ĐBQH Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh): Cần điều chỉnh quy mô đầu tư phù hợp với khả năng nền kinh tế gắn với tình hình nợ công khi quy mô nợ công năm 2014 lên tới 60% GDP và 64% vào năm 2015
Thời gian gần đây Chính phủ đã nỗ lực để chấn chỉnh lại hoạt động đầu tư công. Nghị quyết số 11 năm 2011 của Chính phủ, trong đó có chủ trương cắt giảm đầu tư công. Chỉ thị số 1792 ngày 15.10.2011 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ và chủ trương kế hoạch đầu tư trung hạn, buộc các chủ đầu tư có tiền đến đâu, đầu tư đến đó. Trường hợp dùng vốn cấp trên phải được cấp trên đồng ý, khắc phục việc phê duyệt đầu tư vượt khả năng vốn trông chờ cấp trên không rõ nguồn vốn tiếp theo. Chỉ thị 14 ngày 28.6.2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản từ nguồn ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ. Chỉ thị số 27 ngày 27.12.2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư, các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước đã góp phần quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả. Do đã tuân thủ quy trình đầu tư cân đối khả năng vốn và quy mô xác định điểm dừng kỹ thuật, không khởi công công trình khi chưa rõ nguồn vốn... đã giúp vốn đầu tư GDP giảm từ 36,4% năm 2011 xuống còn 33% năm 2012, 30,4% năm 2013 và 30,1% năm 2014.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh chính sách đầu tư công không đơn giản chỉ dừng ở việc chấn chỉnh lại việc thực hiện chính sách mà cần xuất phát từ những nghiên cứu cơ bản của những nhà hoạch định chính sách về mục tiêu định hướng đối với hoạt động đầu tư công. Trong đó vấn đề cốt lõi của chính sách đầu tư công cần phải làm rõ đầu tư công là hoạt động vì mục đích công hay đầu tư của nhà nước có mục đích kinh doanh hay không có mục đích kinh doanh. Cần xác định mục tiêu đầu tư dựa trên vai trò của Nhà nước trong phát triển KT-XH chủ yếu cung cấp các dịch vụ hàng hóa công phục vụ dân sinh. Để tái cơ cấu có hiệu quả và thúc đẩy mục tiêu chuyển từ ổn định kinh tế vĩ mô sang phục hồi nền kinh tế, tôi đề nghị Chính phủ cần sớm ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai thực hiện Luật Đầu tư công, đồng thời để bảo đảm tính đồng bộ cần sớm xây dựng Luật Quy hoạch, sửa đổi Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định hướng dẫn về đầu tư trung hạn, quy định về hình thức đầu tư PPP, thay Quyết định số 71 ngày 9.11.2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thí điểm đầu tư theo hình thức đối tác công tư.
Về quy mô đầu tư công từ Trung ương đến địa phương cần điều chỉnh phù hợp với khả năng nền kinh tế gắn với tình hình nợ công khi quy mô nợ công năm 2014 lên tới 60% GDP và lên tới 64% vào năm 2015. Cần gắn đầu tư công với xây dựng thể chế quản lý và đánh giá hiệu quả đầu tư. Quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp tăng xã hội hóa các nguồn vốn BOT, PPP phù hợp với tầm nhìn dài hạn. Các khoản an sinh xã hội tuy là chi thường xuyên nhưng cũng có ý nghĩa đầu tư, chuyển dần từ phục vụ hành chính sang phục vụ dịch vụ.
ĐBQH Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang): Cần tạo lập thị trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững và môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, thông thoáng
Tính đến 29.8.2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,09% so với cuối năm 2013. Huy động vốn tăng 8,52% so với cuối năm 2013, trong đó huy động vốn bằng đồng Việt Nam tăng 9,94%. Tín dụng đối với nền kinh tế tăng 6,21%. Tình trạng huy động vốn vượt trần chạy đua lãi suất được khống chế. Mặt bằng lãi suất giảm nhanh, góp phần hỗ trợ cho doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong sản suất. Hệ thống ngân hàng thương mại tích cực trong công tác trích dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu.
Bên cạnh kết quả bước đầu nêu trên, quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cũng đối mặt với không ít thách thức, khó khăn như xử lý nợ xấu mới bắt đầu, nợ xấu vẫn chưa thể giảm bền vững. Theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, tính đến cuối tháng 7.2014, tổng nợ xấu nội bảng là 162.200 tỷ đồng, chiếm 4,11% trong tổng dư nợ, trong đó cuối năm 2013 tỷ lệ nợ xấu là 3,61%. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng có xu hướng tăng trong các tháng đầu năm 2014 do tình hình kinh tế vĩ mô chưa có nhiều tình hình cải thiện, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp còn khó khăn. Việc xử lý sở hữu chéo thời gian qua còn lúng túng, chưa hiệu quả, thậm chí còn có xu hướng diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo Đề án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015 có tới 24 giải pháp có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp xử lý sở hữu chéo, song kết quả đạt được rất thấp. Đến nay chỉ sáp nhập và hợp nhất hai trường hợp liên quan đến sở hữu chéo và có hai trường hợp được Ngân hàng Nhà nước chấp nhận sáp nhập và hợp nhất.
Để đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian tới, tôi đề nghị cần tạo lập thị trường kinh tế vĩ mô ổn định, bền vững và môi trường đầu tư, kinh doanh an toàn, thông thoáng, nhằm tạo điều kiện để phục hồi sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất kinh doanh trong nước, góp phần thực hiện tốt tăng trưởng kinh tế, nhằm ổn định và phát triển nền kinh tế của nước ta vốn đang gặp nhiều khó khăn.
Đẩy nhanh việc chuyển đổi và quy hoạch lại các dự án bất động sản khó có khả năng thực hiện trong tương lai bởi nhiều lý do khác nhau như thiếu vốn hoặc cung vượt quá cầu, nhằm giải quyết tình trạng đóng băng bất động sản - một trong những nguyên nhân chính gây vỡ nợ do không thể cân đối tài chính của người vay, gây ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn của ngân hàng.
Sớm sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành nhằm bảo đảm sự phù hợp, tính đồng bộ, nhất là trong các lĩnh vực như quản lý đất đai, phá sản doanh nghiệp, thi hành án dân sự và cơ chế thực thi pháp luật, tạo điều kiện để ngân hàng thực hiện tốt việc thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm nhanh chóng, nhằm hạn chế khắc phục dần tình trạng nợ đọng, nợ xấu của ngân hàng.
Việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua chỉ chú trọng nhiều đến vấn đề tái cơ cấu tài chính, chưa quan tâm nhiều đến tái cơ cấu quản trị và hoạt động. Do vậy, trong giai đoạn sắp tới cần chú trọng hơn đến vấn đề tái cơ cấu quản trị và hoạt động để hệ thống ngân hàng sau tái cơ cấu bảo đảm ổn định và phát triển bền vững, góp phần hoàn thành mục tiêu trước mắt và lâu dài trong việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.
Từng bước thực hiện có hiệu quả việc sáp nhập, hợp nhất và quản lý sở hữu chéo. Xử lý kịp thời và nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật, sở hữu chéo và lợi ích nhóm trong các tổ chức tín dụng bằng cách minh bạch hóa hệ thống thông tin, tỷ lệ và đối tượng sở hữu. Thậm chí cần phải cưỡng chế bằng biện pháp hành chính cũng như xử phạt nặng đối với cá nhân và tổ chức tín dụng tìm cách lách luật, lạm dụng vấn đề sở hữu chéo để vi phạm pháp luật, tư lợi cá nhân, thao túng thị phần, làm giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp cũng như các tổ chức tín dụng.
Cần đề cao hơn nữa nguyên tắc thị trường và kỷ cương, kỷ luật, an toàn trong hoạt động ngân hàng, nhằm góp phần xử lý kịp thời và triệt để các yếu kém trong hoạt động tín dụng và hệ thống tổ chức tín dụng.
ĐBQH Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng): Nếu các giải pháp không được triển khai đồng bộ thì việc xử lý nợ xấu không triệt để và không đạt được kết quả như mong muốn
Chính sách tiền tệ là chính sách giữ vai trò nòng cốt trong điều hành của Chính phủ, suốt thời kỳ khó khăn vừa qua đã được điều hành một cách linh hoạt, thận trọng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lấy lạm phát làm mục tiêu, tỷ giá cũng được điều hành một cách chủ động và ổn định nhằm định hướng cho thị trường. Tỷ giá trở nên dễ dự báo hơn nhờ đó đã nâng cao dần lòng tin vào đồng tiền Việt Nam. Đồng thời góp phần hỗ trợ xuất khẩu, một lĩnh vực đang được xem là điểm sáng của nền kinh tế. Vì vậy, tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng đã được triển khai quyết liệt, đúng hướng, đúng lộ trình và điểm sáng trong tái cấu trúc tổng thể nền kinh tế. Nhờ các biện pháp cơ cấu lại các tổ chức tín dụng cùng với điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, tăng cường quản lý thị trường tiền tệ, an toàn của hệ thống tín dụng được bảo đảm, nguy cỡ đổ vỡ, mất an toàn hệ thống đã được đẩy lùi, khả năng chi trả các tổ chức tín dụng được cải thiện. Tài sản nhà nước và tiền gửi của nhân dân được an toàn, chi trả đầy đủ, kịp thời, kể cả ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém phải cơ cấu lại. Người dân cũng tin tưởng vào chủ trương, chính sách cơ cấu lại các tổ chức tín dụng của Đảng và Nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng yếu kém chủ yếu bằng nguồn lực của khu vực tư nhân. Hệ thống ngân hàng vừa bảo đảm giữ an toàn, không giảm đầu tư làm gián đoạn cung cấp dịch vụ ngân hàng cho nền kinh tế trong quá trình cơ cấu lại. Những kết quả đạt được ban đầu về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng góp phần quan trọng trong việc ổn định hệ thống tài chính, kinh tế vĩ mô, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ điều hành chính sách tiền tệ và tạo cơ sở đẩy nhanh cơ cấu lại các tổ chức tín dụng trong giai đoạn tiếp theo. Đặc biệt, vì Thống đốc ngân hàng rất quyết liệt, các buổi tiếp xúc cử tri đều cử các ngân hàng đi theo để giải quyết những vướng mắc từ cơ sở cho doanh nghiệp, tôi cho rằng bộ nào cũng làm được như vậy thì rất hay.
Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức, có nguy cơ làm giảm hiệu quả, chậm lại tiến trình cơ cấu lại các tổ chức tín dụng còn nợ xấu:
Thứ nhất, khó khăn về kinh tế tài chính trong nước kéo dài, chậm được khắc phục làm suy giảm năng lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước. Thị trường bất động sản trầm lắng kéo dài, chậm được phục hồi vì vậy việc huy động vốn thu hút các nhà đầu tư trong nước tham gia tái cơ cấu xử lý nợ xấu của ngân hàng gặp nhiều khó khăn. Thứ hai, trong khuôn khổ pháp lý về dân sự, kinh tế, đầu tư, tài chính, ngân hàng còn nhiều bất cập, thiếu sự rõ ràng, minh bạch và đồng bộ, đồng thời cơ chế thực thi luật pháp có nơi, có lúc chưa bảo đảm nghiêm minh, công bằng, đặc biệt là chưa bảo vệ quyền lợi của chủ nợ. Trình tự, thủ tục xử lý tài sản tố tụng và thi hành án phức tạp, kéo dài gây tốn kém thời gian và chi phí cho tổ chức tín dụng. Tôi cho rằng giải quyết những hậu quả liên quan đến vấn đề tòa án và thi hành án là rất phức tạp mà ngân hàng rất kêu. Cho nên phải sửa đổi những vấn đề đó. Thứ ba, về xử lý hình sự, nhiều vụ án hình sự trong lĩnh vực kinh tế là đúng, tuy nhiên đặc biệt liên quan đến lĩnh vực ngân hàng cũng làm ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư, co cụm trong kinh doanh, hạn chế mạo hiểm, chấp nhận rủi ro và động lực sáng tạo của doanh nghiệp, của tổ chức tín dụng. Việc hình sự hóa trong lĩnh vực ngân hàng sẽ làm giảm khả năng thu hồi vốn, tài sản của Nhà nước và nhân dân, đồng thời cũng làm gia tăng chi phí tái cơ cấu. Thứ tư, trong chương trình tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu, về cơ bản Nhà nước không cấp tiền để xử lý những tổn thất, rủi ro của hệ thống ngân hàng. Song, cơ chế, chính sách khuyến khích huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu còn thiếu và chưa đủ hấp dẫn, chưa tạo thuận lợi để có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư tư nhân. Thứ năm, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan chức năng với Ngân hàng Nhà nước trong tái cơ cấu ngân hàng và xử lý nợ xấu chưa chặt chẽ và có hiệu quả. Thời gian qua kết quả đạt được về tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu chủ yếu do nỗ lực chủ động của ngành ngân hàng.
Về vấn đề xử lý nợ xấu, ngành ngân hàng và Ngân hàng nhà nước, các tổ chức tín dụng đã chủ động triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp kiềm chế nợ xấu gia tăng. Nhờ đó đã đem lại kết quả quan trọng bước đầu là nợ xấu đã được xử lý một bước, tốc độ tăng trưởng nợ xấu chậm lại, doanh nghiệp tiếp tục được vay vốn ngân hàng và lãi suất hợp lý, góp phần giảm bớt chi phí hoạt động cho khách hàng vay do không phải chịu lãi suất quá hạn và được vay với lãi suất thấp hơn. Đây là một giải pháp thực sự có ý nghĩa đối với cả doanh nghiệp và ngân hàng. Nợ xấu của hệ thống ngân hàng đã được Ngân hàng nhà nước xác định đúng bản chất, thực chất và cách xử lý nợ xấu để ra Quyết định 843 là hoàn toàn phù hợp. Kết quả xử lý nợ xấu đạt được đến nay tiếp tục ghi nhận sự cố gắng của các tổ chức tín dụng, nhất là trong điều kiện không có sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước, cơ chế, chính sách còn nhiều hạn chế, bất cập và nền kinh tế còn nhiều khó khăn.
Mô hình hoạt động của VAMC chưa từng có tiền lệ nhưng bước đầu đã phát huy hiệu quả tích cực trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng và hỗ trợ khó khăn cho khách hàng, khẳng định tính đúng đắn của việc lựa chọn công cụ này trong việc xử lý nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, chỉ với những cố gắng của ngành ngân hàng trong xử lý nợ xấu là chưa đủ, vì nợ xấu là vấn đề của nền kinh tế, đòi hỏi cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực của các cơ quan, bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Đặc biệt là việc phục hồi hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ trong xây dựng cơ bản, thúc đẩy đầu tư tiêu dùng, tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản. Nếu các giải pháp nêu trên không được triển khai đồng bộ thì việc xử lý nợ xấu không triệt để và không đạt được kết quả như mong muốn.
ĐBQH Phạm Hồng Phong (Hậu Giang): Phải có một nguồn lực nhất định để tham gia vào tái cơ cấu nền kinh tế và nợ xấu
Thực hiện Nghị quyết số 10 ngày 8.11.2011 của QH về kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm của 2011-2015, Chính phủ đã triển khai thực hiện nhiệm vụ, cơ cấu, tổng thể lại nền kinh tế, tập trung cho ba lĩnh vực quan trọng, trong đó có trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại. Theo chủ trương này thì Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã tiên phong thực hiện Nghị quyết của QH về tái cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, ban hành một số chính sách quản lý về điều chỉnh chính sách tiền tệ, quản lý ngoại hối, quản lý thị trường vàng... Những chính sách này đã ra đời góp phần kiềm chế lạm phát, tạo điều kiện hỗ trợ cho phục hồi kinh tế ổn định, kinh tế vĩ mô về lâu dài các chính sách của ngân hàng đã hướng tới hỗ trợ cho nền kinh tế phát triển bền vững cho những năm tiếp theo.
Về xử lý nợ xấu, từ năm 2012 đến tháng 8.2014, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được 214.000 tỷ đồng. Bên cạnh những kết quả mà hệ thống ngân hàng đã đạt được, nợ xấu đã tác động đến nền kinh tế của nước ta trong giai đoạn qua là không nhỏ với nhiều nguyên nhân. Đó là hiệu quả sử dụng vốn đầu tư kém, đồng nghĩa với năng suất lao động của Việt Nam còn thấp. Việc nới rộng tín dụng nhiều năm dẫn đến nhiều siêu dự án đặc biệt là các dự án bất động sản khiến thị trường phát triển quá nóng, có những dự án có thể cung cấp chỗ ở cho cả nước đến năm 2050. Từ đó chúng ta phải thắt chặt tín dụng các dự án đang dang dở, không có tiền để triển khai hoặc nếu có tiền triển khai thì cũng không bán cho ai được. Chúng ta chưa có kinh nghiệm xử lý về nợ xấu, trong khi các chế tài, các chế định tài chính của nước ta chưa đạt yêu cầu.
Về sức chịu đựng trước các biến động của nền kinh tế trong khi tăng trưởng kinh tế của nước ta, trong thời gian qua chủ yếu tăng trưởng phụ thuộc vào việc tăng vốn đầu tư và tăng trưởng tín dụng. Cải cách thể chế về kinh tế còn chậm và cải cách hành chính tuy đã thực hiện nhiều năm nhưng kết quả chưa thu được nhiều. Thị trường bất động sản chuyển biến chậm, tồn kho lớn, trong khi nhu cầu của một bộ phận nhân dân quan tâm đến nhà ở thu nhập thấp vẫn chưa đạt được, chưa đáp ứng được. Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, đã thành lập Công ty quản lý tài sản VAMC để góp phần xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tôi vẫn còn băn khoăn nợ xấu của năm 2015 sẽ tăng lên. Dự báo năm 2015 có khoảng 60.000 doanh nghiệp sẽ vắng mặt trên thị trường. Lấy bình quân một doanh nghiệp là 20 lao động, nếu 60.000 doanh nghiệp phá sản thì sẽ có 1,2 triệu lao động sẽ thất nghiệp và nợ xấu cũng sẽ tăng.
Từ những phân tích trên tôi đề nghị Chính phủ phải có những giải pháp quyết liệt hơn trong tái cơ cấu nền kinh tế trên 3 lĩnh vực. Quan trọng là cơ cấu lại đầu tư, trọng tâm là cơ cấu đầu tư công; cơ cấu lại thị trường tài chính, trọng tâm là cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính; cơ cấu lại doanh nghiệp, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.
Về xử lý nợ xấu, tôi đề nghị đưa các tổ chức tín dụng hoạt động theo chuẩn mực quốc tế, các tiêu chí cho vay và đánh giá tài sản bảo đảm theo tiêu chuẩn. Giải quyết nợ xấu cần phải có nguồn lực, nguồn lực ít sẽ xử lý nợ xấu kéo dài và ngược lại nếu nguồn lực lớn sẽ giải quyết nợ xấu nhanh hơn. Do đó phải có một nguồn lực nhất định để tham gia vào tái cơ cấu nền kinh tế và nợ xấu. Theo tôi phải lấy nguồn lực trong cổ phần hóa các ngân hàng thương mại, hiệu quả mang lại trong quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và các nguồn vốn khả dụng khác.
ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên): Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến quá trình tái cơ cấu kinh tế
Tôi tán thành với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của UBTVQH giám sát việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế. Tuy nhiên, Báo cáo của UBTVQH cũng đã nêu những tồn tại, hạn chế của quá trình tái cơ cấu. Tôi xin được phân tích làm rõ thêm một số nội dung.
Thứ nhất, khó nhìn nhận, đánh giá, khó theo dõi, giám sát vì mục tiêu tái cơ cấu còn rất chung chung. Tại Kỳ họp thứ Tư, QH Khóa XIII đã thảo luận, cho ý kiến về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế do Chính phủ trình. Quá trình thảo luận nhiều đại biểu cho rằng đề án nêu mục tiêu, giải pháp còn quá chung chung, thiếu những chỉ tiêu cụ thể cần phấn đấu đạt được. Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện đề án cho thấy ý kiến của ĐBQH là có cơ sở. Đề án tái cơ cấu nền kinh tế đề cập đến nhiều lĩnh vực của nền kinh tế với lộ trình thực hiện khá dài, giai đoạn 2011-2020 và định hướng đến năm 2030, nhưng thiếu sự lượng hóa mục tiêu, chỉ tiêu cho từng năm và từng giai đoạn. Do vậy sẽ không có cơ sở để nhìn nhận, đánh giá mức độ, kết quả đạt được cũng như mặt tồn tại, hạn chế so với mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Đến thời điểm QH giám sát hôm nay, chúng ta đã đi được 1/3 thời gian của quá trình tái cơ cấu, nhưng hiệu quả mang lại thế nào khó phân định. Ngay cả Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH cũng không có cơ sở để đưa ra những số liệu phân tích, so sánh hiệu quả mang lại của tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua. Một khi mục tiêu, chỉ tiêu thiếu sự lượng hóa thì việc nhìn nhận, đánh giá mặt được và chưa được của từng giai đoạn thực hiện tái cơ cấu cũng sẽ rất chung chung, thiếu cơ sở để xác định và ràng buộc trách nhiệm. Chính điều này dễ tạo ra tâm lý chủ quan, ỷ lại trong quá trình triển khai thực hiện đề án, còn ĐBQH và cử tri thì rất khó theo dõi, giám sát vì tất cả đều rất chung chung.
Thứ hai, thiếu sự đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện tái cơ cấu. Tái cơ cấu nền kinh tế là yêu cầu mang tính khách quan, cần thiết và cấp bách, xuất phát từ thực trạng khó khăn của nền kinh tế. Quá trình triển khai thực hiện đòi phải phải có một sự phối hợp đồng bộ, quyết liệt từ Trung ương đến địa phương, từ nghị quyết, chủ trương đến hành động cụ thể. Thực tế cho thấy để tái cơ cấu nền kinh tế có hiệu quả phải dựa trên cơ sở hệ thống pháp luật đồng bộ. Tuy nhiên, nhiều luật liên quan trực tiếp đến quá trình tái cơ cấu chưa được ban hành hoặc đã ban hành nhưng chưa có hiệu lực, hoặc có hiệu lực nhưng chưa có văn bản hướng dẫn thi hành. Chúng ta muốn có sự đổi mới, đột phá trong quá trình tái cơ cấu, nhất là quản lý đầu tư công nhưng luật pháp chưa được sửa đổi, bổ sung, ban hành để thể chế hóa yêu cầu này thì mong muốn khó có thể thực hiện được.
Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH còn cho thấy nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thật sự quan tâm, chú trọng đến quá trình tái cơ cấu kinh tế. Báo cáo kết quả giám sát nêu: sự phối hợp giữa các ngành, lĩnh vực ở Trung ương và giữa Trung ương với địa phương còn lúng túng và thiếu đồng bộ. Thực tế này đặt ra câu hỏi vì sao việc triển khai thực hiện một đề án lớn, quan trọng, mang tầm vóc quốc gia như vậy mà khi thực hiện sự phối hợp ở Trung ương và địa phương còn lúng túng và thiếu đồng bộ? Phải chăng còn có nhiều vướng mắc từ trong những nội dung của đề án, cũng như từ quá trình triển khai thực hiện. Đề nghị Chính phủ cần nhìn nhận, đánh giá thực tế này để có biện pháp khắc phục.
Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý còn buông lỏng. Lãnh đạo mà không kiểm tra, coi như không lãnh đạo. Vấn đề này, Báo cáo của Chính phủ nhận định: công tác kiểm tra, kiểm soát, thanh tra chưa được quan tâm đúng mức, xử lý không nghiêm, nên không những gây ra nợ đọng xây dựng cơ bản kéo dài mà còn gây thất thoát, lãng phí, giảm hiệu quả đầu tư xây dựng cơ bản. Báo cáo kết quả giám sát của UBTVQH nêu: công tác kiểm tra, đôn đốc, quy trách nhiệm và xử lý chưa được thường xuyên và nghiêm túc. Thực trạng nêu trên dẫn đến hệ quả là nhiều tồn tại, hạn chế, yếu kém trong quá trình đầu tư công, tái cơ cấu nền kinh tế được phát hiện nhưng chậm xử lý. Xin nêu dẫn chứng cụ thể:
Một là, nợ đọng xây dựng cơ bản diễn ra khá phổ biến ở nhiều bộ, ngành, địa phương và trong thời gian dài, nhưng cho đến nay vẫn chưa khắc phục triệt để. Số liệu Báo cáo Chính phủ cho thấy tính đến tháng 6.2014, nợ xấu xây dựng cơ bản là 44.599 tỷ đồng. Báo cáo nêu tên 16 tỉnh, thành có số nợ đọng xây dựng cơ bản lớn, cá biệt có tỉnh số nợ đọng này trên 3.800 tỷ đồng, con số này cao gấp nhiều lần so với tổng thu ngân sách địa phương trong một năm. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước trì hoãn việc xây dựng đề án, trừ một ít bộ trưởng quyết liệt đòi kỷ luật nếu làm chậm như Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, còn lại đều thiếu quan tâm. Chủ trương thoái vốn đầu tư trái ngành ở nhiều tập đoàn, tổng công ty cũng rất chậm.
Hai là việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư công luôn được nhìn nhận, đánh giá là có nhiều tồn tại và phát sinh tiêu cực. Nhưng quá trình tái cơ cấu đầu tư công thực tế này vẫn chưa được khắc phục. Báo cáo của Chính phủ nêu các dự án điều chỉnh quyết định đầu tư còn diễn ra phổ biến ở các bộ, ngành và địa phương. Tái cơ cấu nền kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng là vấn đề lớn, hệ trọng, là quyết tâm chính trị của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và luôn là sự quan tâm, kỳ vọng của cử tri cả nước. Có những yếu tố khách quan, tác động bất lợi đến quá trình tái cơ cấu, làm ảnh hưởng đến kết quả đạt được thì chúng ta có thể chia sẻ và chấp nhận. Nhưng có những tồn tại, hạn chế xuất phát từ yếu tố chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành. Nhất là tồn tại hạn chế này cứ lặp đi, lặp lại nhiều lần trong nhiều lĩnh vực, trong nhiều Báo cáo của Chính phủ như công tác thanh tra, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức, cải cách thể chế, cải cách hành chính còn chậm, kỷ luật, kỷ cương không nghiêm sẽ là nguyên nhân chủ yếu trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế kém hiệu quả và làm cho người dân thiếu tin tưởng vào quá trình tái cơ cấu. Thực trạng này có nguyên nhân từ đâu, dựa vào đâu mà tồn tại dai dẳng như vậy? Đề nghị Chính phủ sớm có biện pháp khắc phục.