Ra mắt Ban thư ký Quốc hội

16/03/2016

Chiều 16/3, tại Nhà Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội tổ chức họp công bố Nghị quyết số 1168/NQ-UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn nhân sự Ban thư ký và triển khai hoạt động của Ban thư ký tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại buổi họp                    Ảnh: Đình Nam

Theo Nghị quyết số 1168/NQ-UBTVQH13 ngày 10/3/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thư ký Quốc hội gồm hai Phó Tổng thư ký là: Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Lê Minh Thông. Ban thư ký có 15 Ủy viên là lãnh đạo các vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội.

Ban thư ký có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội về các vấn đề liên quan đến dự kiến chương trình làm việc của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; về quy trình, thủ tục thực hiện hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tham mưu, giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội trong việc xây dựng dự thảo nghị quyết về các nội dung do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao.

Ban Thư ký cũng có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội thực hiện nhiệm vụ người phát ngôn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; trong việc tổ chức công tác cung cấp thông tin, báo chí, xuất bản, thư viện, bảo tàng, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; Tham mưu cho Tổng thư ký Quốc hội và trực tiếp tổ chức thực hiện các nghiệp vụ thư ký tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tập hợp, tổng hợp các ý kiến của đại biểu Quốc hội và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác do Tổng thư ký Quốc hội giao. Nhiệm kỳ của Ban thư ký theo nhiệm kỳ của Tổng thư ký Quốc hội khóa XIII.

Phát biểu tại buổi họp, gửi lời chúc mừng các thành viên Ban thư ký vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, Ban thư ký Quốc hội là một thiết chế mới, được thực hiện theo Luật tổ chức Quốc hội và Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Mặc dù mới được thành lập nhưng công việc trước mắt của Ban thư ký là rất nặng nề bởi phải triển khai ngay việc tham mưu, giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội chuẩn bị các công tác phục vụ kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIII sắp tới.

Trên tinh thần đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình, Ban thư ký Quốc hội cần nỗ lực, phấn đấu để tham mưu, giúp việc cho Tổng thư ký Quốc hội phục vụ thành công kỳ họp thứ 11. Qua đó, đánh dấu bước đầu trong công tác, hoạt động của Ban thư ký và là bước chuẩn bị cho công tác phục vụ Quốc hội khoá XIV trong thời gian tới.

Về việc tổ chức hoạt động của Ban thư ký tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, thực hiện quy định của Luật tổ chức Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong khi chưa có Quy chế làm việc của Ban thư ký Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đã tổ chức phân công hoạt động của Ban thư ký để kịp thời triển khai công tác phục vụ kỳ họp sắp tới.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân chụp ảnh cùng các thành viên trong Ban thư ký Quốc hội

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc khẳng định, đây là một nhiệm vụ quan trọng, do đó Tổng thư ký, Ban thư ký sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành công tác, xứng đáng với sự tin tưởng mà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhân dân và cử tri đã tin tưởng, giao phó. Theo đó, Tổng thư ký Quốc hội sẽ chỉ đạo chung; các Phó Tổng thư ký Quốc hội phụ trách các nội dung liên quan theo phân công của Tổng thư ký Quốc hội; các Ủy viên Ban thư ký tùy theo lĩnh vực phụ trách của đơn vị mình, chịu trách nhiệm giúp Tổng thư ký Quốc hội về các nội dung liên quan.

Dành nhiều thời gian thảo luận cho các hoạt động của Ban thư ký tại kỳ họp thứ 11 sắp tới, các đại biểu đã thảo luận những nội dung liên quan đến việc chuẩn bị các văn bản phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; về quy trình xây dựng các vản bản của Tổng thư ký phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành; về tập hợp, tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ, tại Đoàn; việc ghi âm, gỡ băng các phiên họp Tổ đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; về công tác báo chí, tuyên truyền trong kỳ họp...

Cơ bản nhất trí cao với nhiều nội dung nêu ra tại buổi họp, tuy nhiên, nhiều đại biểu đề nghị Ban thư ký cần sớm xây dựng Quy chế cụ thể nhằm xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm cho từng đối tượng, từng thành viên; đề nghị làm rõ quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 98 về nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng thư ký Quốc hội trong việc phối hợp với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng dự thảo nghị quyết về các nội dung do Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội giao...

Phát biểu kết luận, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị Ban thư ký hoàn thiện Báo cáo về việc tổ chức hoạt động tại kỳ họp thứ 11 và sớm gửi đến các thành viên Ban thư ký, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cơ quan, đơn vị có liên quan nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII thành công, tốt đẹp./.

Quang Minh