Đúng như ý kiến của các cử tri đã nêu, trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác xây dựng pháp luật ở nước ta còn có một số bất cập, hạn chế, trong đó nổi lên là: (1) Tình trạng chậm trễ và chưa bảo đảm chất lượng của các dự thảo văn bản luật, pháp lệnh do Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; (2) Chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nhất là tình trạng luật, pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật từ một số năm, nhưng văn bản quy định chi tiết vẫn chưa được ban hành; (3) Văn bản được ban hành không phù hợp với tình hình thực tế; (4) Hệ thống văn pháp luật chưa mang tính đồng bộ, ổn định; (5) Việc ban hành thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị định còn bất cập..., gây khó khăntrong quá trình thực hiện. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do:
Về khách quan:
- Trong thời gian qua, công việc đẩy mạnh xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường XHCN, đặt ra yêu cầu cấp bách đối với công tác xây dựng pháp luật cả về mặt chất lượng và khối lượng công việc. Hàng năm, số lượng luật, pháp lệnh mà Quốc hội giao Chính phủ chủ trì soạn thảo là tương đối lớn, khoảng 90% tổng số các dự án luật, pháp lệnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Nhiều Bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo cùng lúc 2 - 3 dự án luật để trình Quốc hội trong một kỳ họp, tạo ra sức ép công việc rất lớn. Nội dung quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh nhiều, thường là các vấn đề mới, phức tạp, đòi hỏi phải quy định chi tiết nhiều điều khoản mới thi hành được. Qua thống kê cho thấy trung bình một luật, pháp lệnh có đến 12 nội dung ủy quyền cho Chính phủ quy định chi tiết thi hành, trong đó, Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội uỷ quyền cho Chính phủ quy định 53% và uỷ quyền cho Bộ trưởng quy định 47% (tính trung bình là 3,6 văn bản hướng dẫn 01 luật, pháp lệnh, thực tế có trường hợp trên 10 văn bản). Nhiều Bộ, ngành vừa phải soạn thảo nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, vừa phải xây dựng các thông tư thuộc thẩm quyền ban hành. Việc này đòi hỏi đầu tư thời gian, công sức nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, trong khi các Bộ chủ trì soạn thảo lại đồng thời phải thực hiện nhiệm vụ quản lý, điều hành công việc chuyên môn. Mặt khác, việc soạn thảo, trình, thông qua văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), nếu bảo đảm chặt chẽ, tuân thủ theo đúng quy trình cũng đòi hỏi không ít thời gian. Trong khi đó, việc giải thích pháp luật - biện pháp góp phần hạn chế ban hành văn bản quy định chi tiết - trong thời gian qua hầu như chưa được thực hiện. Công tác tham mưu, đề xuất xây dựng văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh còn chưa hiệu quả, do có sự cắt khúc với công tác theo dõi đôn đốc xây dựng luật, pháp lệnh.
- Đất nước ta đang trong quá trình chuyển đổi, nhiều quan hệ xã hội mới được định hình, tính ổn định chưa cao. Công tác xây dựng pháp luật ở nước ta mới được quan tâm thực hiện trong khoảng 20-25 năm nay. Bên cạnh đó, việc chuyển đổi tư duy pháp lý từ cơ chế bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường chưa được triệt để, trong khi đó ở một số trường hợp, pháp luật đòi hỏi cần phải đi trước để hình thành, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự phát triển của các quan hệ xã hội, nhưng điều kiện tổ chức thực hiện trên thực tế còn rất nhiều khó khăn.
Về chủ quan:
- Lãnh đạo một số Bộ, ngành chưa thực sự quyết liệt trong việc chỉ đạo công tác xây dựng VBQPPL nói chung và văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh, nghị quyết nói riêng. Công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành trong xây dựng, thẩm định VBQPPL cũng chưa chặt chẽ, hiệu quả.
- Đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL ở Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành còn thiếu về số lượng, năng lực chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn còn nhiều hạn chế, trong khi số lượng văn bản ban hành nhiều dẫn đến quá tải. Quy trình xây dựng VBQPPL, nhất là khâu dự báo, đánh giá tác động kinh tế - xã hội và lấy ý kiến tham vấn của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chưa được tuân thủ nghiêm.
Đối với Bộ Tư pháp, theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL năm 2008, ngoài luật, pháp lệnh, nghị quyết chứa quy phạm pháp luật của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Bộ Tư pháp còn được giao nhiệm vụ thẩm định nghị định của Chính phủ và quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Riêng trách nhiệm thẩm định thông tư, thông tư liên tịch của các Bộ, ngành thì theo quy định tại khoản 3 Điều 68 Luật Ban hành VBQPPL được giao cho pháp chế các Bộ, ngành. Có thể nói công tác thẩm định các VBQPPL của Bộ Tư pháp thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng. Quá trình thẩm định, Bộ Tư pháp đã phát hiện nhiều quy định không đúng thẩm quyền, mâu thuẫn, chồng chéo với các quy định pháp luật hiện hành, qua đó kiến nghị cơ quan soạn thảo chỉnh lý, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho ý kiến, trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội hoặc ký ban hành, góp phần quan trọng vào việc nâng cao chất lượng của văn bản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống văn bản pháp luật. Đối với các thông tư và thông tư liên tịch, theo Luật Ban hành VBQPPL, Bộ Tư pháp chỉ có nhiệm vụ kiểm tra tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, đồng bộ sau khi văn bản đã được ban hành theo Nghị định số 40/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về kiểm tra, xử lý VBQPPL (hậu kiểm). Nhìn chung, qua việc kiểm tra theo thẩm quyền đối với thông tư, thông tư liên tịch, Bộ Tư pháp cũng đã phát hiện nhiều sai sót và đã tiến hành xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Với trách nhiệm là cơ quan giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra và theo dõi thi hành pháp luật nói chung, chúng tôi thấy rằng, để xảy ra tình trạng như cử tri phản ánh là có phần trách nhiệm của Bộ Tư pháp. Để khắc phục các bất cập, vướng mắc nêu trên, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Bộ Tư pháp đã, đang và sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:
Các giải pháp đã và đang được thực hiện:
- Tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP nhằm kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy Vụ Pháp chế của tất cả các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Phòng Pháp chế của 14 Sở thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Việc triển khai Nghị định này tuy còn gặp khó khăn, nhưng là bước khởi sắc mới trong công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật.
- Tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 về theo dõi tình hình thi hành pháp luật tạo cơ sở pháp lý đầy đủ để các Bộ, ngành, địa phương thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc bảo đảm thi hành pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật của cơ quan, tổ chức và cá nhân.
- Đối với nội bộ cơ quan Bộ Tư pháp, Lãnh đạo Bộ đã nghiêm túc chấn chỉnh, quán triệt các đơn vị xây dựng pháp luật trong việc thẩm định VBQPPL theo hướng: bên cạnh việc bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất, đồng bộ và kỹ thuật soạn thảo văn bản theo quy định của Luật Ban hành VBQPPL, thì cần chú trọng hơn nữa đến tính khả thi, tính hợp lý của dự thảo văn bản. Ngày 14/8/2013, Bộ Tư pháp cũng đã tổ chức Hội nghị về thực trạng và các giải pháp nâng cao chất lượng công tác thẩm địnhVBQPPL nhằm đề xuất các giải pháp ngắn hạn và dài hạn hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, nhân lực làm công tác thẩm định.
Các giải pháp sẽ được tiếp tục thực hiện hoặc đề xuất thực hiện:
- Phối hợp với Bộ Nội vụ hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Nghị định số 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Tổ chức bàn giao và triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 921/QĐ-TTg về việc chuyển giao trách nhiệm theo dõi tình hình ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh từ Văn phòng Chính phủ sang Bộ Tư pháp thực hiện, kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2013.
- Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng, thẩm định VBQPPL. Bổ sung hợp lý số lượng cán bộ, công chức làm công tác thẩm định; tăng cường tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực phân tích, xây dựng chính sách pháp luật và kỹ năng soạn thảo, thẩm định văn bản pháp luật cho những người làm công tác xây dựng pháp luật, bao gồm cả cán bộ, công chức pháp chế các Bộ, ngành.
- Có biện pháp thu hút sự tham gia của nhân dân, huy động trí tuệ của chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, sự phản biện từ các tổ chức xã hội, từ các phương tiện thông tin đại chúng… vào quá trình xây dựng, thẩm định VBQPPL; cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phối hợp giữa các Bộ, ngành và giữa các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp trong việc xây dựng, thẩm định VBQPPL.