tăng rất lớn, nhiều địa phương khó khăn trong việc huy động nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa nên không thể đầu tư xây dựng hết số phòng theo kế hoạch của Đề án. Tổng số vốn đã huy động để thực hiện Đề án mới chỉ giải quyết được 65% số phòng học và 40,8% nhà công vụ theo Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các Bộ, ngành đề nghị Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định cho triển khai Đề án Kiên cố hóa giai đoạn 2013-2016 và lộ trình đến năm 2020 với mục tiêu:
- Giai đoạn 2013-2016: Hoàn thành danh mục các công trình đã được phê duyệt tại Quyết định số 20/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
- Giai đoạn 2016-2020: Đầu tư xây dựng mới để xóa số phòng học bán kiên cố, phòng học tạm, xây mới cho đủ 1 lớp/phòng đối với cơ sở giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Đầu tư xây dựng mới các hạng mục công trình thuộc khu phục vụ học tập: phòng học bộ môn, phòng thiết bị, phòng hiệu bộ, phòng học đa năng, phòng thư viện, phòng y tế.
Về suất đầu tư, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Xây dựng tính toán suất đầu tư dựa trên đơn giá xây dựng được công bố thời điểm Quý II/2013 theo từng vùng trên phạm vi cả nước, có tính đến yếu tố trượt giá từng năm từ năm 2013 đến năm 2020 và có thêm 15% dự phòng
Với nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất trường học là rất lớn, cần phải huy động thêm nguồn vốn Trung ương và địa phương, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng nguồn vốn Trung ương, trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các tỉnh khó khăn nhất (các tỉnh miền núi Tây Bắc, Tây Nguyên, và 62 huyện nghèo của cả nước). Các địa phương chủ động huy động thêm nhiều nguồn từ ngân sách địa phương, từ nguồn xã hội hóa, các nguồn tài trợ và nguồn thu hợp pháp khác để từng bước tăng cường cơ sở vật chất và thiết bị trường học thực hiện “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”.