HÌNH ẢNH PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN LÀM VIỆC VỚI BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG VỀ AN NINH NGUỒN NƯỚC

27/02/2020

Chiều ngày 26/02, tại Hà Nội, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã dự cuộc làm việc của Đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường với Bộ Tài nguyên và Môi trường về an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập.

Phát biểu tại các cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển lưu ý, tuy nước ta có hệ thống sông, suối dày đặc, lượng nước ngầm khá lớn, lượng mưa khá cao, nhưng 3 thách thức đối với an ninh nguồn nước được Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đưa ra cần phải được đánh giá kỹ lưỡng.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh, phải lựa chọn giải pháp hợp lý, vừa có tầm nhìn vừa có mục tiêu, nhất là phải xác định rõ lấy nguồn nước nội sinh là chính, giảm bớt sự phụ thuộc từ bên ngoài, đồng thời xây dựng các kịch bản để không bị động. Để làm được những việc này, trước mắt phải cứu những dòng sông bị ô nhiễm, hạn chế thực trạng lấp ao hồ tự phát, tạo sự liên thông giữa hệ thống hồ đập trong nước, hoàn thiện hệ thống pháp luật và tạo dựng được những ranh giới đỏ dựa trên các thông lệ quốc tế...

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu một số hình ảnh tại buổi làm việc:

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển dự buổi làm việc của Đoàn giám sát về "An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập gắn với bảo vệ và phát triển rừng đầu nguồn" với Bộ Tài nguyên và Môi trường

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển và Đoàn giám sát về tình hình An ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn hồ, đập

Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Đoàn giám sát cho rằng, giải pháp trước mắt là phải nâng cao nhận thức của người dân, kêu gọi người dân có sử dụng tài nguyên nước có trách nhiệm.

Các thành viên đoàn giám sát cho rằng cần phải rà soát lại để làm rõ việc tại sao cơ sở pháp lý đã có nhưng thực trạng này không được kiểm soát? Phải chăng đã đến lúc phải thay đổi tư duy, phải thu hút được sự tham gia của người dân trong việc giám sát cũng như đảm bảo an ninh nguồn nước.

Phó Chủ tịch Hội đồng dân tộc Nguyễn Lâm Thành đề nghị quan tâm hơn nữa đến An ninh nguồn nước tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền múi

Thường trực Ủy ban Kinh tế Đoàn Thị Thanh Mai đề nghị cần lưu ý vấn đề xả thải nước sinh hoạt, sản xuất ra các hệ thống sông, thủy lợi khiến nguồn nước bị ô nhiễm

Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương Cao Đức Phát đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ hơn các thách thức về an ninh nguồn nước, trong đó có an ninh nước ngầm; đánh giá tác động của an ninh nguồn nước đến hoạt động kinh tế - xã hội; chiến lược và mục tiêu cụ thể cho những giải pháp đối với các thách thức lớn.

Tiếp thu những ý kiến đóng góp của các thành viên trong đoàn công tác, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết: An ninh tài nguyên nước đang là một trong những thách thức lớn đối với nước ta trong quá trình phát triển. Vấn đề an ninh nguồn nước sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới mọi mặt trong đời sống xã hội hiện nay hiện nay.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng chỉ ra những vấn đề tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý tài nguyên nước gồm cả các nguyên nhân chủ quan từ chính sách pháp luật. Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường mong muốn thông qua cuộc giám sát này có báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết chuyên đề về An ninh nguồn nước với các giải pháp đồng bộ từ chính sách đến thực hiện...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng phải thay đổi tư duy về an ninh nguồn nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần có chính sách đầu tư với các nguồn lực mang tính chất sức mạnh chung chứ không chỉ dựa vào ngân sách, phải sử dụng tiết kiệm nước. Đồng thời phải cương quyết chống ô nhiễm nguồn nước, trong đó làm sạch nguồn nước đang ô nhiễm và bảo vệ nguồn nước trước ô nhiễm; đảm bảo thống nhất và hoàn thiện hệ thống pháp luật để tránh sự chồng chéo, không hợp lý./.

Trọng Quỳnh