Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự Hội thảo khoa học về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật hành chính công

24/01/2017

Sáng 24/1, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công đã tổ chức Hội thảo khoa học về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự thảo Luật hành chính công. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.

Trưởng Ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh phát biểu khai mạc Hội thảo            Ảnh: Đình Nam

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Ủy viên thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Trưởng ban soạn thảo dự án Luật hành chính công Trần Thị Quốc Khánh cho biết cuộc hội thảo được tổ chức trong bối cảnh hệ thống pháp luật đã và đang được xây dựng, hoàn thiện; yêu cầu của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính, tinh giảm bộ máy, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, thực hiện chính phủ điện tử, dịch vụ công trực tuyến, tăng cường kiểm soát quyền lực theo Hiến pháp 2013... Trong khi đó, những bất cập, yếu kém của nền hành chính vẫn chưa được khắc phục triệt để; việc xử lý cán bộ sai phạm còn nhiều khó khăn, nhiều quy trình vì thiếu cơ chế để xử lý. Vấn đề được nhiều cơ quan, Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân quan tâm và nổi cộm, bức xúc nhất hiện nay là vấn đề quy trình thủ tục hành chính, dịch vụ công, Chính phủ điện tử/ chính quyền điện tử, kiểm soát hành chính công. Đây là vấn đề chưa có đạo luật nào điều chỉnh mang tính nguyên tắc chung, tập trung trong một đạo luật cụ thể. Đặc biệt, trong quản lý điều hành nền hành chính, hệ thống pháp luật hiện nay chỉ có các quy định mang tính chuyên ngành với những nguyên tắc của từng đạo luật mà chưa có quy định về những nguyên tắc chung. Vì vậy, không thể khắc phục được tình trạng cục bộ trong các quy định pháp luật do các Bộ, ngành chủ quản chủ trì soạn thảo.

Cuộc hội thảo là diễn đàn rộng rãi để các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan quản lý nhà nước, đại diện doanh nghiệp cùng nhau trao đổi, để tìm tiếng nói chung trong việc xác định rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng cả dự án Luật hành chính công.

Phát biểu taị Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định nội dung của Hội thảo về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của dự án Luật hành chính công là vấn đề thời sự trong bối cảnh hiện nay của nước ta. Với mục tiêu xây dựng nền hành chính công khai, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả cũng đặt ra yêu cầu phải xây dựng được cơ sở pháp lý để cơ quan hành pháp điều hành, quản trị và quản lý theo tinh thần pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Đối với dự án Luật hành chính công, khi bàn về đối tượng và phạm vi điều chỉnh phải làm rõ, phân biệt được với các đạo luật hiện hành như Luật tổ chức Quốc hội, Luật tổ chức Chính phủ, Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật... đồng thời bảo đảm tính riêng biệt, đáp ứng được mục tiêu chung khi xây dựng nền hành chính công, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và tạo ra cơ hội có lợi cho người dân, doanh nghiệp trong thời kỳ xây dựng Chính phủ liêm chính, hành động, kiến tạo.

Tại Hội thảo, các đại biểu đều bày tỏ ủng hộ sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, tán thành với sự cần thiết ban hành Luật hành chính công, trong đó đề cập đến các nội dung như thủ tục hành chính công, dịch vụ hành chính công, kiểm soát hành chính công, mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hành chính chính công. Các đại biểu cho rằng, hiện nay hệ thống văn bản quy phạm pháp luật đã có khá nhiều quy định, đặt chuẩn cho các mảng, lĩnh vực khác nhau của nền hành chính công như trong các luật quy đinh về tổ chức bộ máy nhà nước. Tuy nhiên, nền hành chính công vẫn còn bộc lộ khá nhiều hạn chế như nhiều chế định mang tính nguyên tắc, tổ chức bộ máy khá cồng kềnh, nhiều tầng nấc, thiếu sự phối hợp một cách đồng bộ, hài hòa, nhiều bộ máy thiếu hiệu quả. Nguyên Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp TS. Lê Hồng Sơn chỉ rõ, Luật tổ chức chính phủ tập trung giải quyết các nội dung liên quan đến vị trí tính chất, chức năng nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Chính phủ, Luật tổ chức chính quyền địa phương tập trung giải quyết các nội dung liên quan đến tổ chức hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật công chức lại quy định những vấn đề liên quan đến cán bộ công chức... Như vậy từng luật đơn hành, riêng lẻ sẽ không giải quyết được những vấn đề chung của nền hành chính công. Những vấn đề này sẽ là những nội dung cần được Luật hành chính công giải quyết.

Hiện nay, còn nhiều quan điểm khác nhau về việc xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh dự án Luật. Song các quan điểm đều thống nhất ở việc xác định đối tượng, phạm vi điều chỉnh dự án Luật hành chính công bao gồm các vấn đề cơ quan, cốt lõi của nền hành chính công cơ bản như xác định khái niệm hành chính công, các nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và vận hành nền hành chính công, thủ tục hành chính công, dịch vụ hành chính công, kiểm soát hành chính công... Các đại biểu đều cho rằng dự án Luật nên hướng tới quy định những nguyên tắc chung nhất của nền hành chính công làm cơ sở cho các luật đơn hành đã được ban hành. Như vậy, Luật này nên được xác định là luật khung, khái quát.

Bên cạnh đó, trong từng chế định cụ thể của dự án Luật, cần quy định những vấn đề cơ bản, quan trọng thuộc nội hàm của chế định đó. Như trong chế định về thủ tục hành chính công dự thảo Luật cần phải xác định nguyên tắc xây dựng cơ bản, ban hành thủ tục hành chính công, nội dung cần phải có trong thủ tục hành chính công, trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, cơ quan trong việc xác lập và thực thi thủ tục hành chính công. Trong chế định về dịch vụ hành chính công cần phải xác định nguyên tắc cung cấp dịch vụ hành chính công, các loại dịch vụ hành chính công, hợp đồng hành chính công và các mô hình tổ chức dịch vụ hành chính công.

Bảo Yến