Thứ nhất, vấn đề xác định lại giới tính. Tại Khoản 4, Điều 36 Nghị định số 138 của Chính phủ về đăng ký và quản lý hộ tịch quy định "xác định lại giới tính của một người trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính". Giới tính cũng là một yếu tố cấu thành nên nhân thân của một con người, trong nội dung đăng ký khai sinh của mỗi người đều có phần ghi về giới tính. Mặt khác, với tình hình thực tế hiện nay ở nước ta việc chuyển đổi giới tính từ nam sang nữ và từ nữ sang nam bằng biện pháp can thiệp của y học đã diễn ra ngày càng nhiều. Có thể năm nay anh xuất hiện trước mọi người là nam, năm sau đã trở thành một cô gái. Vậy, cần phải xác định lại giới tính trong những trường hợp khi đề cập đến nhân thân của họ, không hiểu vì lý do nào mà dự thảo luật không quy định về vấn đề xác định lại giới tính, đề nghị cần làm rõ.
Thứ hai, vấn đề đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn là những việc đã được đăng ký nhưng sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch đã bị mất hoặc hư hỏng, không sử dụng được thì đăng ký lại. Theo nội dung của dự thảo luật thì không quy định đăng ký lại việc sinh, tử, kết hôn, vì mọi thông tin đã đăng ký đã được cập nhật vào cơ sở dữ liệu. Nó sẽ lưu trữ vĩnh viễn, không bao giờ bị mất nên không phải thực hiện việc đăng ký lại. Tuy nhiên, cần lưu ý một điều, đó là khi luật này có hiệu lực thì việc lưu trữ trên cơ sở dữ liệu chỉ thực hiện được với những người khai sinh, khai tử, kết hôn từ thời điểm đó.
Còn việc đăng ký từ đó trở về trước hoàn toàn thủ công, thậm chí còn rất nhiều người cao tuổi có giấy khai sinh nhưng không có tên trong sổ đăng ký khai sinh, do sổ đã bị mất, rách nát, hoặc do trước đó cơ quan đăng ký chỉ cấp giấy mà không ghi vào sổ. Vấn đề của họ chỉ được phát hiện ra khi họ có sự kiện liên quan đến giấy tờ. Vậy, trong trường hợp này nếu tính vào thời điểm Luật hộ tịch có hiệu lực họ sẽ được giải quyết như thế nào khi chưa có tên trong sổ đăng kí khai sinh? Sẽ là đăng kí lại việc khai sinh hay đăng kí mới việc sinh? Nếu đăng kí mới theo tinh thần của luật thì xảy ra tình trạng một người có thể đăng kí hộ tịch nhiều lần về một nội dung.
Hai, về giải thích từ ngữ được quy định tại Điều 4 của dự thảo luật. Điều 4 của dự thảo luật đã giải thích những từ ngữ có liên quan đến việc đăng kí và quản lí hộ tịch như thay đổi hộ tịch, xác định lại dân tộc. Tuy nhiên, cùng đi với những từ ngữ này còn có các cụm từ như cải chính hộ tịch, bổ sung hộ tịch thì chưa được giải thích. Để có sự phân biệt giữa thay đổi hộ tịch, cải chính hộ tịch và bổ sung thông tin hộ tịch, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định về giải thích từ ngữ đối với cụm từ cải chính hộ tịch và bổ sung thông tin hộ tịch.
Ba, về vấn đề khai sinh được quy định tại mục 1, chương 2 của dự thảo luật. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3 của dự thảo Luật hộ tịch thì nội dung đăng kí hộ tịch gồm có khai sinh, kết hôn, giám hộ, nhận cha, mẹ, con, vv...Trong đó, tôi thấy rằng nội dung quy định về khai sinh và đăng kí khai sinh đã được đề cập tại Luật căn cước công dân. Vậy có nên quy định việc đăng kí khai sinh trong Luật hộ tịch nữa hay không? Thứ nhất, tôi đồng ý với ý kiến của nhiều đại biểu nhất trí quy định cấp thẻ căn cước công dân thay cho chứng minh nhân dân và được cấp ngay từ công dân sinh ra , góp phần đơn giản hoá thủ tục hành chính, giấy tờ công dân khó làm giả. Đồng thời phù hợp với xu hướng hiện đại trong quản lí nhà nước về dân cư như nhiều quốc gia đã thực hiện.
Thứ hai, theo quy định tại Điều 3 của Luật căn cước công dân thì căn cước công dân là thông tin cơ bản về gốc tích, đặc điểm nhân dạng của công dân theo quy định của luật này để xác định một người cụ thể và phân biệt người này với người khác. Tại Điều 20 của Luật căn cước cũng quy định thẻ căn cước bao gồm những nội dung về ngày, tháng, năm sinh, dân tộc, quê quán, nơi đăng kí thường trú, vv... khi xuất trình thẻ căn cước thì cơ quan, người có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin trên.
Thứ ba, với những thông tin cơ bản trên về căn cước và với sự phát triển của công nghệ thông tin thì những thông tin cá nhân được tích hợp vào dữ liệu quốc gia. Do vậy, những thông tin ở thẻ căn cước có thể hoàn toàn có thể sử dụng trong việc cấp phát các giấy tờ khác của cá nhân như hộ khẩu, thẻ bảo hiểm y tế, hộ chiếu, văn bằng, chứng chỉ,vv...
Vì những lí do nêu trên tôi đề nghị không quy định nội dung đăng kí khai sinh được quy định tại mục 1, chương 2 của dự thảo Luật hộ tịch mà thống nhất như dự thảo Luật căn cước công dân.