Các quốc gia và từng Quốc hội hãy cùng nhau thúc đẩy hành động, thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển

18/03/2015

Phát biểu của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội, Trưởng Ban tổ chức Đại hội đồng IPU - 132 Tòng Thị Phóng tại Hội thảo “Từ các mục tiêu thiên niên kỷ 2000 - 2015 đến các mục tiêu phát triển bền vững sau 2015: Vai trò của Nghị viện”

Kính thưa các vị khách quý,
Thưa toàn thể quý vị đại biểu,

Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự cuộc Hội thảo với chủ đề: “Từ các mục tiêu thiên niên kỷ 2000 - 2015 đến các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015: Vai trò của Nghị viện”. Thay mặt Lãnh đạo Quốc hội Việt Nam, tôi hoan nghênh sự phối hợp và chỉ đạo tích cực của Bà Pratibha Mehta với Tiểu ban Nội dung IPU, Viện Nghiên cứu lập pháp để thực hiện cuộc Hội thảo quan trọng này.

Thưa quý vị đại biểu, 

 Việt Nam được chọn đăng cai việc tổ chức Đại hội đồng IPU lần thứ 132. Đây là sự kiện ngoại giao quan trọng trong năm 2015, Quốc hội Việt Nam đã bày tỏ sự nhất trí cao với chủ đề chính của IPU - 132 là: “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”.

Để chuẩn bị cho sự đóng góp của Đoàn Đại biểu Quốc hội Việt Nam tại Đại hội đồng IPU 132, Quốc hội Việt Nam, Ban Tổ chức Đại hội đồng IPU-132 đã giao Tiểu ban Nội dung phối hợp với các cơ quan hữu quan phối hợp tổ chức nhiều hội thảo về các nội dung quan trọng cần lắng nghe, tiếp thu ý kiến các bộ, ngành, các chuyên gia, nhất là các vấn đề tới đây cần tiếp tục tổ chức thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ do Liên Hợp Quốc đặt ra. Đây là một trong những hoạt động của Quốc hội Việt Nam tiến tới Đại hội đồng IPU - 132.

Thưa quý vị đại biểu,

Trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng Việt Nam đã có nhiều cố gắng, là thành viên có trách nhiệm nỗ lực trong việc thực hiện 8 Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) nên đã đạt được những kết quả quan trọng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao và ghi nhận, nhất là đối với các Mục tiêu về giảm nghèo, bình đẳng giới và giáo dục. Việt Nam đã hoàn thành Mục tiêu 1 về xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói từ năm 2002; đã hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2010 và tiến tới những mục tiêu cao hơn về phổ cập giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông. Việt Nam cũng đã cơ bản hoàn thành mục tiêu về bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ; đã thành công trong việc kiểm soát bệnh sốt rét, một số dịch bệnh nguy hiểm, bước đầu ngăn chặn được sự lây lan HIV và đang ở trước ngưỡng hoàn thành Mục tiêu giảm tử vong ở trẻ em.

Năm 2015 là năm cuối để phấn đấu hoàn thành các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) và hướng tới xây dựng các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) giai đoạn sau năm 2015. Quốc hội Việt Nam chúng tôi bày tỏ sự nhất trí với 17 mục tiêu đề xuất: tiếp tục xóa nghèo dưới mọi hình thức, ở mọi nơi; Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy hoạt động nông nghiệp bền vững; Bảo đảm cuộc sống lành mạnh và hạnh phúc cho tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi; Bảo đảm sự giáo dục công bằng, chất lượng và toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; Đạt được bình đẳng giới và tăng cường địa vị cho phụ nữ và các em gái; Bảo đảm tính sẵn có và sự quản lý nước bền vững và vệ sinh cho tất cả mọi người; Bảo đảm sự tiếp cận các nguồn năng lượng có giá cả phải chăng, đáng tin cậy, bền vững và hiện đại cho tất cả mọi người; Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, tạo công việc đầy đủ và năng suất và việc làm cho người trong tuổi lao động; Xây dựng cơ sở hạ tầng bền vững, thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa toàn diện và bền vững, và thúc đẩy sự đổi mới; Giảm sự bất bình đẳng giữa các quốc gia; Làm cho các thành phố, nơi định cư của con người trở nên toàn diện, an toàn và bền vững; Bảo đảm các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững; Thực hiện các hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu; Bảo tồn và sử dụng một cách bền vững các đại dương, biển và nguồn lực biển vì sự phát triển bền vững; Bảo vệ, phục hồi và sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên đất, quản lý rừng một cách bền vững, chống lại tình trạng sa mạc hóa, tạm dừng và đảo ngược tình trạng suy thoái môi trường và chấm dứt những tổn thất về đa dạng sinh học; Thúc đẩy xã hội hòa bình và toàn diện vì phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người và xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm và toàn diện ở tất cả các cấp và tăng cường các biện pháp thực hiện và làm mới mối quan hệ đối tác toàn cầu vì phát triển bền vững.

Để làm được điều này thì các tổ chức quốc tế, các quốc gia và từng Quốc hội cần đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm, thống nhất nhận thức và cùng nhau thúc đẩy hành động, thiết lập mối quan hệ đối tác toàn cầu vì mục đích phát triển. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn, phức tạp, mang tính toàn cầu do vậy để Quốc hội Việt Nam có tiếng nói hiệu quả khi tham dự Đại hội đồng IPU - 132, tôi đề nghị tại Hội thảo này các quý vị đại biểu quan tâm đến 2 vấn đề sau đây: 

Một là, nhìn nhận, đánh giá thực tiễn quá trình thực hiện Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) và đánh giá về 17 mục tiêu được đề xuất Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) sau năm 2015, khả năng đáp ứng? nhất là Việt Nam là nước đang phát triển, lại là nước cần có các hành động khẩn cấp chống biến đổi khí hậu và tác động của biến đổi khí hậu;

Hai là, làm rõ vai trò của Quốc hội trong việc đề xuất cơ chế, chính sách, hình thành và thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), giải pháp để Quốc hội thực hiện chức năng giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước để Việt Nam có thể hoàn thành tốt nhất Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) cũng như xây dựng, đàm phán và tiến tới thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) nếu được thông qua, khuyến nghị một số định hướng, nội dung lớn mà Đại hội đồng IPU - 132 cần hướng tới khi xem xét thảo luận về chủ đề “Các mục tiêu phát triển bền vững: Biến lời nói thành hành động”.

Thưa quý vị đại biểu,

Với sự hiện diện của các chuyên gia quốc tế, các vị đại biểu Quốc hội, các nhà khoa học hàng đầu, có uy tín và đại diện các cơ quan, tổ chức tại đây, tôi tin tưởng rằng, cuộc hội thảo này có những trao đổi, thảo luận thiết thực về các nội dung liên quan tới quá trình thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs) của Việt Nam và các khía cạnh liên quan tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), góp phần cung cấp thông tin hữu ích cho các đại biểu Quốc hội Việt Nam trong quá trình chuẩn bị tham gia ý kiến vào các Nghị quyết của Đại hội đồng IPU - 132 cũng như Tuyên bố Hà Nội, dự kiến đây sẽ là văn bản chính thức của Đại hội đồng IPU được trình lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm nay.

Với những tình cảm thân ái, quý trọng và niềm tin tưởng sâu sắc, tôi tin rằng Hội thảo “Từ các mục tiêu thiên niên kỷ 2000 - 2015 đến các mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015: Vai trò của Nghị viện” sẽ thành công tốt đẹp.

Chúc các quý vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công trên cương vị cao quý của mình!

Xin trân trọng cám ơn!

Các bài viết khác