Khiếu nại, tố cáo có xu hướng tăng tại địa phương có tốc độ phát triển KT-XH cao
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho biết, từ ngày 16/8/2017 đến 15/8/2018, Quốc hội đã nhận được 43.324 đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của công dân-tăng 469 đơn thư so với cùng kỳ, riêng Ban Dân nguyện nhận được 18.715 đơn. Trong đó có 72,62% đơn trùng lặp, công dân gửi nhiều lần, gửi nhiều cơ quan, đơn nặc danh, mạo danh, khuyết danh, đơn không rõ nội dung.
Sau khi xem xét, 7.043 đơn đủ điều kiện xử lý đã được gửi đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đạt tỷ lệ 59,36%. Quốc hội đã nhận được 4.285 văn bản trả lời, đạt tỷ lệ 60,84%, còn 2.758 vụ việc đã chuyển đơn nhưng Quốc hội chưa nhận được văn bản trả lời của cơ quan có thẩm quyền, chiếm 39,16%.
Toàn cảnh phiên họp
Trong kỳ, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã làm việc với 9 tỉnh, thành phố; đề nghị Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao và UBND 54 tỉnh, thành phố báo cáo về công tác tiếp công dân, kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến.
Kết quả xem xét báo cáo và kết quả giám sát cho thấy, tình hình khiếu nại, tố cáo tiếp tục có xu hướng tăng hơn so với cùng kỳ các năm trước, nhất là tại một số địa phương có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội cao, có nhiều dự án, công trình quan trọng được triển khai có liên quan đến việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; có nơi, có lúc còn có hiện tượng lôi kéo, kích động tụ tập đông người để gây sức ép với cơ quan có thẩm quyền. Nội dung khiếu nại, tố cáo tương tự như các đơn thư gửi đến Quốc hội.
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo
Ban Dân nguyện đánh giá: việc tham mưu, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Chính Phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã được quan tâm xem xét, xử lý theo trách nhiệm và có nhiều chuyển biến tích cực; đã tổ chức đoàn liên ngành để thẩm tra, xác minh việc giải quyết đối với một số vụ việc có kiến nghị cụ thể của cơ quan giám sát; đã tăng cường phối hợp với Ban Dân nguyện trong việc tiếp công dân, xem xét, đôn đốc cơ quan có thẩm quyền giải quyết và đạt được kết quả đáng khích lệ, như: việc tiếp công dân phục vụ các kỳ họp Quốc hội; việc giải quyết một số vụ việc phức tạp. Các cơ quan đã tích cực, chủ động tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ trong việc chỉ đạo giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài tiềm ẩn nguy cơ trở thành “điểm nóng”.
Tuy nhiên, việc thông báo kết quả giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến còn chưa được quan tâm đúng mức; chậm đề xuất, đôn đốc việc thực hiện một số nội dung kiến nghị giám sát tại Báo cáo kỳ trước của UBTVQH, như chưa có báo cáo việc tổng kết Nghị quyết 23 và Nghị quyết 755, một số vụ việc cụ thể có kiến nghị từ các kỳ trước còn để kéo dài. Những hạn chế có nguyên nhân là do nhiều vụ việc rất phức tạp, đã được xem xét ở nhiều cấp, nhưng ý kiến của một số cơ quan Trung ương và địa phương còn khác nhau. Năng lực, ý thức trách nhiệm nhất là kỹ năng trong tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư, giải quyết khiếu nại tố cáo của một số cán bộ công chức còn hạn chế...
Trong thời gian qua, công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến đã được Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân các cấp tiếp tục được quan tâm giải quyết;đã tập trung rà soát, phân loại để xem xét giải quyết các đơn sắp hết thời hạn kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo không để các vụ việc quá thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật; chất lượng giải quyết được nâng cao; tăng cường công tác kiểm tra quyết định giải quyết khiếu nại của cấp dưới đã có hiệu lực pháp luật, qua kiểm tra đã phát hiện và hủy bỏ nhiều quyết định giải quyết khiếu nại của cấp dưới trái pháp luật, thiếu căn cứ, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm để yêu cầu giải quyết lại, đảm bảo có căn cứ, đúng pháp luật; công tác kiểm sát việc giải quyết vụ việc cụ thể đạt chất lượng, hiệu quả, phát hiện vi phạm và ban hành kiến nghị, kháng nghị chính xác, kịp thời…
Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn thấp; việc trả lời, thông báo tiến độ giải quyết đơn của công dân do các cơ quan của Quốc hội chuyển đến đạt tỷ lệ thấp; kể cả việc thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các kỳ báo cáo trước đối với một số vụ việc cụ thể còn chậm. Nguyên nhân của những hạn chế trên là do: số lượng đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm gửi đến Tòa án nhân dân tối cao và cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cấp cao ngày càng tăng, trong khi tổ chức và cán bộ của ngành tòa án và kiểm sát còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; kỹ năng giải quyết khiếu nại, tố cáo và kỹ năng kiểm sát còn hạn chế. Chất lượng truy tố, xét xử mặc dù có tiến bộ nhưng vẫn còn những sai sót. Trình độ và kỹ năng giải quyết đơn, kiểm sát giải quyết khiếu nại, tố cáo nên việc thực hiện công tác nghiệp vụ còn gặp khó khăn.
Đại diện các bộ, ngành phát biểu
Qua xem xét báo cáo của các địa phương, kết quả giám sát, khảo sát tại 11 tỉnh, thành phố và tổng hợp kết quả giám sát của các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH, cho thấy chính quyền các cấp tại địa phương đã triển khai thực hiện các nghị quyết của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tiếp công dân, giải quyết quyết nại, tố cáo có nhiều chuyển biến tích cực, từ kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ sở vật chất, trách nhiệm của Lãnh đạo UBND các cấp đã quan tâm tiếp công dân định kỳ. Quan tâm đôn đốc, thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo có hiệu lực pháp luật; phối hợp chặt chẽ hơn với các Bộ, ngành trung ương trong quá trình giải quyết các vụ việc phức tạp kéo dài. Có địa phương đã chủ động mời các cơ quan, tổ chức hữu quan tham gia, phản biện, tư vấn việc giải quyết khiếu nại, tớ cáo, góp phần ổn định tình hình tại địa phương như UBND tỉnh Quảng Ninh...
Tuy nhiên, qua giám sát công tác tiếp công dân, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo do Quốc hội chuyển đến các địa phương, nổi lên một số vấn đề như: Trong việc phân loại, xử lý đơn vẫn còn nhầm lẫn giữa đơn khiếu nại, đơn tố cáo với đơn kiến nghị, phản ánh, dẫn đến giải quyết từng loại đơn này chưa chính xác, làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và xã hội; có vụ việc giải quyết khiếu nại chưa đúng quy định của Luật Khiếu nại về thẩm quyền, thời hạn, trình tự, thủ tục và hình thức giải quyết giải quyết khiếu nại (ban hành thông báo, công văn thay cho quyết định giải quyết khiếu nại để trả lời khiếu nại của công dân); công tác thụ lý, xác minh nội dung khiếu nại, tố cáo của cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh đối với một số vụ việc còn chậm, chất lượng tham mưu, đề xuất giải quyết hạn chế, thiếu cơ sở để kết luận, áp dụng pháp luật thiếu chuẩn xác, máy móc; một số trường hợp việc đối thoại với người dân còn hình thức, gây bức xúc thêm cho người khiếu nại và không tạo được sự đồng thuận đối với các quyết định giải quyết; chất lượng giải quyết khiếu nại lần đầu chưa cao, nhất là cấp huyện dẫn tới nhiều việc công dân không đồng tình, tiếp tục khiếu nại, tố cáo lần hai, vượt cấp; việc xem xét, giải quyết và trả lời đối với các đơn thư của công dân do Quốc hội chuyển đến chưa kịp thời, tỷ lệ trả lời thấp; công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng chưa chặt chẽ, yếu kém, thất lạc hồ sơ gây khó khăn trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Tại phiên họp, Ban Dân nguyện cũng chỉ rõ: Việc bố trí cán bộ làm công tác tiếp công dân, tham mưu về giải quyết khiếu nại, tố cáo thời gian qua còn hạn chế về nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác, chưa đáp ứng yêu cầu, một số nơi tỷ lệ cán bộ chuyên ngành luật còn thấp, như ở Thái Nguyên chiếm tỷ lệ 14,2%, Hà Giang chiếm tỷ lệ 19%... Việc luân chuyển, điều động, triển khai công tác cán bộ thực hiện công tác tiếp công dân có nơi không hợp lý, không phù hợp chuyên môn hoặc thực hiện chính sách cán bộ. Nhận thức về giải quyết khiếu nại, tố cáo của một số cán bộ, nhất là cấp cơ sở còn hạn chế, ngại va chạm cũng dẫn đến tình trạng khiếu nại, tố cáo phức tạp, kéo dài; công tác phối hợp xử lý khiếu kiện đông người, phức tạp ở một số địa phương còn lúng túng, thiếu chủ động nên người dân khiếu kiện vượt cấp. Công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm đối với thủ trưởng các đơn vị hành chính các cấp trong thực hiện các quy định của pháp luật về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chưa được thường xuyên, còn hình thức. Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cập nhật dữ liệu về tiếp công dân, xử lý lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh chậm được triển khai; công tác phối hợp giữa các cơ quan Trung ương, địa phương và cơ quan dân cử để trao đổi thông tin về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo còn nhiều hạn chế...
Để nâng cao kết quả xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Ban Dân nguyện đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật trách nhiệm tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu các cấp gắn với thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo; xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, thiếu trách nhiệm trong tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; bảo đảm củng cố mối quan hệ giữa Nhân dân với Đảng, Nhà nước.
Đồng thời, đề nghị chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan và các địa phương tập trung giải quyết các khiếu nại bức xúc đông người nổi lên ở địa phương; tiếp tục rà soát, đề xuất việc giải quyết dứt điểm những vụ khiếu kiện đông người, phức tạp tồn đọng, kéo dài. Yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm kết luận của Thủ tướng Chính phủ, của Chính phủ về giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo và kịp thời thông tin đến các cơ quan của Quốc hội, ĐBQH; khẩn trương xây dựng tiêu chí báo cáo, phân loại trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của các cấp, ngành; trong đó cần thống kê rõ, đầy đủ số liệu về số kỳ tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch các cấp, thủ trường các ngành, số kỳ ủy quyền cho cấp phó; tiếp công dân đột xuất và đối thoại khi giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định và thống kê hàng năm, đồng thời làm cơ sở cho việc tổng kết, sửa đổi, bổ sung Luật Tiếp công dân, Luật khiếu nại trong thời gian tới.
Cùng với đó, chỉ đạo các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nâng cao trách nhiệm trả lời việc xem xét, giải quyết các đơn thư do Quốc hội chuyển đến; khẩn trương xem xét, giải quyết đối với số đơn thư do Quốc hội chuyển đến nhưng đến nay chưa nhận được các văn bản trả lời; nghiêm túc xem xét và trả lời việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Quốc hội, nhất là các kiến nghị của Đoàn giám sát tại Báo cáo kỳ trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng đến nay chưa rõ lộ trình giải quyết hoặc chưa có báo cáo về việc giải quyết và đối với 52 vụ việc khiếu nại, tố cáo cụ thể được nêu trong phụ lục kèm theo Báo cáo này; có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế mà Đoàn giám sát nêu trên.
Đối với Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Dân nguyện đề nghị hai đơn vị tiếp tục tập trung chỉ đạo, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác truy tố, xét xử, giải quyết các vụ án, không để xảy ra các trường hợp oan, sai và giải quyết khiếu nại, tố cáo; nâng cao tỷ lệ giải quyết đơn đề nghị tái thẩm, giám đốc thẩm. Bên cạnh đó, nâng cao tỷ lệ thông tin, trả lời việc giải quyết đối với vụ việc do Quốc hội chuyển đến. Quan tâm xem xét, giải quyết các đơn trong kỳ báo cáo do Quốc hội chuyển đến nay nhưng chưa được giải quyết. Đồng thời, chỉ đạo nghiên cứu, nghiêm túc thực hiện kiến nghị của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về các vụ việc cụ thể tại phụ lục kèm theo và tại các báo cáo kỳ trước.
Tại phiên họp, đa số các đại biểu bày tỏ đồng tình với các đánh giá trong các dự thảo Báo cáo. Đại diện các bộ, ngành cũng giải trình một số nội dung liên quan đến lĩnh vực phụ trách.