Hiện nay, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật (Thông tư) còn bất cập. Hầu hết các nghị định của Chính phủ khi ban hành dù đã cụ thể, chi tiết nhưng cơ quan hữu quan vẫn chờ thông tư hướng dẫn, dẫn đến việc áp dụng và thực thi các chính sách pháp luật chậm. Mặt khác, còn nhiều thông tư của các Bộ, ngành có nội dung quy định theo hướng có lợi cho sự quản lý của ngành mình. Cử tri đề nghị thời gian tới, Chính phủ cần chỉ đạo các Bộ, ngành hạn chế tối đa việc ban hành thông tư. Các Bộ, ngành khi tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị định cần quy định luôn các nội dung chi tiết, để khi ban hành nghị định sẽ được áp dụng, thực hiện ngay.
Đơn vị xử lý: Bộ tư pháp
Đề nghị Bộ Tư pháp có giải pháp hiệu quả hơn để giải quyết dứt điểm việc thi hành án tồn đọng, kéo dài gây bức xúc trong nhân dân.
Cử tri có ý kiến “Thủ tục vay vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong trường hợp đất được cấp cho hộ gia đình là rất rườm rà, gây khó khăn cho người dân. Vì cần phải có ý kiến đồng ý của tất cả các thành viên trong hộ gia đình trên 15 tuổi”. Do vậy, cử tri kiến nghị Bộ phối hợp với cơ quan có chức năng liên quan xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định có liên quan nhằm giảm bớt các thủ tục để việc vay vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất được nhanh gọn hơn.
Cử tri bày tỏ sự bức xúc, lo lắng về tình trạng nhiều đối tượng đang chịu mức án tử hình nhưng chưa được thi hành, vì lý do chưa có thuốc độc theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường biện pháp quản lý đối tượng này, khẩn trương nghiên cứu biện pháp giải quyết tình trạng này nhằm đảm bảo các bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành nghiêm minh.
Cử tri cho rằng, việc xử phạt hành chính chưa có tính răn đe, đề nghị Chính phủ khi ban hành nghị định về xử phạt hành chính cần quy định mức phạt cao để có tính răn đe, đồng thời có giải pháp kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm những cán bộ thực thi pháp luật lợi dụng chức vụ, quyền hạn thu lợi bất chính (một số lĩnh vực như vi phạm an toàn giao thông, môi trường, chặt phá rừng...) người vi phạm “làm luật” để không phải nộp phạt với mức cao hơn, vô tình nâng mức xử phạt chỉ đem lại lợi ích cho cán bộ thực thi nhiệm vụ tha hóa, biến chất; nguy hại hơn là pháp luật không nghiêm, tiêu cực và vi phạm pháp luật không được ngăn chặn.
Đề nghị Nhà nước cần sớm nghiên cứu để có giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL về phương pháp, hình thức tuyên truyền sinh động giúp người nghe dễ cảm nhận, tiếp thu; góp phần nâng cao nhận thức chính trị, tư tưởng pháp luật trong mọi tầng lớp nhân dân, giảm tình trạng vi phạm pháp luật do không am hiểu pháp luật.
Một trong những vướng mắc khó giải quyết trong các giao dịch liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình, vì hiện nay khái niệm hộ gia đình giữa các văn bản pháp luật chưa có tính thống nhất (Điều 106, 107 BLDS, Điều 43 Nghị định 181/2004/NĐ-CP) và chưa có quy định cụ thể nào để xác định chính xác số nhân khẩu trong một hộ gia đình. Hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng thường căn cứ vào sổ hộ khẩu để xác định số nhân khẩu trong hộ, điều này sẽ phát sinh một số bất cập như: người đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng không phải là chủ hộ trong sổ hộ khẩu; có trường hợp tách nhập hộ khẩu mới để đăng ký kinh doanh, đăng ký điện... hoặc người có chung hộ khẩu chết thì phát sinh thừa kế theo luật sẽ khó xác định chính xác khối tài sản mà người đó để lại... Kiến nghị cần có khái niệm chung, thống nhất về hộ gia đình trong các văn bản pháp luật
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 11 Câu lạc bộ TGPL, hoạt động rất hiệu quả, nhưng kinh phí địa phương còn hạn hẹp chưa đáp ứng yêu cầu về kinh phí của các Câu lạc bộ. Đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động của các Câu lạc bộ này.
Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản, cụ thể như sau: + Bổ sung quy định về trường hợp mất tiền đặt trước do trả giá dưới giá khởi điểm trong bán đấu giá vào; vì giá khởi điểm đã được thông báo trước khi đăng ký tham gia đấu giá, để tránh sự liên kết dìm giá (Cử tri sở, ngành). + Xem xét lại quy định tại khoản 1, Điều 28 về việc niêm yết, thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản “Đối với bất động sản, tổ chức bán đấu giá tài sản phải niêm yết việc bán đấu giá tài sản tại nơi bán đấu giá, nơi có bất động sản bán đấu giá và Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản...”. Thực tế việc niêm yết tại nơi có bất động sản thực hiện chỉ mang tính hình thức, không có tác dụng. Kiến nghị nên tổ chức niêm yết tại nhà Tổ trưởng Tổ Dân cư tự quan, Ban Quản lý khu phố, ấp.