Tỉnh Thừa Thiên Huế có hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á, là khu vực nhạy cảm với biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng; hằng năm phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai bão, lũ. Chính phủ đã có Quyết định số 1955/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 phê duyệt Đề án “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai”. Tuy nhiên, khả năng huy động các nguồn đầu tư còn hạn chế, mức độ xã hội hóa các lĩnh vực chưa cao; Chính phủ vẫn chưa có một nguồn lực riêng để thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm, những chương trình, dự án trọng điểm đã được phê duyệt. Vì vậy, cử tri kiến nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo các Bộ ngành ưu tiên bố trí nguồn lực, tạo điều kiện để triển khai thực hiện Đề án; nhất là các dự án phòng tránh giảm nhẹ thiên tai như hạ tầng tái định cư, di dân vùng sạt lở; xây dựng các đường cứu hộ, cứu nạn; xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông, bờ biển và phát triển sản xuất đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Đơn vị xử lý: Bộ kế hoạch và đầu tư
Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô được Thủ tướng Chính phủ thành lập theo Quyết định số 04/2006/QĐ-TTg ngày 05/01/2006. Đến nay, công tác quy hoạch đã được phê duyệt; kết cấu hạ tầng đang từng bước được hoàn thiện, đáp ứng được nhu cầu phục vụ các dự án đầu tư. Vì vậy, cử tri kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm: - Tạo điều kiện cho tỉnh thu hút các dự án lớn, tạo động lực thúc đẩy phát triển Khu Kinh tế Chân Mây Lăng Cô. - Chỉ đạo Tập đoàn Vinashin sớm triển khai xây dựng bến số 2, Cảng Chân Mây. Vì hiện nay lưu lượng hàng qua cảng đã hơn 1,7 triệu tấn hàng hóa/năm (công suất thiết kế bến số 1 chỉ là 1 triệu tấn/năm) và số lượng du khách quốc tế tăng rất nhanh qua các năm (hơn 65.000 khách du lịch quốc tế/năm) - Ưu tiên tìm nguồn vốn ODA cho dự án đê chắn sóng Cảng Chân Mây
Hiện nay, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Ban quản lý các khu kinh tế được quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ, tuy nhiên trong quá trình thực hiện gặp phải một số khó khăn do sự bất cập, chồng chéo của các văn bản có liên quan. Cụ thể: - Không có sự thống nhất trong chính sách ưu đãi đầu tư giữa Luật Đầu tư năm 2005; Nghị định 29/2008/NĐ-CP và Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008. Theo Luật Đầu tư năm 2005 và Nghị định 29/2008/NĐ-CP thì việc ưu đãi cho nhà đầu tư được áp dụng đối với dự án đầu tư (kể cả dự án đầu tư mở rộng) thuộc danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi đầu tư (Khu kinh tế thuộc danh mục địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn), không quy định rõ về pháp nhân của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2008 lại chỉ cho phép ưu đãi đối với doanh nghiệp thành lập pháp nhân mới từ dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. - Theo quy định tại Nghị định 29/2008/NĐ-CP, Ban Quản lý khu kinh tế là cơ quan có thẩm quyền cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.... của các tổ chức, cá nhân trong khu công nghiệp, khu kinh tế. Tuy nhiên, từ khi Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ ra đời thì cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư và Phòng Đăng ký kinh doanh cấp huyện. Như vậy, Ban Quản lý khu kinh tế không có chức năng cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, dẫn đến trên địa bàn khu kinh tế tồn tại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do hai cơ quan cấp và sẽ có hai cơ quan thực hiện công tác hậu kiểm và quản lý hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn khu kinh tế, gây ra chồng chéo và khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, để khắc phục các chồng chéo, vướng mắc giữa các văn bản dưới luật có liên quan đến khu kinh tế; cử tri đề nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội ban hành Luật về xây dựng và phát triển các khu kinh tế ven biển thay thế Nghị định 29. Trước mắt kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành Trung ương khi ban hành các văn bản pháp luật cần nêu rõ “với các Khu kinh tế được Thủ tướng Chính phủ thành lập thì thực hiện theo Nghị định 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế”.
Tại Thông báo số 55/TB-VPCP ngày 04/02/2013 của Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính đã chỉ đạo nghiên cứu quy hoạch xây dựng khu công nghiệp điện tử, viễn thông và các ngành công nghiệp công nghệ cao ở khu vực Lam Sơn - Sao Vàng để phát huy lợi thế của Cảng hàng không Thọ Xuân. Để có cơ sở triển khai thực hiện, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương mở rộng quy hoạch khu công nghiệp Lam Sơn - Sao Vàng lên khoảng 2.000 ha.
Dự án tuyến đường trục trung tâm - Khu trung tâm hành chính - đô thị trung tâm vùng miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa đã được phê duyệt điều chỉnh tại Quyết định số 373/QĐ-UBND ngày 28/1/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, với tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 609,741 tỷ đồng. Đến nay, dự án đã được giao kế hoạch từ nguồn vốn NSNN và TPCP là 198,9 tỷ đồng; số vốn còn thiếu để hoàn thành dự án là 410,9 tỷ đồng; giá trị khối lượng thực hiện ước đạt 224,2 tỷ đồng. Đề nghị Chính phủ quan tâm, bố trí vốn còn thiếu để sớm hoàn thành dự án trên, tạo điều kiện cho việc xây dựng và phát triển đô thị trung tâm miền núi phía Tây của tỉnh; trước mắt, đề nghị bố trí 50 tỷ đồng trong kế hoạch 2013 để hoàn thành đoạn đấu nối tại nút giao giữa đường trục trung tâm và đường bao.
Quyết định số 60/2010/QĐ-TTg ngày 30/9/2010 của Chính phủ về ban hành các nguyên tắc tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư phát triển bằng nguồn ngân sách Nhà nước áp dụng cho giai đoạn 2011 – 2015, tuy nhiên, trong quyết định không quy định đối với các dự án xây dựng chợ nên không được ngân sách Trung ương hỗ trợ đầu tư. Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi khoản b, điểm 13, mục 4, cụ thể: bổ sung dự án xây dựng các chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trung tâm các huyện và vùng đặc biệt khó khăn được ngân sách Trung ương hỗ trợ.
Đề nghị tăng nguồn vốn đầu tư từ nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2013 - 2015 cho các bệnh viện tuyến huyện để hoàn chỉnh các hạng mục đang thi công dở dang và mua sắm bổ sung một số trang thiết bị thiết yếu, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Đề nghị Chính phủ có chính sách đặc thù, ưu tiên tập trung bố trí vốn đầu tư xây dựng hoàn thiện đồng bộ kết cấu hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế Cửa khẩu Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang giai đoạn từ nay đến năm 2030. Từ năm 2003 đến nay, bình quân mỗi năm ngân sách Trung ương hỗ trợ khoảng 20 tỷ đồng, đề nghị nâng mức hỗ trợ hàng năm lên 70 đến 100 tỷ đồng và phân bổ thêm cho địa phương 100% số vượt thu thuế xuất nhập khẩu để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu Kinh tế cửa khẩu Thanh Thuỷ. Đề nghị đưa vào quy hoạch cặp cửa khẩu Săm Pun - Điền Bồng và cặp cửa khẩu Xín Mần – Đô Long vào danh mục các khu Kinh tế cửa khẩu Quốc gia được đầu tư băng ngân sách Nhà nước.
Đề nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tạo điều kiện bổ sung nguồn vốn hỗ trợ đầu tư để UBND tỉnh triển khai, hoàn thành một số công trình trọng điểm phục vụ lễ kỷ niệm 60 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ 07/5/2014, bao gồm các dự án: Dự án Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ giai đoạn II; Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường Nà Nhạn - Mường Phăng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên; Dự án Cải tạo, sửa chữa nâng cấp sân vận động tỉnh Điện Biên.
Suất đầu tư và tiến độ cấp vốn cho đề án phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ quá thấp, không thể đảm bảo tiến độ, mục tiêu mà Nghị quyết đã đề ra. Đề nghị Chính phủ xem xét tăng mức đầu tư để đảm bảo thực hiện Nghị quyết này.