Luật Đất đai lần này phải có nhiệm vụ thể hiện đầy đủ tinh thần và ý nghĩa quy định của Hiến pháp. Qua nghiên cứu Chương VI của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Ban soạn thảo đề ra nhiều quy định rất cụ thể, tất cả các trường hợp được thu hồi đất, trình tự, thủ tục tiến hành thu hồi đất nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch trong thu hồi đất. Song tôi thấy còn thiếu các quy định là chỉ thu hồi trong trường hợp thật cần thiết. Như vậy, việc thu hồi đất phải thỏa mãn 2 điều kiện: một là phù hợp với quy định của pháp luật và hai là phải thật cần thiết.
Khi thảo luận về sửa đổi Hiến pháp, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 đã tiếp thu ý kiến là QH và HĐND tỉnh xem xét quyết định tính chất thật cần thiết trước khi quyết định thu hồi đất, nhưng không ghi trong Hiến pháp mà sẽ được thể hiện ở trong Luật Đất đai. Cho nên, tôi đề nghị tại Điểm 2, Điều 62 dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần phải quy định tất cả các trường hợp thu hồi đất quy định tại Điểm 1, Điều 62 đều phải được thông qua QH hoặc HĐND cấp tỉnh nhằm xem xét tính thật cần thiết khi quyết định thu hồi đất. Trong dự thảo Luật chỉ ghi yêu cầu là thông qua QH ở điểm a, thông qua HĐND tỉnh ở điểm g, điểm h, còn lại các điểm b, c, d, e không quy định thông qua QH và HĐND tỉnh và cũng không thông qua cơ quan nào mà chỉ để Chính phủ chấp thuận. Quy định như vậy theo tôi là không đầy đủ còn mang tính chất chủ quan của cơ quan soạn thảo và thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn.
Đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu, nhưng cũng cần phải được hiểu cụ thể hơn. Theo tôi thì Chính phủ sẽ làm đại diện chủ sở hữu về quyền quản lý hành chính về đất đai, còn quyền quyết định các vấn đề quan trọng của chủ sở hữu thì cần phải giao cho QH và HĐND, nơi người dân thực hiện quyền dân chủ đại diện của mình. Có như vậy thì quan điểm chủ sở hữu toàn dân mới có ý nghĩa thực tiễn và thiết thực hơn. Hơn nữa, khi xem xét thông qua quyết định thu hồi đất thì QH và HĐND phải xem xét các phương án thu hồi, phương án đền bù, phương án hỗ trợ tái định canh, tái định cư để bảo đảm quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người sử dụng đất. Đây cũng là một hình thức giám sát có hiệu quả nhất của QH và HĐND - giám sát trực tiếp trước khi thực hiện quyết định thu hồi đất.
Đề nghị cần bổ sung quy định yêu cầu về nội dung mà Chính phủ và UBND trình QH và HĐND để khắc phục tình trạng thông qua một cách hình thức, không rõ về nội dung và bảo đảm quyết định của QH và HĐND được thực hiện nghiêm túc hơn.