Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII tại Hà Nội

01/03/2016

Thực hiện Kế hoạch số 925/KH-UBTVQH về việc tổng kết công tác của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, sáng 1/3, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tổ chức “Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII”. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đồng chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị còn có Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; đại diện các Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố; đại diện cơ quan, tổ chức hữu quan cùng đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học…

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ, theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội. Thực hiện quy định trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Kế hoạch tổng kết công tác nhiệm kỳ của Quốc hội; thành lập Ban Tổng kết công tác của Quốc hội để giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị trình Quốc hội Báo cáo công tác của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại Hội nghị                                    Ảnh: Đình Nam

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị, tại Hội nghị này, các đại biểu cần tập trung thảo luận, trao đổi, đánh giá những kết quả đạt được; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập. Đồng thời, phân tích rõ những nguyên nhân khách quan, chủ quan của kết quả, hạn chế, cũng như những thách thức đối với hoạt động của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội trước đòi hỏi ngày càng cao của Nhân dân và trong bối cảnh triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; từ đó đề xuất phương hướng, giải pháp nhằm tiếp tục hoàn thiện tổ chức và hoạt động của Quốc hội trong những nhiệm kỳ tiếp theo.

Tiếp đó, Hội nghị đã nghe Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tóm tắt công tác nhiệm kỳ khóa XIII của Quốc hội và Báo cáo tóm tắt tổng kết hoạt động của Ủy ban thường vụ Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Báo cáo nêu rõ, với gần 5 năm qua, Quốc hội khóa XIII đã ngày càng thực hiện tốt hơn chức năng là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp tục kế thừa những bài học kinh nghiệm của các khóa Quốc hội trước đây, Quốc hội khóa XIII đã không ngừng cải tiến, đổi mới và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các mặt công tác từ lập hiến, lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao.

Với những cải tiến, đổi mới trong công tác lập pháp, số lượng, chất lượng các văn bản luật được thông qua ngày càng được nâng cao; tiếng nói, ý nguyện của cử tri đã được phản ánh ngày càng rõ nét. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước đi vào thực chất hơn, đặc biệt là quyết định ngân sách nhà nước. Hoạt động giám sát không ngừng được đổi mới từ quy trình, thủ tục đến cách thức giám sát; nội dung tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân, góp phần thúc đẩy các cơ quan nhà nước phát huy những thành tích, ưu điểm, khắc phục những thiếu sót, hạn chế.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động của Quốc hội khóa XIII vẫn còn những hạn chế, bất cập đòi hỏi cần được tổng kết, đánh giá, rút ra bài học kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động Quốc hội các khóa tới, phúc đáp đòi hỏi ngày càng cao của Nhân dân, của quá trình hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Với ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần giúp Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội tổng kết, đánh giá toàn diện, sâu sắc công tác cả nhiệm kỳ khóa XIII, tại Hội nghị, các đại biểu đã tham gia đầy đủ, tích cực thảo luận, góp ý có chất lượng, đúng trọng tâm, trọng điểm vào các vấn đề trong 2 dự thảo Báo cáo.

Về bố cục chung, các đại biểu đề nghị 2 Báo cáo cần bám sát vào quy định của Hiến pháp 2013, các quy định pháp luật có liên quan; cần làm sâu sắc hơn các hoạt động của đại biểu Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội bởi đây là những chủ thể rất quan trọng, đảm bảo cho hoạt động của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII; đề nghị làm rõ hơn vị trí, vai trò của Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc đóng góp vào thành công chung của Quốc hội trong nhiệm kỳ này.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Nguyễn Hữu Hùng, trong nhiệm kỳ vừa qua, chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có nhiều thành công. Tuy nhiên, trong Báo cáo lại thể hiện các hoạt động này còn “rất mờ nhạt”. Do đó Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Hùng đề nghị cần đánh giá kỹ hơn nội dung này, đặc biệt nhấn mạnh sâu hơn vai trò của Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, qua đó là bài học kinh nghiệm cho nhiệm kỳ sau; Đối với Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố, Phó Chủ nhiệm Nguyễn Hữu Hùng đề nghị đề cập sâu hơn vai trò của Phó Trưởng Đoàn đại biểu chuyên trách.

Nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh đề nghị cần làm rõ hơn chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội bởi đây cũng chính là chất lượng đầu vào của Quốc hội. Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội Chu Sơn Hà đề nghị, Báo cáo cần có thêm các con số, số liệu, những ví dụ cụ thể để tăng tính thuyết phục; đề nghị bổ sung phụ lục thống kê về hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố, nhất là trong hoạt động tiếp xúc cử tri.

Nguyên Chủ nhiệm VPQH Bùi Ngọc Thanh đề nghị làm rõ hơn chất lượng hoạt động của ĐBQH trong Báo cáo

Về nội dung thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp, cơ bản đánh giá cao các hoạt động được nêu trong Báo cáo, tuy nhiên các đại biểu cũng đề nghị cần viết lại một cách ngắn gọn, logic; đồng thời thể hiện lại các nội dung về Hiến pháp 2013 cho hợp lý hơn. Nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu cho rằng, thành tựu lớn nhất của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII là công tác lập pháp bằng việc thể chế hóa đầy đủ, chính xác, rõ ràng những nội dung cốt lõi Nghị quyết của Đảng ta vào Hiến pháp 2013. Tuy nhiên, nguyên Phó Chủ tịch cũng cho rằng, cách thể hiện trong Báo cáo cần thể hiện được việc Hiến pháp 2013 đã làm rõ hơn, đầy đủ hơn và “tiếp tục khẳng định” theo Hiến pháp 1992. Việc tổng kết thực hiện chức năng lập hiến, lập pháp là cho cả nhiệm kỳ, vì vậy cách thể hiện kết quả của Hiến pháp 2013 như hiện nay còn dài. Do đó, đề nghị nghiên cứu, thể hiện lại một cách vừa phải, hợp lý.

Trong công tác thi hành luật, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức KhiểnLãnh đạo Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Nguyễn Xuân Diên cho rằng, trong phần hạn chế của công tác lập hiến, lập pháp, Báo cáo cần thể hiện việc hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các luật ban hành, tính đồng bộ, nghiêm túc và thực thi chưa cao. Còn nhiều luật vẫn trong tình trạng “luật treo”, “luật khung”…

Nguyên Chủ nhiệm UB Pháp luật Vũ Đức Khiển cho rằng hiện còn nhiều luật trong tình trạng "luật treo"

Về thực hiện chức năng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và chức năng giám sát tối cao, đa số các đại biểu nhất trí cao với những nội dung nêu trong 2 Báo cáo. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, trong hoạt động giám sát, cần nhìn nhận lại một số hạn chế của công tác này. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An Trần Văn Mão, cho rằng, Báo cáo cần làm rõ một số tồn tại, hạn chế trong hoạt động giám sát như mối quan hệ phối hợp giữa Trung ương và địa phương còn chưa rõ ràng, cụ thể nên các hoạt động giám sát còn bị trùng lắp, hiệu quả chưa cao.

Một số đại biểu khác cũng cho rằng, hiện nay hoạt động giám sát tuy đã có nhiều tiến bộ, đặc biệt trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp. Tuy nhiên, công tác giám sát còn thiếu nhiều quy định về chế tài dẫn đến chất lượng hoạt động chưa cao.

Về các bài học kinh nghiệm để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị sắp xếp lại vị trí các bài học cho hợp lý; đề nghị cần bổ sung bài học về những hạn chế, chưa thành công của nhiệm kỳ khóa XIII từ đó là kinh nghiệm cho các nhiệm kỳ tiếp theo.

Dành nhiều tâm huyết góp ý cho vấn đề này, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão đã đề xuất bổ sung thêm 4 bài học: Thứ nhất, bài học về việc phát huy vai trò của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Thứ hai, bài học về Mối quan hệ của Quốc hội với Hội đồng nhân dân các cấp. Thứ ba, bài học về công tác điều hành ở các kỳ họp Quốc hội. Thứ tư, bài học về việc phát huy vai trò của công nghệ thông tin, truyền thông, báo chí đối với các hoạt động của Quốc hội.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ cảm ơn những đóng góp nhiệt tình, đầy tâm huyết và rất có chất lượng của các đại biểu tham dự đối với 2 dự thảo Báo cáo công tác của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng mong muốn sẽ nhận được thêm nhiều góp ý hơn nữa của các đại biểu.

Theo dự kiến ngày 4/3 tới, Hội nghị góp ý kiến về dự thảo Báo cáo công tác của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII sẽ được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Các ý kiến đóng góp từ 2 hội nghị có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp Ban Tổng kết công tác tiếp tục hoàn thiện và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 11.

Quang Minh