Hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2011- 2016

02/02/2016

Chiều 2/2, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2011- 2016. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng chủ trì Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại Hội nghị                                     Ảnh: Đình Nam

Tham dự Hội nghị còn có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tòng Thị Phóng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai; đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cùng đại diện Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân của 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Diễn ra ngay sau Hội nghị toàn quốc triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 vào sáng nay, Hội nghị toàn quốc về hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2011- 2016 nhằm tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016, đề ra phương hướng, nhiệm vụ từ nay đến hết nhiệm kỳ; qua đó đề ra một số giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp trong nhiệm kỳ 2016- 2021.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, trong nhiệm kỳ 2011- 2016, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giám sát, hướng dẫn, kiểm tra của Quốc hội, Chính phủ, mặc dù còn những hạn chế, bất cập nhưng chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp đã có nhiều chuyển biến tích cực, rõ nét, ngày càng chuyên nghiệp hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn. Hội đồng nhân dân đã có vị thế ngày càng được nâng cao, thể hiện rõ vai trò là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Ủy ban nhân dân các cấp đã thực hiện tốt chức năng quản lý hành chính Nhà nước trên địa bàn, nghiêm túc triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, bảo đảm phù hợp với điều kiện, đặc điểm, tiềm năng và lợi thế của từng địa phương.

Sự nỗ lực, cố gắng của các cấp chính quyền địa phương đã góp phần hết sức quan trọng vào kết quả phát triển kinh tế- xã hội của đất nước, nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng khá cao. Các lĩnh vực văn hóa- xã hội được bảo đảm, quốc phòng- an ninh được nâng lên, chủ quyền lãnh thổ quốc gia được giữ vững. Công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế đạt nhiều kết quả, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển nhanh và bền vững của đất nước trong giai đoạn sắp tới.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Hội nghị  

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hoạt động của chính quyền địa phương còn tồn tại một số bất cập, hạn chế như việc tổ chức bộ máy còn cồng kềnh, chức năng nhiệm vụ của một số cơ quan còn chồng chéo, thủ tục hành chính một số lĩnh vực còn rườm rà gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức vẫn còn hạn chế về phẩm chất và năng lực. Do đó, Phó Thủ tướng đề nghị, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp cần phát huy những kết quả đã đạt được, nỗ lực khắc phục hạn chế, yếu kém, tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động, phấn đấu hoàn thành tốt chức năng nhiệm vụ trong thời gian tới.

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày “Báo cáo về tình hình tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp từ đầu nhiệm kỳ 2011- 2016 đến nay và phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới”, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, theo đánh giá chung, trong nhiệm kỳ vừa qua, tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp đã từng bước được củng cố, kiện toàn theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng phát huy được vai trò vị trí là cơ quan đại diện cho nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, nâng cao chất lượng, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách. Hoạt động của Hội đồng nhân dân trong suốt chặng đường 70 năm hình thành và phát triển từng bước, trở thành “cầu nối giữa Đảng với nhân dân”. Hội đồng nhân dân các cấp ngày càng được hoàn thiện và phát huy được vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình, Hội đồng nhân dân các cấp cũng còn những vấn đề cần khắc phục như: cơ cấu, chất lượng của đại biểu Hội đồng nhân dân và hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân còn hạn chế; chất lượng kỳ họp chưa thực sự đồng đều; một số đại biểu chưa phát huy được đầy đủ vai trò đại diện; hoạt động giám sát hiệu quả chưa cao, hoạt động tái giám sát nhất là ở cấp huyện, cấp xã còn hạn chế. Hoạt động tiếp xúc cử tri, tiếp công dân, đôn đốc xử lý đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân tại một số địa phương chưa làm hết trách nhiệm, chủ yếu là tiếp thu và chuyển đến cơ quan khác…

Các đại biểu tham dự Hội nghị Hội nghị toàn quốc về hoạt động của HĐND và UBND nhiệm kỳ 2011- 2016

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày “Báo cáo của Chính phủ về tình hình tổ chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp từ đầu nhiệm kỳ 2011- 2016 đến nay và phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Ủy ban nhân dân các cấp đã tập trung chỉ đạo và đề ra nhiều giải pháp thích hợp để phấn đấu đạt chỉ tiêu kinh tế đã được Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua, góp phần duy trì tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước giai đoạn 2011- 2015 đạt khoảng 5,9%/năm; đến nay đã có 13/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tự cân đối được ngân sách; công tác giáo dục cũng được đẩy mạnh, mạng lưới y tế được củng cố với nhiều cơ sở khám, chữa bệnh tuyến tỉnh, huyện, xã được đầu tư; hoạt động thông tin, tuyên truyền, báo chí, phát thanh- truyền hình, xuất bản đã được Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo thực hiện đúng hướng, bám sát các nhiệm vụ chính trị để thông tin kịp thời đến mọi tầng lớp nhân dân; đến nay tỷ lệ hộ gia đình đạt chuẩn gia đình văn hoá đạt 82,32%; tỷ lệ xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hoá đạt 53, 72%. Tỷ lệ thôn, tổ dân phố có nhà văn hoá đạt 58,85%...

Bên cạnh đó, hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp còn một số tồn tại, hạn chế như công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội ở một số địa phương còn chưa có đủ cơ sở khoa học và thực tiễn nên phải điều chỉnh nhiều lần; công tác cải cách hành chính tuy đã đạt được nhiều thành tựu nhưng vẫn còn nhiều bất cập; trách nhiệm của tập thể Ủy ban nhân dân, cá nhân Chủ tịch Ủy ban nhân dân và từng thành viên còn chưa rõ ràng.

Nhằm khắc phục những bất cập còn tồn tại trong thời gian qua, Báo cáo của Chính phủ đã đề ra một số nhiệm vụ công tác trong thời gian tới như: Tập trung các giải pháp và có các biện pháp cụ thể trong chỉ đạo, điều hành để hoàn thành tốt các nhiệm vụ còn lại trong nhiệm kỳ 2011- 2016; Chủ động xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội, các định hướng, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực ở mỗi địa phương trong nhiệm kỳ 2016- 2021; Tập trung chuẩn bị cho công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021; Tập trung hoàn thành đạt mức cao nhất các nhiệm vụ, chỉ tiêu trong Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước đã đề ra…

Tại Hội nghị, các đại biểu đã dành nhiều thời gian để thảo luận các bản Báo cáo. Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, để hoạt động của Hội đồng nhân dân đạt hiệu quả cao và được cử tri tin tưởng, thường trực Hội đồng nhân dân các cấp cần gần dân, sát dân, tích cực lắng nghe và giải quyết kịp thời các kiến nghị của cử tri, cũng như những vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm; hoạt động của Ủy ban nhân dân các cấp cần bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và xác định giải pháp rõ ràng; chú trọng cải cách hành chính, đặc biệt làm tốt công tác tiếp dân, xử lý dứt điểm các đơn thư, khiếu nại của công dân.

Phát biểu bế mạc Hội nghị, đánh giá cao các hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân trong thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp đã tiếp tục đổi mới về tổ chức và phương thức hoạt động, không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. Hội đồng nhân dân ngày càng khẳng định được vị trí, vai trò là cơ quan đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương. Ủy ban nhân dân ngày càng phát huy vai trò là cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương, cơ quan chấp hành của Hội đồng nhân dân, thực hiện tốt chức năng quản lý Nhà nước ở địa phương.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng đề nghị, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp cần phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân, huy động nguồn lực trong nước và ngoài nước; tạo sự thống nhất cao trong thực hiện các nhiệm vụ để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm tốc độ tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tạo bước phát triển mới trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các cấp tích cực chuẩn bị để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016- 2021 thành công tốt đẹp, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, có chuyển biến mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của đất nước; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân./.

Quang Minh