Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thứ 43 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu tại Phiên họp thứ 43 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân đánh giá cao sự điều hành phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ; sự chỉ đạo lãnh đạo của Ban Phòng, chống dịch bệnh Quốc gia do vi rút Corona gây ra, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19; Đồng thời cam kết đồng hành của Quốc hội cùng Chính phủ trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
Cũng tại Phiên họp thứ 43, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp tục đề nghị Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các Ban, Viện thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tăng cường điều chỉnh hợp lý, nhất là công tác giám sát, để góp phần phòng chống dịch bệnh; đề nghị Ban Dân nguyện - cơ quan xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại của cử tri, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các kế hoạch trong công tác theo dõi, giải quyết đơn thư đúng quy định, đúng thẩm quyền, không để tình trạng người dân bức xúc vì không được xử lý kịp thời…
Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện, thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
Bà Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện
Phóng viên: Thưa Bà, Bà có thể đánh giá khái quát về tình hình hoạt động dân nguyện 3 tháng đầu năm 2020 của Ban Dân nguyện trong hoạt động tiếp nhận và xử lý đơn thư của cử tri?
Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện: Có thể nói công tác dân nguyện 3 tháng đầu năm công tác diễn ra đúng theo kế hoạch cũng như đúng như chương trình mà chúng tôi đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho phê duyệt. Theo thống kê, số lượng đơn thư gửi tới Ban Dân nguyện trong 3 tháng đầu năm có tăng so với cùng kì năm trước, kể cả số lượng người dân đến trụ sở tiếp dân Trung ương và xin đề nghị gặp các cơ quan, được bộ phận tiếp công dân thường xuyên của Quốc hội tiếp có tăng.
Trước tình hình dịch bệnh Covid -19, dưới sự khuyến cáo của Chính Phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các ban ngành địa phương, số lượng người dân đến trụ sở tiếp công dân ngày càng giảm. Theo khuyến cáo của Chính phủ: Người dân ở đâu thì ở yên tại đấy; người dân không nên ra đường; không nên tụ tập đông người; không nên di chuyển giữa các địa bàn với nhau… nếu không sẽ gây nguy cơ lây lan vi rút, khuyến cáo này được người dân chấp hành rất nghiêm chỉnh. Do vậy, lượng người dân, cử tri đến trực tiếp kiến nghị, gửi đơn thư giảm dần. Tuy nhiên, việc kiến nghị, phản ánh là nhu cầu, là nguyện vọng của người dân trước những sự việc, vấn đề mà mình gặp phải trong đời sống, trong xã hội… nên chuyển từ hình thức gặp trực tiếp thì người dân gửi đơn thư qua đường bưu điện, số lượng tăng rõ rệt. Cũng chính vì vậy mà khối lượng công việc của Ban Dân nguyện dự kiến sẽ tăng mạnh trong 3 tháng tiếp theo.
Phóng viên: Thưa Bà, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã có chỉ đạo các đơn vị chủ động điều chỉnh linh hoạt phương thức làm việc, vừa đảm bảo hiệu quả vừa đáp ứng yêu cầu phòng dịch. Tại Ban Dân nguyện, công tác này đã được chủ động triển khai như thế nào, thưa Bà?
Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện: Ban Dân nguyện có nét đặc thù là phải luôn luôn kết nối với người dân, cử tri. Ngay cái tên “Ban Dân nguyện” cũng đã phản ánh bản chất hoạt động của Ban với người dân, với cử tri. Vì vậy, mọi mong muốn, nguyện vọng của người dân, cử tri được gửi tới các cơ quan dân cử thì có thể gửi trực tiếp tới các đại biểu Quốc hội, hoặc thông qua Ban Dân nguyện là đầu mối cần thiết. Có thể nói, việc duy trì giữ thông tin liên lạc thường xuyên, liên tiếp với người dân là “đầu vào”, là việc chính yếu của Ban Dân nguyện.
Thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu các cơ quan của Quốc hội đổi mới cách thức làm việc sao cho thật hiệu quả, hạn chế tiếp xúc nhưng vẫn đạt được những nhiệm vụ kế hoạch đề ra… Ban Dân nguyện cũng đã họp bàn, xây dựng những phương thức, cách thức mới để vừa đảm bảo đúng tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội vừa phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.
Cụ thể, trong việc tiếp công dân, nhằm đảm bảo an toàn theo quy định cho cán bộ khi thực hiện công vụ thì yêu cầu về trang phục, khẩu trang, nước sát khuẩn, khoảng cách an toàn (2m) được thực hiện nghiêm ngặt; cán bộ tiếp công dân phải tiếp thu ý kiến của người dân, đồng thời luôn khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà mà hãy phản ánh nguyện vọng, mong muốn của bản thân tới Quốc hội có thể thực hiện bằng hình thức gửi đơn thư qua bưu điện, qua các kênh của Quốc hội.
Ngoài ra, để công việc không bị gián đoạn, Ban Dân nguyện vẫn luôn duy trì thường xuyên việc tiếp nhận đơn thư gửi tới qua đường bưu điện, đồng thời tăng cường cán bộ xử lý số đơn thư này. Bởi trước đây, người dân chủ yếu tới trụ sở phản ánh trực tiếp. Còn thời gian này, số lượng đơn thư gửi qua bưu điện nhiều hơn nên cần phải tăng cường tiếp nhận, phân loại xử lý đơn thư.
Phóng viên: Thưa Bà, tại Phiên họp thứ 43 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị kim Ngân đã chỉ đạo Ban Dân nguyện phải quyết tâm không để công tác dân nguyện bị đình trệ vì dịch bệnh. Được biết, Ban Dân nguyện đã và đang ứng dụng phần mềm điện tử về công tác xử lý đơn thư của cử tri. Việc ứng dụng công nghệ này không chỉ góp phần hướng tới xây dựng Quốc hội điện tử mà còn phù hợp tại thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19. Bà có thể khái quát về ứng dụng công nghệ trong hoạt động của Ban?
Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện: Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, cùng với thực tế công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư của công dân tăng cao, Ban Dân nguyện đã phải tăng cường áp dụng, ứng dụng công nghệ thông tin trong nội bộ của cơ quan, như: xử lý đơn thư, thực hiện tổ chức thực hiện các cuộc họp, trao đổi trong nội bộ cơ quan… bằng các phần mềm công nghệ, cho thấy rất hiệu quả.
Với sự quyết tâm của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, của các Ủy ban Quốc hội, và của bản thân cán bộ, công chức, viên chức Ban Dân nguyện, mọi mong muốn của người dân, cử tri vẫn luôn được duy trì xử lý kịp thời, kiên quyết không để bị gián đoạn công việc trong bất kỳ tình huống nào, kể cả đang là thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Việc nghiên cứu xây dựng các cách thức, phương thức làm việc mới nhằm đáp ứng đầy đủ mong muốn, nguyện vọng của người dân, cử tri là những hành động cụ thể mà Ban Dân nguyện đã và đang thực hiện. Ban Dân nguyện cam kết sẽ và luôn giải quyết kịp thời, đúng thẩm quyền mọi kiến nghị, phản ánh gửi tới Ban Dân nguyện.
Phóng viên: Thưa Bà, 3 tháng đầu năm 2020 là khoảng thời gian cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương vào cuộc quyết liệt phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Với vai trò Trưởng Ban Dân nguyện, Bà có khuyến cáo cử tri như thế nào để vừa đảm bảo thực hiện đầy đủ quyền công dân, vừa đảm bảo trách nhiệm xã hội trong phòng, chống dịch bệnh?
Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân nguyện: Có thể khẳng định: người dân hoàn toàn tin tưởng vào Quốc hội. Thông qua Ban Dân nguyện, chúng tôi nhận thấy dù có khăn đến mấy vẫn luôn đáp ứng đầy đủ những mong mỏi, nguyện vọng của người dân.
Trong thời điểm diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 hiện nay, tôi nghĩ rằng người dân không nên di chuyển quá nhiều, cũng hạn chế đến trụ sở tiếp công dân, thực hiện tốt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ… mà vẫn có thể đề đạt, kiến nghị, phản ánh những nguyện vọng của mình tới Quốc hội cũng như các Bộ, Ban ngành Trung ương và địa phương. Còn nếu quyết định buộc phải đến trực tiếp trụ sở tiếp công dân để phản ánh thì người dân nên trang bị tốt những yêu cầu về y tế nhằm đảm bảo an toàn cho bản thân và cho người xung quanh. Ban Dân nguyện luôn luôn thực hiện đúng quy định và thẩm quyền xử lý đơn thư của người dân kịp thời, kiên quyết không bỏ sót người dân nào ở lại phía sau theo đúng như tinh thần chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Trưởng ban Dân nguyện!