Cần cân nhắc và thống nhất đối với quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

28/05/2014

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), các đại biểu tán thành với việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự án Luật, bởi thực tế hiện nay, nhiều vợ chồng không có khả năng sinh con mong muốn được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ. Các đại biểu cũng đề nghị cần có quy định chặt chẽ về vấn đề này để bảo đảm quyền lợi của các bên, quyền của trẻ em, tránh việc lợi dụng, thương mại hóa vấn đề này.

ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết - Bà Rịa - Vũng TàuĐBQH Nguyễn Văn Tuyết - Bà Rịa - Vũng Tàu: Quy định về chế độ mang thai hộ, tôi tán thành với loại ý kiến thứ nhất là cần bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo trong dự thảo luật. Vì thực tiễn có một số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con, mong muốn được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ. Hiện nay ở nước ta đã có một số cơ sở y tế để thực hiện các kỹ thuật này, như chúng ta biết do sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội, phương thức sống và môi trường tự nhiên nên xuất hiện ngày càng nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng vô sinh và vô sinh cũng đã đang phổ biến trong xã hội hiện nay.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Bệnh viện phụ sản thì tỷ lệ vô sinh ở Việt Nam đáng báo động là ở mức 8% dân số. Tuy nhiên theo tôi luật cần quy định chặt chẽ để tránh việc lợi dung thương mại hóa vấn đề này, bảo đảm quyền lợi của các bên, quyền của trẻ em và sức khỏe của người mang thai hộ.

Tôi hoan nghênh dự thảo luật đã bổ sung điều 96, 97, 98 và quy định cụ thể các điều kiện của người nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ vì mục đích nhân đạo ở Điều 95.

Quy định về xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến việc mang thai hộ theo Điều 100. Tôi đề nghị Điểm c, Khoản 3, Điều 95, ở đây Điểm c có quy đinh ở độ tuổi phù hợp. Theo tôi luật nên quy định cụ thể chứ nếu như chúng ta nói "ở độ tuổi phù hợp" thì cũng không biết là phù hợp sẽ là bao nhiêu, mà kinh nghiệm ở một số nước người ta quy định độ tuổi tối thiểu của người mang thai hộ là bao nhiêu, ví dụ 21, 22 tuổi hay 25 tuổi và tối đa của người mang thai hội là bao nhiêu tuổi chúng ta nên quy định cụ thể vào trong luật.

ĐBQH Tôn Thị Ngọc Hạnh: Trong lần dự thảo trước đây và những nội dung bổ sung cho dự thảo luật lần này nổi bật vấn đề mang thai hộ vì mục đích nhân đạo ở Điểu 95. Theo tôi nên cân nhắc kỹ có nên đưa vào Luật hôn nhân và gia đình lần này hay chưa hoặc cần phải tạm thời gác lại, vì một số lý do lớn như sau.

Một, thực tế nhu cầu về những cặp vợ chồng cần có con thông qua mang thai hộ đã trở thành phổ biến trong xã hội nước ta hiện nay để cần phải có luật điều chỉnh nhiều hay chưa? Cần phải có công tác chuẩn bị thật kỹ để định lượng tương đối về vấn đề này. Qua tiếp xúc cử tri, tôi cảm nhận được tỷ lệ cử tri nhận biết về kỹ thuật thực hiện mang thai hộ cũng như dò hỏi dư luận về sự cần thiết của hỗ trợ kỹ thuật y tế trong công tác sinh con bằng biện pháp mang thai hộ thì có rất ít ý kiến cho rằng việc mang thai hộ cho dù với mục đích nhân đạo là cần thiết, khó hình dung, xa lạ và một số ý kiến cho rằng rất tốn kém chi phí nếu thực hiện được thì dành cho người giàu có trong xã hội.

Thứ hai, cần phải xem xét thêm dưới góc độ của những đứa trẻ sau khi ra đời có ý nghĩa nhân đạo. Ở đây dự thảo mới đặt vấn đề dưới góc độ ý muốn chủ quan của những cặp vợ chồng muốn làm cha mẹ trên cơ sở huyết thống nhưng lại nảy sinh vấn đề về huyết thống khác cần giải quyết về người chịu ảnh hưởng nhiều nhất chịu hậu quả pháp lý và xã hội chính là đứa trẻ sinh ra từ mang thai hộ. Đứa trẻ sinh ra sẽ sống như thế nào trong mối quan hệ máu mủ phức tạp như thế, sẽ nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý xã hội, về hòa nhập cộng đồng. Đứa trẻ sinh ra không thể gọi người cưu mình trong quá trình thai kỳ là người mang thai hộ mà phải gọi là mẹ. Như vậy trong hồ sơ pháp lý cá nhân phần khai về người mẹ ngoài việc phân biệt mẹ ruột, mẹ nuôi còn có thêm mẹ mang thai hộ. Tôi cho rằng điều này sẽ rất khó xử lý và suy cho cùng là không mang lại ý nghĩa tích cực chí ít trong tình hình kinh tế - xã hội hiện nay ở nước ta.

Cổng thông tin điện tử