Toàn cảnh buổi làm việc
Báo cáo việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp trong trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương trước trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại diện Bộ Công thương cho biết, Bộ Công Thương hiện có 25 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc được phân bổ tại 5/8 vùng lãnh thổ Việt Nam. Cụ thể: vùng Đông bắc Bộ có 11 trường cao đẳng; Đồng bằng sông Hồng có 07 trường cao đẳng; vùng Bắc Trung bộ có 02 trường cao đẳng; vùng Nam Trung Bộ có 02 trường cao đẳng; vùng Đông Nam bộ có 03 trường cao đẳng.
Các cơ sở giáo dục nghiệp và các trường có đăng ký tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ Công thương đang đào tạo có tổng số 78 ngành nghề trình độ cao đẳng, 68 nghề trình độ trung cấp và hàng trăm nghề trình độ sơ cấp, chủ yếu đào tạo khối ngành kỹ thuật, công nghệ. Một số trường có đào tạo về kinh tế, quản lý, dịch vụ; tuy nhiên quy mô đào tạo nhóm ngành này nhỏ.
Công tác tuyển sinh của các trường thuộc Bộ Công thương quản lý được thực hiện theo đúng quy chế, quy định; riêng tuyển sinh cao đẳng có chiều hướng giảm từ năm 2015 đến nay, tuyển sinh trung cấp tăng từ năm 2017 do tác động của chính sách miễn học phí đối với học sinh trung cấp có đầu vào tuyển sinh tốt nghiệp trung học cơ sở. Quy mô đào tạo tính bình quân hằng năm vào khoảng 109.758 học sinh, sinh viên ( Bậc cao đẳng: 69.568 sinh viên; Bậc trung cấp 33.560 học sinh; Bậc sơ cấp 6.630 học sinh). Học sinh viên, sinh viên tốt nghiệp hằng năm: trung bình từ 50 đến 60 nghìn người; cơ bản có việc làm đúng ngành nghề đào tạo (80%) và mức thu nhập tương đối cao (từ 6-8 triệu đồng/ tháng).
Về công tác đầu tư, điều kiện đảm bảo cơ sở vật chất, đại diện Bộ Công thương nhấn mạnh, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ Công Thương được đánh giá là hệ thống trường mạnh trong hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp cả nước, được cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp và xã hội đánh giá cao về cơ sở vật chất, đội ngũ và chất lượng đào tạo. Công tác đầu tư trung hạn, từ nguồn ngân sách nhà nước, giai đoạn 2015-2018, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất (giảng đường, xưởng thực hành, công trình hạ tầng kỹ thuật,...) là 364 tỷ đồng.
Hiện tại, Bộ Công Thương có 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xét duyệt, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, lựa chọn đầu tư trọng điểm để trở thành trường chất lượng cao đến năm 2020, và 2025. Các trường gồm: Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức; Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp; Cao đẳng Công nghiệp và Thương mại; Cao đẳng Công nghiệp Thực phẩm; Cao đẳng Công nghiệp Nam Định; Cao đẳng Công nghiệp và Xây dựng; Cao đẳng Công nghiệp Huế; Cao đẳng Công Thương miền Trung; Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng; Cao đẳng Công Thương Tp Hồ Chí Minh.
Đại diện Bộ Công thương phát biểu tại buổi làm việc
Về phân cấp quản lý, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp xây dựng và trình Bộ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của từng trường theo nguyên tắc: phân cấp, phân quyền cho cơ sở tối đa theo luật định và nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội.
Đối với nội dung tự chủ đối với giáo dục nghề nghiệp, đại biện Bộ Công thương cho biết, hiện nay chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn chi tiết về nội dung này, tuy nhiên để triển khai thí điểm, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các trường có khả năng tự chủ xây dựng Đề án gửi Bộ thẩm định, tổ chức lấy ý kiến các Bộ, ngành liên quan, tổng hợp trình Chính phủ xem xét, phê duyệt. Hiện tại, có Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng xây dựng đề án thí điểm tự chủ, các Bộ, ngành đã có ý kiến; Bộ Công Thương đang tổng hợp.
Để thực hiện tốt vai trò, trách nhiệm của cơ quan chủ quản đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp mình quản lý, Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến hệ thống cơ sở đào tạo nói chung và giáo dục nghề nghiệp nói riêng. Từ năm 2018 trở về trước, Bộ đã thành lập riêng Vụ Phát triển nguồn nhân lực chủ yếu quản lý hệ thống cơ sở đào tạo trực thuộc; hiện nay sau khi sắp xếp lại tổ chức, có bộ phận riêng để quản lý đó là Phòng Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực thuộc Vụ Tổ chức cán bộ. Từ đó, công tác ban hành văn bản, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp được thực hiện nghiêm túc, kịp thời, giúp cho hệ thống cơ sở giáo dục nghể nghiệp trực thuộc thực hiện đúng các quy định, chính sách pháp luật về giáo dục nghề nghiệp.
Sau khi hệ thống giáo dục nghề nghiệp chính thức thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp và được bàn giao đầu mối quản lý, Bộ Công Thương đã nghiên cứu, có văn bản hướng dẫn các trường cao đẳng nghề thực hiện đổi tên theo đúng quy định, có 03 trường cao đẳng nghề hoàn thành đổi tên trong năm 2017. Ngoài các văn bản cần có hướng dẫn chi tiết về chuyên môn, hàng năm Bộ Công Thương chủ động tổng hợp danh mục các văn bản mới về giáo dục nghề nghiệp để phổ biến đến các cơ sở giáo dục nghề nghiệp yêu cầu nghiên cứu, thực hiện. Những văn bản pháp luật về giáo dục nghề nghiệp có tính phức tạp, Bộ tổng hợp lại, tổ chức mời chuyên gia của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, và các Bộ liên quan hướng dẫn trực tiếp tại Hội nghị Tập huấn hè cho các trường thuộc Bộ hằng năm….
Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ cũng được đặc biệt quan tâm. Đại diện Bộ Công Thương cho biết, hàng năm Thanh tra Bộ đều có kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (mỗi cơ sở đào tạo ít nhất được thanh tra, kiểm tra định kỳ 2 năm một lần). Ngoài ra, để nắm bắt thông tin kịp thời về tình hình hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các Vụ chức năng thuộc Bộ hàng năm phối hợp kiểm tra theo các chuyên đề như: tổ chức cán bộ, tài chính, đầu tư, đào tạo, …
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, nhiều quy định mới khi Luật Giáo dục nghề nghiệp ra đời đã mang lại những tác động tích cực đối với hệ thống giáo dục nghể nghiệp của Bộ Công thương. Theo đó, công tác tuyển sinh đã có sự phát triển về quy mô tuyển sinh các trình độ sau khi triển khai thực hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp; hệ thống chương trình đào tạo đã được chuẩn hóa theo hướng giáo dục nghề nghiệp, tăng tính thực tiễn, ứng dụng, giảm lý thuyết; hướng các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng dạy, tổ chức đào tạo và nghiên cứu khoa học. Từ đó, chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động. Bên cạnh đó. thông qua các dự án hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Bộ đã từng bước được tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học; chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo; đổi mới chương trình, giáo trình…
Nhìn chung, hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với các cơ sở đào tạo trực thuộc Bộ Công Thương đã đạt được nhiều chuyển biến tích cực trong các năm vừa qua. Điều đó cho thấy chiến lược, chính sách về phát triển giáo dục nghề nghiệp hiện nay đã được phát huy tích cực, hiệu quả. Tuy nhiên, do mới chính thức triển khai thực hiện theo Luật Giáo dục nghề nghiệp nên còn một số nội dung cần được luật hóa để có thể triển khai thực hiện theo đúng quy định như: chính sách về hỗ trợ đào tạo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; quy định, chính sách về phân luồng sau trung học cơ sở; quy định, hướng dẫn về triển khai tự chủ đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập; quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc…
Tại buổi làm việc, đại diện Bộ Công Thương khẳng định trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề cao, phục vụ cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.