Theo báo cáo số 379/BC- CP của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2016 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, Chính phủ nhận định bước vào thực hiện kế hoạch năm 2016, nền kinh tế nước ta gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tình hình thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp. Kinh tế thế giới phục hồi chậm, giá dầu thô giảm sâu, giá các hàng hóa cơ bản khác tiếp tục giảm, các xung đột cục bộ, khủng bố,... đã tác động xấu đến phát triển kinh tế nước ta. Ở trong nước, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, nhanh hơn dự báo. Thiên tai, rét hại, băng giá ở các tỉnh miền núi phía Bắc; tiếp đến là hạn hán kéo dài ở các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên; hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, bão, lũ, ngập lụt,... gây khó khăn rất lớn cho sản xuất và đời sống người dân. Sự cố ô nhiễm môi trường biển ảnh hưởng xấu đến khai thác, nuôi trồng thủy, hải sản, dịch vụ du lịch ở 4 tỉnh miền Trung. Năng suất lao động xã hội thấp và khả năng cạnh tranh yếu kém làm mất đi lợi thế của nước ta trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế là rất lớn. Chính phủ đã tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc nhất về kinh tế - xã hội, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm; phát triển du lịch; bảo vệ môi trường; giải quyết những khó khăn về đời sống người lao động, đặc biệt là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Chỉ đạo sát sao và xử lý kịp thời những vấn đề phức tạp mới phát sinh, như: bão lũ, ngập úng, hạn hán, xâm nhập mặn, sự cố ô nhiễm môi trường biển, chặt, phá rừng trái phép,... Tập trung nhiều hơn vào xây dựng thể chế, quản lý điều hành bằng luật pháp, cơ chế chính sách, công cụ kinh tế. Hạn chế tối đa can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào hoạt động kinh tế. Nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm thực thi.
Với những đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt đó và sự nỗ lực của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp và toàn dân, chúng ta đã vượt qua những khó khăn, thách thức và đã thu được nhiều kết quả tích cực trong mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội.
Tính chung 9 tháng đầu năm, GDP ước tăng 5,93%, tuy thấp hơn cùng kỳ năm trước (6,63%), nhưng cao hơn nhiều hơn so với tốc độ tăng 6 tháng đầu năm (5,52%). Dự báo trong các tháng cuối năm, tăng trưởng GDP cả năm có thể đạt khoảng 6,3-6,5% (so với kế hoạch đề ra là 6,7%).
Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9/2016 tăng 3,14% so với tháng 12/2015 chủ yếu do tăng giá dịch vụ công. Lạm phát cơ bản bình quân 9 tháng tăng 1,81% so với cùng kỳ cho thấy sức ép từ tổng cầu đối với lạm phát không lớn. Dự báo lạm phát cả năm dưới mức 5% do Quốc hội đề ra.
Trong 9 tháng đầu năm, thu ngân sách nhà nước đạt 70,8% (cùng kỳ đạt 74,9%); tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt 68,4% (cùng kỳ là 71,8%).
Về xuất nhập khẩu, tổng kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 128,2 tỷ USD, tăng 6,7%, thấp hơn so với tốc độ tăng cùng kỳ 9,1% chủ yếu do giá xuất khẩu bình quân giảm 3,14% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu 9 tháng đầu năm ước đạt 125,4 tỷ USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 15,2%). Ước cả năm 2016, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 172-173 tỷ USD, tăng 6-7% (nếu không có yếu tố giảm giá thế giới và giảm sản lượng khai thác dầu thô thì xuất khẩu sẽ tăng khoảng 10-11%); tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 173-174 tỷ USD, tăng 4,5-5%. Nhập siêu khoảng 1 tỷ USD, bằng khoảng 0,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua và ước thực hiện cả năm, tổng hợp lại khả năng thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Nghị quyết Quốc hội đề ra năm 2016, báo cáo của Chính phủ chỉ rõ, trong số 13 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đề ra cho kế hoạch năm 2016, ước thực hiện có 11 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Có 02 chỉ tiêu không đạt kế hoạch là tốc độ tăng trưởng GDP ước đạt 6,3-6,5% so với kế hoạch đề ra là 6,7%, và tốc độ tăng tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 6-7% so với kế hoạch đề ra là 10%.
Cụ thể: Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu (ước đạt 0,6% so với kế hoạch đề ra là dưới 5%); tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội so với GDP (ước đạt 32,5% so với kế hoạch đề ra là 31%); Chỉ số tăng giá tiêu dùng (CPI) (ước đạt 4,5-5% so với kế hoạch đề ra là dưới 5%); Giảm tỷ suất tiêu hao năng lượng trên một đơn vị GDP (ước đạt 1,5% bằng với kế hoạch đề ra là 1,5%); Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều (ước đạt kế hoạch đề ra là 1,3- 1,5%); Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị ước đạt 3,42% thấp hơn so với kế hoạch đề ra là dưới 4%); Tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế (ước đạt kế hoạch đề ra là 53%); Số giường bệnh trên 1 vạn dân không tính giường trạm y tế xã (ước đạt 25% so với 24,5%); Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế (ước đạt 79% so với kế hoạch là 76%); Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường (ước đạt 86% so với kế hoạch là 85%); Tỷ lệ che phủ rừng (ước đạt 41,15% so với kế hoạch là 41%).
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thành trình bày báo cáo tại phiên họp Ảnh: Đình Nam
Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế nhất trí với đánh giá của Chính phủ về việc bảo đảm mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016. Về chỉ tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) không đạt kế hoạch, Ủy ban Kinh tế cho rằng, nhìn rộng hơn, sự sụt giảm tăng trưởng của nông nghiệp cho thấy những bất cập của một nền nông nghiệp vẫn còn nhỏ lẻ, thiếu sự liên kết, hiệu quả thấp và phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Hệ thống doanh nghiệp là động lực phát triển nhưng cả khu vực nhà nước và tư nhân đều yếu về thực lực và sức cạnh tranh. Cơ cấu thị trường tài chính cũng chưa hợp lý, thị trường vốn và thị trường bảo hiểm còn khiêm tốn so với thị trường tiền tệ, chưa tạo kênh thu hút vốn xã hội để đầu tư phát triển dẫn đến tình trạng doanh nghiệp không dám đầu tư trung và dài hạn cho nghiên cứu phát triển và đổi mới công nghệ. Một số ý kiến cho rằng, dự báo những yếu tố tác động để GDP quý IV tăng cao hơn thì hầu hết là chưa chắc chắn, chưa được định lượng cụ thể, do đó, kết quả ước thực hiện cả năm GDP tăng 6,3-6,5% cũng chỉ là kỳ vọng và sẽ rất khó để đạt được, cần quan tâm chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ các giải pháp trong 2 tháng cuối năm.
Về dự báo tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước ước tăng 6-7% thấp hơn chỉ tiêu theo kế hoạch (tăng khoảng 10%), Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị báo cáo bổ sung khả năng đạt chỉ tiêu tăng xuất khẩu và nhập siêu như đã dự báo; đánh giá rõ hơn việc tháo gỡ khó khăn đối với các mặt hàng dư thừa (gạo) nhưng không xuất khẩu được, cần có đánh giá hiệu quả hoạt động của Tổng công ty lương thực miền Bắc, Tổng công ty lương thực miền Nam cũng như các doanh nghiệp khác hoạt động trong lĩnh vực thu mua, xuất khẩu lúa gạo, không để tự cạnh tranh, ép giá lẫn nhau.