Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản

14/09/2016

Chiều 14/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật đấu giá tài sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh phát biểu tại phiên họp                                    Ảnh: Đình Nam

Trình bày báo cáo Một số vấn đề lớn về dự án Luật đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã được tiếp thu, chỉnh lý gồm 8 Chương và 79 Điều. Trong đó bổ sung thêm một số điểm, khoản quy định về việc đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; rà soát, bổ sung các loại tài sản đấu giá (tài sản nhà nước, tài sản về đất đai, tài sản thi hành án…); rà soát, bổ sung trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; bổ sung các hành vi nghiêm cấm; rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, doanh nghiệp đấu giá tài sản, đấu giá viên và tổ chức xã hội- nghề nghiệp của đấu giá viên.

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu cơ bản nhất trí với báo cáo Một số vấn đề lớn về dự án Luật đấu giá tài sản của Ủy ban Kinh tế. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng dự thảo Luật cần phải rà soát, cân nhắc nhiều quy định để phù hợp và tránh bị vênh so với các luật khác hiện hành, không để lúng túng trong thực hiện.

Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, nhiều đại biểu đề nghị cân nhắc phạm vi điều chỉnh của Luật đấu giá tài sản đối với chứng khoán và tài sản nhà nước ở nước ngoài để bảo đảm tính chặt chẽ, thống nhất; đề nghị bổ sung điều chỉnh Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản khi chưa tiến hành chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cần quy định đầy đủ nguyên tắc, trình tự, thủ tục xử lý nợ xấu nhằm bảo đảm tính minh bạch. Đồng thời, để đảm bảo tính khách quan thì nên xem xét lại xem có nên để cho doanh nghiệp tự tổ chức đấu giá nợ xấu hay không? Chủ tịch Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật không nên có quy định ưu tiên cho doanh nghiệp mới thành lập trong đấu giá nợ xấu vì doanh nghiệp mới thành lập chưa đánh giá được hoạt động có hiệu quả hay không mà được hưởng quy định này thì quá vô lý; đề nghị nghiên cứu kỹ điều này, để Luật đảm bảo được tính khách quan, minh bạch và khả thi khi đưa vào áp dụng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, dự thảo Luật bổ sung Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản, nhưng không có quy định cụ thể về trung tâm này, trong khi nó vẫn đang hoạt động và tính chất hoạt động khác với doanh nghiệp đấu giá tài sản. Chủ tịch Quốc hội đề nghị nên bổ sung các điều khoản riêng quy định về vị trí, vai trò và hoạt động của trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản trong dự thảo luật này.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho rằng, đấu giá tài sản là là một vấn đề nhức nhối trong xã hội hiện nay. Thủ tục trong đấu thấu thì rất rườm rà và nhiều tiêu cực, nhiều doanh nghiệp èo ọt nhưng hồ sơ rất hoành tráng, khi đấu thầu xong rồi thì nhiều công ty ma. Tuy nhiên, cơ quan nào quản lý vấn đề này thì trong luật này chưa thể hiện rõ. Do đó, Chủ nhiệm đề nghị cần phải rà soát thắt chặt các quy định để làm sao để tránh được sự dàn xếp trong quá trình thực hiện đấu giá tài sản, tránh các lỗ hổng có thể bị lợi dụng trong luật này để trục lợi cá nhân, gây bức xúc trong nhân dân. Đấu giá phải lấy lợi ích của nhân dân và đất nước là chính chứ không phải lợi ích cá nhân là chính.

Về xử lý vi phạm trong đấu giá tài sản, nhiều đại biểu đề nghị phải có các quy định chế tài chặt chẽ để ngăn chặn tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, tránh gây thất thoát cho ngân sách nhà nước, đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến tính hợp pháp của tài sản đưa ra đấu giá, xử lý trách nhiệm những trường hợp tham gia đấu giá có hành vi vi phạm, người trúng đấu giá không nhận được tài sản.

Về đấu giá chứng khoán, Chủ Nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định và nhiều đại biểu khác cho rằng, đấu giá chứng khoán không được quy định trong các đạo Luật khác có liên quan, kể cả Luật chứng khoán; đề nghị xem xét, cân nhắc có nên đưa vào quy định tại dự thảo Luật này hay không.

Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Ban soạn thảo cần phải rà soát lại các quy định về phạm vi điều chỉnh; Về đấu giá nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu; Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản..., tránh chồng chéo xung đột với các đạo Luật khác. Ban soạn thảo cần thiết kế những quy định cụ thể về trung tâm đấu giá tài sản để tránh nhũng nhiễu, lợi dung quy định để trục lợi cá nhân.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, việc đấu giá nợ xấu và và tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu cần phải điều chỉnh dứt khoát và không có một quy định riêng cho một loại doanh nghiệp hay tổ chức nào cả; Làm rõ tài sản nào được phép giao dịch, tài sản nào không được phép giao dịch để tránh được tiêu cực trong đấu giá tài sản. Riêng quy định về đấu giá chứng khoán tuy không có quy định trong Luật Chứng khoán, nhưng Chứng khoán cũng là một loại tài sản, nên Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng cần phải quy định trong dự thảo Luật này; đề nghị Ban soạn thảo có những quy định cụ thể về nguyên tắc và sẽ giao Chính Phủ quy định thêm về vấn đề này.

Đặng Mai