Về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, theo dự thảo Luật, thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh; thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư là Sở Kế hoạch và Đầu tư hoặc Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, trong khi nội dung chấp thuận chủ trương đầu tư và nội dung giấy chứng nhận đăng ký đầu tư có thể nói là không có gì khác nhau. Cơ quan cấp dưới Sở Kế hoạch và Đầu tư chỉ ghi nhận lại những quyết định đã có của cơ quan cấp trên, khoản 8, Điều 33 và Điều 39 của dự thảo Luật. Việc đăng ký đầu tư thực hiện ở cấp dưới đã bị trùng về nội dung và kéo dài thêm về thời gian thực hiện thủ tục. Ở đây có thể hiểu giấy chứng nhận đầu tư của cấp dưới có thay thế được chủ trương đầu tư của cấp trên hay không? Chủ trương đầu tư có tính chất pháp lý hay không? Do đó, tôi đề nghị quy định theo hướng không thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án đầu tư có vốn đầu tư nước ngoài đã được chấp nhận chủ trương đầu tư, trừ trường hợp nhà đầu tư có yêu cầu. Đối với các dự án đầu tư nước ngoài không thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư thì mới thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Liên quan về chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư trong nước, theo dự án Luật thì dự án đầu tư trong nước không phải thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tức là theo dõi việc triển khai thực hiện dự án đầu tư trong nước sẽ dựa trên quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, dự thảo Luật không đề cập đến các vấn đề về điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, thu hồi chủ trương đầu tư, giãn tiến độ thực hiện dự án theo chủ trương đầu tư mà chỉ quy định về giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Do đó, tôi đề nghị quy định cụ thể nội dung này trong dự thảo Luật.