Công khai, minh bạch nhằm tăng cường quản lý ngoại thương

14/09/2016

Sáng 14/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét cho ý kiến về dự án Luật quản lý ngoại thương.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra                                        Ảnh: Đình Nam

Trình bày Tờ trình về dự án Luật quản lý ngoại thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú cho biết hoạt động ngoại thương trong thời gian qua diễn ra sôi động và có đóng góp nhất định cho quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế. Công tác quản lý nhà nước về ngoại thương đã vừa chặt chẽ, vừa thông suốt, minh bạch và hiệu quả hơn, song chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực này còn một số điểm chưa hoàn chỉnh, cần tiếp tục hoàn thiện.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nêu rõ: Luật Thương mại 2005 và các văn bản pháp luật có liên quan chưa thể hiện rõ yêu cầu hội nhập, công tác quản lý nhà nước về ngoại thương chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra.

Luật Thương mại là văn bản pháp lý cao nhất quy định về quản lý xuất nhập khẩu hàng hóa, tuy nhiên luật mới chỉ đưa ra khái niệm xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa và các quy định chung nhất, văn bản quy định chi tiết được thể hiện ở cấp dưới luật (Nghị định; các Thông tư) và các luật, pháp lệnh chuyên ngành. Việc có quá nhiều các văn bản pháp luật cùng quy định quản lý nhà nước về hoạt động ngoại thương dẫn đến tản mát, thiếu sự đồng bộ, thống nhất về cùng một biện pháp; một số văn bản có quy định về cùng một vấn đề nhưng khác nhau về nguyên tắc, tiêu chí, thẩm quyền, biện pháp xử lý. Nhiều biện pháp quản lý ngoại thương được quy định ở hình thức văn bản dưới luật thiếu minh bạch, hạn chế, cản trở quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân theo tinh thần Hiến định cũng như dẫn đến tính ổn định, tính dự báo của các biện pháp này không cao, tạo ra rào cản về thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Do đó, việc xây dựng một đạo luật về quản lý ngoại thương có tính định hướng rõ ràng, phù hợp với quan điểm của Đảng, Nhà nước, ổn định, minh bạch, thống nhất, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế là cần thiết. Đồng thời, đảm bảo hoạt động quản lý nhà nước về ngoại thương thuận lợi, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Về tên gọi, phạm vi điều chỉnh và mối quan hệ của luật với Luật Thương mại 2005, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, Luật có tên “Quản lý ngoại thương” với ý nghĩa quan trọng là đạo luật quy định các công cụ quản lý nhà nước về hoạt động ngoại thương, điều chỉnh các quan hệ xã hội giữa nhà nước và thương nhân, phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước về ngoại thương, không điều chỉnh đối với các hoạt động ngoại thương giữa thương nhân với thương nhân cũng như không điều chỉnh các khái niệm, hoạt động ngoại thương đang được quy định tại Luật Thương mại.

Việc xây dựng Dự án Luật không ảnh hướng đến nội dung, kết cấu của Luật Thương mại 2005 theo đó nếu được Quốc hội thông qua dự án Luật sẽ có tác động là bãi bỏ 3 khoản và 7 Điều trong tổng số 324 Điều và hàng nghìn khoản của Luật Thương mại và phù hợp với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 330/VPCP-PL ngày 13/01/2016 về kết quả tổng kết thực tiễn 10 năm thi hành Luật Thương mại và Nghị quyết số 89/2015/QH13 ngày 09/6/2015 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016.

Trình bày báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật quản lý ngoại thương nhằm góp phần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ điều chỉnh hoạt động ngoại thương, đồng thời tăng cường công cụ quản lý nhà nước về ngoại thương, đảm bảo minh bạch, hiệu quả, phù hợp với các cam kết quốc tế.

Đánh giá cao sự chuẩn bị công phu trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành Luật thương mại năm 2005, rà soát các văn bản pháp luật hiện hành có liên quan, đối chiếu với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy hồ sơ dự án Luật cơ bản tuân thủ đầy đủ trình tự, thủ tục theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Tuy nhiên, đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, luật hóa tối đa các quy định của các văn bản dưới luật đã được kiểm nghiệm có tính ổn định trong thực tiễn và các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, quy định chi tiết hơn những điều khoản về nguyên tắc áp dụng để giảm bớt các điều giao Chính phủ quy định trong dự thảo Luật

Bày tỏ tán thành với sự cần thiết ban hành Luật quản lý ngoại thương được nêu trong Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, song Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho rằng, quan điểm xây dựng dự án Luật nhằm phát triển hoạt động ngoại thương nhưng thực tế các quy định trong dự thảo Luật vẫn mang nặng tính quản lý hành chính với nhiều quy định về giấy phép, hạn ngạch xuất nhập khẩu, thẩm quyền quy định các danh mục hàng cấm, hạn chế xuất nhập khẩu... Bên cạnh đó, dự thảo Luật đề cập đến các biện pháp phòng vệ thương mại cũng như các chính sách hỗ trợ nhưng việc bảo vệ doanh nghiệp trong nước xuất khẩu ra nước ngoài, vai trò của các hiệp hội ngành nghề trong bảo vệ xuất khẩu của doanh nghiệp lại chưa thấy được đề cập và giải quyết trong dự thảo này.

Cùng quan điểm, Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cũng cho rằng, dự thảo Luật chưa cụ thể các chính sách hỗ trợ, thúc đẩy xúc tiến thương mại và xuất nhập khẩu trên tinh thần thúc đẩy xuất khẩu và quản lý nhập khẩu. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định một cách cụ thể ngay trong luật các chính sách hỗ trợ, tránh giao quá nhiều nội dung cho Chính phủ hướng dẫn thi hành, đồng thời phải quy định cụ thể các nguyên tắc xác định để tránh tùy tiện trong quy định cấm hay hạn chế xuất nhập khẩu.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu phát biểu tại phiên họp

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu bày tỏ băn khoăn về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật khi chỉ áp dụng đối với đối tượng là hàng hóa mà không điều chỉnh dịch vụ, trong khi thực tế các dịch vụ liên quan đến hoạt động ngoại thương là rất nhiều và quan trọng như logistic, kho bãi, thanh toán ngân hàng... Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo rà soát, nghiên cứu, xem xét mở rộng đối tượng điều chỉnh của luật để bảo đảm đồng bộ, khả thi, hiệu quả thực thi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng chia sẻ, khó khăn của việc xây dựng Luật quản lý ngoại thương là việc nội dung luật liên quan đến nhiều văn bản pháp luật hiện hành gồm ba pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội liên quan đến tự vệ thương mại, chống bán phá giá và chống trợ cấp, Luật thương mại, Luật thuế, Luật hải quan, Bộ luật Hàng hải... Vì vậy, việc xây dựng luật cần bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật, giải quyết mối quan hệ giữa luật này và Luật thương mại, bảo đảm phù hợp với các điều ước quốc tế cũng như thông lệ quốc tế trong ngoại thương.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý với Ban soạn thảo cần cụ thể hơn các quy định trong dự thảo Luật như các quy định liên quan đến thủ tục hành chính, thẩm quyền quản lý của cơ quan nhà nước, chính sách đặc thù trong hoạt động ngoại thương để tăng tính khả thi của luật.

Ngoài ra đối với đề xuất thành lập các tổ chức xúc tiến thương mại, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nếu cần thiết thì phải thành lập nhưng phải xác định rõ địa vị pháp lý, cơ cấu tổ chức của tổ chức này, đồng thời cần khẳng định trách nhiệm vai trò của Tham tán thương mại trong Đại sứ quán trong xúc tiến thương mại cũng như vai trò của các tổ chức hiệp hội ngành nghề, có quy định về việc hỗ trợ, bảo vệ hoạt động của các chủ thể này.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, qua thảo luận Ủy ban thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết ban hành luật hướng đến công khai, minh bạch, pháp điển hóa, hệ thống hóa pháp luật nhằm tăng cường quản lý ngoại thương.

Ủy ban thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo rào soát thêm về phạm vi và đối tượng điều chỉnh, những quan hệ pháp lý ngoài quan hệ nhà nước với tổ chức cá nhân, rà soát toàn bộ quy định để các nội dung phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Hiến pháp, đồng bộ với các luật hiện hành và các điều ước quốc tế, đặc biệt chú ý bảo đảm quyền tự do kinh doanh. Đề nghị làm rõ thêm nguyên tắc quản lý nhà nước về ngoại thương, quyền tự do kinh doanh xuất nhập khẩu, các điều khoản cấm, hạn chế hạn ngạch xuất nhập khẩu, các giấy phép...; quy định cụ thể hơn các chương, điều liên quan đến chính sách như ưu đãi, trong giải quyết tranh chấp hòa giải, quy định liên quan đến khu thuế quan, khu phi thuế quan, chú ý các biện pháp phòng vệ thương mại, rà soát trách nhiệm quản lý, thẩm quyền của các cơ quan trong hệ thống nhà nước theo tinh thần tinh giản bộ máy.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng cho biết Ủy ban thường vụ Quốc hội để ngỏ việc quy định doanh mục hàng hóa cấm xuất nhập khẩu được quy định ngay trong luật hay giao Chính phủ hướng dẫn để trình ra Quốc hội xem xét.

Bảo Yến