Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp Ảnh: Đình Nam
Theo Tờ trình số 410/TTr-CP của Chính phủ, nhằm tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, Chính phủ đã xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020. Mục tiêu chủ yếu của Kế hoạch là thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tập trung vào việc nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực phát triển, qua đó thay đổi cơ cấu và trình độ của nền kinh tế, hình thành cơ cấu kinh tế hợp lý và năng động hơn, có năng suất cao hơn, có năng lực cạnh tranh cao hơn, có tiền năng tăng trưởng lớn hơn và đảm bảo tăng trưởng xanh, sạch, bền vững.
Trên cơ sở tập trung đánh giá kết quả tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011- 2015; đồng thời, chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng đến kết quả tái cơ cấu nền kinh tế nước ta; Chính phủ nêu rõ mục tiêu tổng quát và mục tiêu cụ thể của tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020.
Có 3 mục tiêu cụ thể để tái cơ cấu nền kinh tế là: Thứ nhất, từng bước để cơ chế thị trường giữ vai trò chủ yếu trong phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực phát triển; Thứ hai, hình thành và phát triển cơ cấu kinh tế hợp lý trên cơ sở cải thiện, nâng cấp trình độ phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế; phát triển các ngành, lĩnh vực sử dụng công nghệ cao, có giá trị tăng cao, từng bước thay thế các ngành công nghiệp thấp, giá trị gia tăng thấp để trở thành các ngành kinh tế chủ lực; Thứ hai, từng bước củng cố nội lực của nền kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế và củng cố vị thế quốc gia trên trường quốc tế, tận dụng tối đa cơ hội từ hội nhập quốc tế, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh quốc gia, an sinh xã hội và trật tự an toàn xã hội.
Báo cáo đã xây dựng kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020 gồm 5 nội dung chủ yếu và được cụ thể hoá thành 25 nhiệm vụ lớn, trong số đó có 10 nhiệm vụ có tính ưu tiên cao liên quan đến khu vực tư nhân; doanh nghiệp nhà nước, đầu tư công, dịch vụ công; tổ chức tín dụng, thị trường chứng khoán, thị trường bảo hiểm; công tác quy hoạch, ngành kinh tế, vùng kinh tế và liên quan đến đất đai.
Các nội dung tái cơ cấu trọng tâm được Chính phủ xác định gồm: phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân trong nước và thu hút hợp lý đầu tư trực tiếp nước ngoài; Tái cơ cấu khu vực kinh tế nhà nước, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu ngân sách nhà nước và khu vực dịch vụ sự nghiệp công; Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và thị trường chứng khoán; Hiện đại hóa công tác quy hoạch, cơ cấu ngành và vùng kinh tế theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, gắn với đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; Tái cơ cấu thị trường các nhân tố sản xuất quan trọng, bao gồm thị trường quyền sử dụng đất, thị trường lao động và thị trường khoa học công nghệ.
Đánh giá chung về kết quả thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011- 2015, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận định: kinh tế vĩ mô ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng đạt được kết quả bước đầu. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, trong giai đoạn 2011- 2015 tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ trong GDP tăng từ 79,9% lên 82,6%, tỷ trọng nông nghiệp giảm từ 20,1% xuống 17,4%. Quá trình cơ cấu lại về đầu tư công, hệ thống các tổ chức tín dụng, doanh nghiệp nhà nước và cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới đã được triển khai thực hiện. Bước đầu nâng cao kỷ cương trong đầu tư công; giám sát chặt chẽ hơn và có một số biện pháp để xử lý các tổ chức tín dụng cổ phần yếu kém, khoanh vùng nợ xấu; thể chế quản lý doanh nghiệp nhà nước tiếp tục được hoàn thiện. Tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ đang được triển khai từng bước.
Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận những kết quả tái cơ cấu nền kinh tế chưa thực sự rõ nét, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra; phương thức phân bổ nguồn lực xã hội, mô hình tăng trưởng kinh tế về cơ bản chưa thay đổi. Tỷ lệ đầu tư khá cao so với thông lệ nhưng hiệu quả đầu tư công còn thấp. Các doanh nghiệp nhà nước hoạt động chưa hiệu quả, quản trị doanh nghiệp còn yếu kém. Tái cơ cấu tổ chức tín dụng chưa đạt mục tiêu đề ra, vấn đề nợ xấu và hoạt động yếu kém của một số tổ chức tín dụng chưa được giải quyết thực chất, tiếp tục là mối lo, đe dọa đến sự an toàn của cả hệ thống và làm giảm hiệu quả cung cấp vốn tín dụng ngân hàng cho nền kinh tế. Bên cạnh đó, các nội dung khác trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế như tái cơ cấu các ngành, kinh tế vùng chưa được triển khai nhiều; chưa gắn kết 3 trọng tâm tái cơ cấu với tái cơ cấu tài chính công, khu vực công; chưa chú trọng đến tái cơ cấu ngành công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp
Nhất trí với sự cần thiết phải xây dựng Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016- 2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu rõ, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 nhằm đề ra các nhiệm vụ, giải pháp để hoàn thành các mục tiêu đặt ra trong Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2013-2020, khắc phục được những hạn chế trong thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu thời gian qua và đáp ứng các yêu cầu nêu trong các văn kiện Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết số 86/2014/QH13 của Quốc hội cũng như phù hợp với bối cảnh mới trong và ngoài nước.
Đồng tình với các quan điểm trong tờ trình của Chính phủ nhưng Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị nhấn mạnh quan điểm có tính xuyên suốt trong chỉ đạo và thực hiện tái cơ cấu, đó là: Cần tập trung phân bổ lại, khai thác hiệu quả các nguồn lực, loại bỏ cách tiếp cận theo hướng xin-cho; nhanh chóng khoanh vùng để xử lý các vấn đề tồn đọng một cách kịp thời, tránh ảnh hưởng đến các lĩnh vực khác, các thành quả kinh tế-xã hội, đe dọa sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Bên cạnh đó, những vấn đề còn tồn đọng trong giai đoạn tái cơ cấu 2013-2015 cần được ưu tiên giải quyết hoàn thành trong 2 năm đầu của Kế hoạch, để tập trung nguồn lực tái cơ cấu tiếp tục cho các lĩnh vực khác trong giai đoạn trước chưa được quan tâm.
Về nội dung kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, Ủy ban Kinh tế cho rằng 05 nhóm nội dung tái cơ cấu đã bao quát các lĩnh vực thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị cân nhắc sớm hoàn thành ba trọng tâm tái cơ cấu (đầu tư công, các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp nhà nước), tập trung nguồn lực tái cơ cấu khu vực công, ngành kinh tế, vùng kinh tế. Gắn quá trình tái cơ cấu nền kinh tế với quá trình hội nhập kinh tế, gắn tái cơ cấu ngành công nghiệp và dịch vụ với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tạo chuyển biến mạnh mẽ trong áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào hoạt động sản xuất. Cần quan tâm phát triển mạnh du lịch và kinh tế biển. Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có trình độ khoa học, công nghệ cao; phát triển thị trường lao động, cân đối cung cầu lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động hợp lý, nâng cao năng suất lao động. Đồng thời, tăng tính liên kết giữa các địa phương trong vùng.