Chủ trương xã hội hóa trong lĩnh vực giáo dục đào tạo đã phát huy tiềm năng trí tuệ và huy động được các nguồn lực ngoài Ngân sách Nhà nước, phục vụ nhu cầu phát triển sự nghiệp giáo dục đào tạo của nước ta trong điều kiện Ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt được, quá trình thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục đã phát sinh một số hạn chế như: tình trạng mở rộng đào tạo sau đại học, các chương trình đào tạo liên kết, không chính quy, không tập trung,…. chất lượng kém.
Trước thực trạng đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã triển khai thực hiện các giải pháp:
- Tăng cường công tác kiểm định chất lượng các trường đại học, cao đẳng, trong đó chú trọng kiểm định chất lượng đào tạo hệ vừa làm vừa học, đào tạo từ xa; Đẩy mạnh công tác thanh tra việc đảm bảo các điều kiện hoạt động của các cơ sở giáo dục, kiên quyết đình chỉ hoạt động đào tạo đối với các cơ sở, các chương trình đào tạo không đủ điều kiện theo quy định, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm và công bố công khai trên mạng các thông tin để người dân, toàn xã hội tham gia giám sát và loại trừ tiêu cực (Bộ đang triển khai rà soát chương trình đào tạo tiến sĩ, đã thu hồi Quyết định đối với 57 chuyên ngành tiến sĩ; đã tạm dừng đào tạo đối với 161 chuyên ngành thạc sĩ; đang rà soát công tác đào tạo tại tất cả các trường đại học trong cả nước, rà soát và chấn chỉnh đào tạo liên thông, đào tạo từ xa và liên kết đào tạo).
- Giảm dần chỉ tiêu đào tạo hệ vừa làm vừa học theo lộ trình (năm 2012 chỉ tiêu hệ VLVH được xác định bằng 60% chỉ tiêu chính qui, năm 2013 giảm còn 50% chỉ tiêu chính qui và sẽ tiếp tục giảm dần trong những năm tới).
- Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị định số 115/2010/NĐ-CP của Chính phủ về quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố kiểm tra thực hiện việc liên kết đào tạo, việc đào tạo hệ vừa làm vừa học tại các địa phương.