Tra cứu thông tin kiến nghị cử tri
Tìm kiếm
 

Đa số cử tri phản ánh đời sống của nhân dân sản xuất nông nghiệp còn gặp rất nhiều khó khăn, do giá lúa trên thị trường hiện tại rất thấp, lại bị tư thương ép giá (một số sản phẩm tư thương không mua), chi phí sản xuất như giá phân bón, thuốc trừ sâu, thuê mướn nhân công lao động đều tăng. Cử tri kiến nghị Nhà nước có chính sách bình ổn các mặt hàng phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu.... và Nhà nước cần có cơ chế chính sách tạm trữ và quy định mua theo giá sàn thu mua kịp thời vào đầu vụ để người sản xuất lúa có lãi từ 30% trở lên để nông dân có thu nhập ổn định đảm bảo cuộc sống và tái sản xuất. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát các doanh nghiệp trong việc thu mua lương thực của người dân có đúng với giá Nhà nước quy định hay không.

  

Kỳ họp: Kỳ họp thứ 5   

Địa phương: Bạc Liêu   

Đơn vị xử lý: Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn   

Lĩnh vực: Chính sách phát triển chung   

Trả lời:

Tại công văn số 3099/BNN-CB ngày 05/9/2013

Ngày đăng: 10/06/2014

Theo Luật giá có hiệu lực từ ngày 01/01/2013 một số mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân đạm, phân NPK, thuốc bảo vệ thực vật, vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm thuộc danh mục mặt hàng bình ổn giá của Nhà nước. Hiện tượng về giá cả vật tư nông nghiệp như cử tri nêu trong thực tế là có xảy ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xin ghi nhận và sẽ phối hợp với Bộ Tài chính và các ngành liên quan tăng cường quản lý theo chức năng nhiệm vụ được giao.

Về kiến nghị chính sách tạm trữ quy định mua theo giá sàn, tại Nghị định 109/NĐ-CP đã quy định rất rõ phương pháp tính giá thành và giá định hướng, cũng như trách nhiệm của các đơn vị liên quan, qua thực tế thấy rằng cơ chế này đã phát huy tác dụng và vận hành khá ổn định.

 Về việc tăng cường kiểm tra giám sát các doanh nghiệp trong việc mua tạm trữ lúa, gạo, trong các đợt tạm trữ vừa qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành xây dựng và ban hành Quy chế Kiểm tra, giám sát, trong đó quy định rõ trách nhiệm của từng Bộ, ngành, địa phương trong việc giám sát, kiểm tra các doanh nghiệp trong quá trình thu mua tạm trữ. Qua kết quả kiểm tra, giám sát của các địa phương và Đoàn kiểm tra liên ngành, các đợt mua tạm trữ vừa qua chưa phát hiện thấy doanh nghiệp nào vi phạm các quy định của Thủ tướng Chính phủ. Để khắc phục các hạn chế còn tồn tại qua các đợt tạm trữ, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, xây dựng quy chế mua tạm trữ lúa, gạo. Hiện nay Quy chế đang được chỉnh sửa hoàn thiện, Bộ Tư pháp đang thẩm định để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

Các câu hỏi cùng lĩnh vực:
Các câu hỏi cùng địa phương: