ĐBQH Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông: Cần giao hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo

05/11/2014

Để góp phần hoàn thiện dự thảo Luật giáo dục nghề nghiệp và bám sát vào gợi ý của Đoàn thư ký, tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:

Đại biểu Quốc hội Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông phát biểu ý kiến

Nội dung thứ nhất, về tên gọi của dự thảo luật, tôi nhất trí và vẫn giữ nguyên quan điểm khi góp ý dự thảo Luật dạy nghề tại Kỳ họp thứ 7 vừa qua là đề nghị đổi tên Luật dạy nghề thành Luật giáo dục nghề nghiệp để phù hợp với Luật giáo dục hiện hành và nhất là phù hợp với Hiến pháp sửa đổi năm 2013 như nội dung báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây.

Nội dung thứ hai, về phạm vi điều chỉnh đối tượng áp dụng, trước hết nói về chính sách của nhà nước về phát triển giáo dục nghề nghiệp như dự thảo luật đã biên soạn, trong đó có một ý rất hay là phát triển giáo dục nghề nghiệp thông qua việc xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, cụ thể là xác định quyền, trách nhiệm của doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp. Để làm rõ vấn đề, tôi xin nêu cụ thể một ví dụ nhỏ ngoài thực tiễn, có những công nhân khi đi xin việc chỉ cần kê khai đã từng làm việc tại một công ty, một xí nghiệp nào đó là được công ty, xí nghiệp ấy nhận vào làm việc ngay. Vấn đề ở đây chính là việc giáo dục nghề nghiệp không chỉ xảy ra ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, là trung tâm giáo dục nghề nghiệp, trường trung cấp, trường cao đẳng, mà thực chất việc giáo dục nghề nghiệp diễn ra ngay ở trong chính doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất kinh doanh.

Từ nội dung trên, tôi cho rằng để tạo điều kiện cho người lao động đang làm việc tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dự thảo luật nên mở rộng hình thức kiểm tra, thi và cấp chứng chỉ giáo dục nghề nghiệp theo hình thức thí sinh tự do, đối với chứng chỉ sơ cấp trong Điều 39, dự thảo luật. Do đó, khi nghiên cứu nội dung này, tôi thấy dự thảo luật cần phải làm rõ và tách bạch:

Một là quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp là cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Hai là quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp có thể tự đào tạo được lao động có tay nghề thông qua quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Để người lao động có điều kiện tham gia thi tay nghề dưới hình thức thí sinh tự do.

Ba là quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tôi chưa biết định nghĩa như thế nào nhưng ở Điểm 1, Điều 53, dự thảo luật đã viết là "Cung cấp thông tin về nhu cầu đào tạo sử dụng lao động của doanh nghiệp theo nghề và nhu cầu tuyển dụng lao động hàng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp". Như vậy, cần phải phân biệt rõ các doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp để có chính sách áp dụng cho thỏa đáng. Có thể viết như thế nào đó, nhưng theo tôi cần trình bày lại Chương IV gồm 3 điều, từ Điều 52, 53 theo loại hình của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp để phân biệt rõ quyền và trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp, đó là: Doanh nghiệp là cơ sở giáo dục nghề nghiệp, Doanh nghiệp vừa hoạt động sản xuất kinh doanh vừa đào tạo nghề. Doanh nghiệp chỉ đơn thuần sản xuất kinh doanh có nhu cầu lao động có tay nghề.

Nội dung thứ ba, tôi xin được đóng góp là về cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp. Xin thú thật là cảm giác của tôi từ khi mới bắt đầu đọc dự thảo Luật giáo dục nghề nghiệp và cho đến giờ phút này cảm giác đó vẫn còn, giáo dục nghề nghiệp là sự nghiệp của giáo dục, bởi vì có người học, có giáo viên, có tín chỉ học phần, có trường, lớp, có tuyển sinh, học phí, có giáo trình v.v... Tất cả mọi nội dung, mọi vấn đề đều quen thuộc ở môi trường giáo dục cho sự nghiệp giáo dục.

Trên thực tế, có nhiều vấn đề dễ nhận thấy là có sự chồng chéo trong công tác quản lý giáo dục nghề nghiệp. Dễ thấy nhất là ở các trường đại học thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có đào tạo dạy nghề hệ trung cấp. Ngược lại ở các trường đào tạo nghề cũng liên kết đào tạo đại học. Do đó, theo tôi cần giao hoạt động giáo dục nghề nghiệp cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là hợp lý nhất, bởi các lý do sau:

Một là thống nhất trong quản lý về giáo dục và đào tạo đối với tất cả các cấp, bậc học và các trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân. Bộ Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm trước xã hội thực hiện chức năng đào tạo nguồn nhân lực từ ngành nghề có trình độ đơn giản đến ngành nghề có trình độ cao, nghĩa là cung ứng lao động có trình độ cho xã hội. Việc gắn kết giữa lao động qua đào tạo và có việc làm khi giao cho ngành lao động, thương binh và xã hội quản lý nhà nước về dạy nghề cần phải có tổng kết cụ thể.

Hai là tập trung vào một đầu mối sự nghiệp giáo dục, sẽ giải quyết được một số hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn là tình trạng phân tán, chồng chéo, chia cắt trong quản lý, dàn trải, lãng phí trong đầu tư, phân bổ nguồn lực cho giáo dục, khó khăn trong tổ chức thực hiện đào tạo, vướng mắc trong việc chuẩn hóa các trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân.

Ba là chuyển quản lý nhà nước về hoạt động giáo dục nghề nghiệp sang cho Bộ Giáo dục và Đào tạo, có làm cho khối lượng công việc ở Bộ này có tăng lên, nhưng quan trọng hơn là đúng chức năng quản lý. Nếu thực hiện đúng chức năng, đúng bản chất sự việc thì dù khối lượng công việc có nhiều cũng sẽ giải quyết suôn sẻ, thuận lợi. Nếu không đúng chức năng thì công tác quản lý sẽ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Vấn đề cuối cùng, qua ý kiến từ sáng đến giờ của các đại biểu trước tôi, tôi rất đồng tình với nhiều ý kiến và có nhiều ý kiến đề đạt, gửi gắm, Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng nên quyết định và cho lấy phiếu ý kiến trưng cầu cơ quan nào sẽ là cơ quan chủ quản quản lý nhà nước về luật này. Cũng nên cân nhắc, nghiên cứu thêm ý kiến của đại biểu Diệu đoàn Quảng Bình về thời gian. Đại biểu Diệu đã phân tích rất kỹ liên quan tới các cơ quan chủ quản quản lý nhà nước và thời gian thông qua dự thảo luật này để khi luật ra đời sẽ đi vào thực tiễn, đời sống.

ĐBQH Tôn Thị Ngọc Hạnh - Đắk Nông

Các bài viết khác