ĐỔI MỚI CÔNG TÁC DÂN NGUYỆN CỦA QUỐC HỘI

10/08/2021

Sáng ngày 10/8, tại Trụ sở 22 Hùng Vương, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, đã có buổi làm việc với Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham dự buổi làm việc có đồng chí Dương Thanh Bình - Trưởng ban Dân nguyện, cùng các đồng chí Phó trưởng ban, lãnh đạo, chuyên viên Vụ Dân nguyện.

 

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Hoàng Anh Công báo cáo vắn tắt Phó Chủ tịch Quốc hội về tình hình hoạt động 

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội, đồng chí Hoàng Anh Công - Phó Trưởng Ban Dân nguyện, cho biết, Ban Dân nguyện là cơ quan thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội được thành lập ngày 17/03/2003 theo Nghị quyết 370/2003/NQ-UBTVQH11, có trách nhiệm giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện. Ban Dân nguyện có 9 chức năng nhiệm vụ theo các quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức của Ban gồm có: Trưởng ban là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Đảng đoàn Quốc hội, Ủy viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; 03 đồng chí Phó trưởng ban, trong đó có 2 đồng chí là đại biểu Quốc hội khóa XV. Bộ máy tham mưu giúp việc cho Ban Dân nguyện là Vụ Dân nguyện trực thuộc Văn phòng Quốc hội với 16 cán bộ, chuyên viên.

Về triển khai các nhiệm vụ thường xuyên và một số nhiệm vụ do cấp trên giao, trong 7 tháng qua, Ban Dân nguyện đã tổ chức tiếp 138 lượt công dân về 331 vụ việc khiếu nại, tố cáo và kiến nghị, phản ánh, trong đó có 8 đoàn đông người. Từ đầu năm đến nay, Ban đã tiếp nhận hơn 9.400 đơn thư, đã xử lý gần 1.500 đơn đủ điều kiện.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Thực hiện chương trình, kế hoạch giám sát năm 2021 và căn cứ vào tình hình thực tế trong xư lý đơn thư, Ban Dân nguyện đã giúp Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tổ chức 2 đoàn giám sát về việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Bên cạnh đó, Ban Dân nguyện cũng thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, chuyển kiến nghị cử trị và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Cụ thể, qua 179 cuộc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội trước và sau Kỳ hộ thứ 11, Ban Dân nguyện đã tổng hợp, tập hợp được 759 kiến nghị của cử tri và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Đến nay, qua theo dõi, đôn đốc việc giải quyết, Ban Dân nguyện đã nhận được kết quả giải quyết, trả lời đối với 661 kiến nghị (đạt 87%). Để chuẩn bị cho các kỳ họp, Ban Dân nguyện đã tham gia phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong xây dựng Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước để Báo cáo tại Phiên khai mạc Kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV và Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Ngoài ra, Ban Dân nguyện cũng thực hiện 1 số nhiệm vụ do Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia giao.

Triển khai theo Kết luận của Chủ tịch Quốc hội và phân công nhiệm vụ của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 167/KH-BDN ngày 28/6/2021 để tổ chức thưc hiện với 6 nhiệm vụ lớn như: Xây dựng và trình Đảng đoàn Quốc hội về Đề án đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội (theo kế hoạch vào quý IV/2022); Xây dựng và trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết sửa đổi quy định về công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghih, phản ánh của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử; Nghiên cứu xây dựng Quy chế phối hợp giữa Ban Dân nguyện với Văn phòng Chính phủ, Thanh Tra Chính phủ; Xây dựng báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác dân nguyện hàng tháng và một số nhiệm vụ khác.

Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình phát biểu ý kiến tại buổi làm việc

Các ý kiến tại buổi làm việc đều cho rằng, hiện nay Ban Dân nguyện chưa được xác định địa vị pháp lý tại văn bản luật nào. Vị trí chức năng của công tác dân nguyện của Quốc hội cũng như Ban chưa thực sự tương xứng với nhiệm vụ, vai trò của cơ quan thực hiện công tác dân nguyện của Quốc hội. Chế độ chính sách đối với những người làm công tác dân nguyện còn hạn chế. Khối lượng công việc của Ban Dân nguyện ngày càng nhiều trong khi cơ quan tham mưu, giúp việc là Vụ Dân nguyện lại đang thiếu biên chế so với yêu cầu nhiệm vụ. Trước tình tình này, Ban Dân nguyện kiến nghị Phó Chủ tịch Quốc hội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo trong quá trình nghiên cứu, xây dựng, thông qua Đề án đổi mới công tác dân nguyện của Quốc hội, trong đó có định hướng luật hóa địa vị pháp lý của Ban Dân nguyện, đồng thời có đề xuất thành lập cơ quan Dân nguyện của Quốc hội; chỉ đạo kiện toàn lãnh đạo Vụ Dân nguyện, rà soát nghiên cứu sắp xếp trong tổng biên chế của Văn phòng Quốc hội để sớm có phương án bổ sung biên chế cho Vụ Dân nguyện (trước mắt là nghiên cứu, có phương án bổ sung 03 biên chế theo ý kiến Kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại buổi làm việc với Ban Dân nguyện) để đảm bảo đáp ứng yêu cầu công tác chuyên môn.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, cho rằng tuy thời gian làm việc ngắn nhưng buổi làm việc rất hiệu quả, qua đây, các thành viên Ban Dân nguyện, Vụ Dân nguyện đã bày tỏ những tâm huyết, trăn trở, mong muốn của mình đối với công tác dân nguyện của Quốc hội và công tác chuyên môn nghiệp vụ.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, phát biểu kết luận 

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, cũng ghi nhận những kết quả Ban Dân nguyện đã đạt được trong thời gian qua, trong điều kiện khó khăn cả về tổ chức biên chế, địa vị pháp lý. Ban Dân nguyện đã quán triệt và cụ thể hóa quan điểm tại ccsa Nghị quyết của Đảng, của Đảng đoàn Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về công tác Dân nguyện và 8 nội dung kết luận của Chủ tịch Quốc hội tại buổi làn việc với Ban Dân nguyện trước đó, đồng thời chủ động xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng tán thành với nội dung Báo cáo, các ý kiến thảo luận và cho rằng công tác dân nguyện của Quốc hội nói chung, công tác của Ban Dân nguyện nói riêng, có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động của Quốc hội để không ngừng phát huy quyền làm chủ mọi mặt của nhân dân, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội vui mừng khi Đề án “Đổi mới công tác dân nguyện của cơ quan dân cử, đại biểu dân cử” đã bước đầu hình thành ý tưởng, đề xuất đổi mới về thể chế, ban hành Luật về công tác Dân nguyện (hoặc Luật Dân nguyện) với 8 định hướng quan trọng để từ đó xin chủ trương, ý kiến của các cơ quan có thẩm quyền.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương nhấn mạnh: “Tôi đề nghị Đề án này phải gắn với đề án giám sát, đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động giám sát. Thế rồi ta mới đề xuất đề án đưa vào đây bao nhiêu luật, cái nào cơ bản, cái nào liên quan phải sửa, xây mới. Ngoài luật Dân nguyện thì sửa cái gì, liên quan đến tiếp công dân xử lý đơn thư, phân loại, giám sát thì ta đã có 3 Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, giờ chúng ta phải tổng kết, sơ kết”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cũng cho rằng, bản chất công tác dân nguyện là công tác dân vận của Đảng. Vì vậy cần tiếp tục nghiên cứu đổi mới về tổ chức biên chế, cơ cấu đối với cả cơ quan chuyên trách về dân nguyện của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, cả cơ chế phối hợp kiêm nhiệm. Ngoài việc xây dựng cơ chế phối hợp với Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Chính phủ, Ban Dân nguyện cần nghiên cứu, đề xuất Cơ chế phối hợp với các cơ quan khác. Đối với nhiệm vụ tham mưu, thực hiện chương trình công tác còn lại của năm 2021, Phó Chủ tịch Quốc hội hết sức lưu ý Ban Dân nguyện cần đổi mới báo cáo hàng tháng đối với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trên cơ sở báo cáo phải trung thực, số liệu phải có “hồn”.

Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội.

“Câu chuyện xử lý nguồn như thế nào, báo cáo như thế nào thì các đồng chí bàn với nhau để Báo cáo có tính thuyết phục. Báo cáo phải trung thực, không tô hồng, không bôi đen. Ví dụ, việc đó đã có Kế hoạch, Văn bản Chính phủ quy định rồi mà anh chưa làm thì tôi báo cáo như vậy”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Ban Dân nguyện khẩn trương hoàn thiện Kế hoạch chi tiết, Đề cương báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về chuyên đề “Việc thực hiện chính sách pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến 1/7/2021” để trong tuần tới báo cáo Chủ tịch Quốc hội trước khi trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua; nhấn mạnh, mục đích yêu cầu giám sát là rất cao, phải đúng, trúng, chỉ được địa chỉ, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và đề xuất kiến nghị về chính sách pháp luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban Dân nguyện phối hợp với Tiểu ban Giải quyết khiếu nại, tố cáo của Hội đồng bầu cử quốc gia giải quyết đơn thu khiếu nại, tố cáo liên quan đến công tác bầu cử Quốc hội khóa XV bảo đảm đúng quy định. Về thông tin tuyên truyền, Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao hoạt động tuyên truyền của Truyền hình Quốc hội, Báo Đại biểu Nhân dân về công tác dân nguyện, đồng thời đề nghị cần tăng cường tính kết nối với các cơ quan chí truyền thông khác cũng như có các giải pháp trên mạng xã hội để nâng cao độ lan tỏa công tác dân nguyện của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cũng đề nghị Ban Dân nguyện tiếp tục phối hợp để nâng cấp phần mềm về công tác Dân nguyện. Tham mưu cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, hướng dẫn các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân về công tác dân nguyện; phối hợp trong tổ chức địa điểm tiếp công dân của Quốc hội.

Về cơ cấu tổ chức biên chế, trước mắt, Ban Dân nguyện củng cố, kiện toàn, cần quan tâm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần và môi trường làm việc cho cán bộ, công chức Vụ Dân nguyện. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng ghi nhận và tiếp nhận các ý kiến phát biểu tại buổi làm việc để từng bước giải quyết, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác dân nguyện của Quốc hội trong thời gian tới/..

Khắc Phục

Các bài viết khác