Bộ luật Dân sự là luật nền

26/11/2014

Tiếp tục Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII, sáng 25/11, QH thảo luận tại Hội trường về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu điều khiển buổi làm việc.

Thảo luận về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi), ĐBQH tập trung cho ý kiến vào mục tiêu, quan điểm sửa đổi của bộ luật; bố cục dự thảo bộ luật; về quyền con người, quyền công dân trong các lĩnh vực đời sống dân sự; về hình thức sở hữu; về các loại pháp nhân… 

Về đối tượng điều chỉnh của dự thảo LuậtĐBQH Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, Bộ luật Dân sự là bộ luật nền. Tuy nhiên, thời gian qua, những luật chuyên ngành lấn dần còn quan hệ Luật Dân sự hẹp quá, thậm chí là mâu thuẫn. Đại biểu cho rằng, quan điểm của Ban soạn thảo chưa dứt khoát rõ việc đặt Bộ luật Dân sự làm nền. Nếu chúng ta xem là nền để xây dựng hệ thống pháp luật bền vững, hàng trăm năm mới phải sửa, thì cái gì lấn nó thì sửa, chứ không nên sửa phần nền. Thực tế có rất nhiều luật lấn sân luật dân sự. Đồng tình với các nguyên tắc xây dựng luật, đại biểu đề nghị cần phải làm rõ nguyên tắc: Bất động sản và các tài sản mà pháp luật quy định phải đăng ký, việc chiếm hữu không suy đoán là sở hữu. Cái xe ở nhà của anh, không suy đoán của anh, vì xe có đăng ký. Cái nhà anh đang ở không thể suy đoán là của anh được, nếu như anh chưa có đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch của Luật Dân sự, nhưng hiện chúng ta đang vi phạm nguyên tắc này ở Luật Nhà ở, đại biểu Trần Du Lịch lưu ý.
 
Về kết cấu của dự thảo luậtĐBQH Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cho rằng dự thảo có một số điều chỉnh không thực sự cần thiết; trong khi có thể lại gây ra xáo trộn lớn về hệ thống pháp luật tư. Về kết cấu phần tài sản và quyền sở hữu, dự thảo Luật đã kết cấu lại toàn bộ chế định này theo hướng tách vấn đề tài sản để đưa vào phần chung còn quyền sở hữu thì phân định lại theo vật quyền và trái quyền. Trong vật quyền thì lại quy định theo hai trục riêng gồm chủ sở hữu và chủ sở hữu không phải quyền sở hữu. Đại biểu cho rằng, với hệ thống pháp luật của Việt Nam còn non trẻ cần tiếp tục tổng kết những vấn đề thực tiễn và cần có những thiết kế rõ ràng quen thuộc thì việc đảo lộn các quy định như thế là không thích hợp nếu không nói là khá rủi ro đặc biệt là xét về góc độ của nó đến hệ thống pháp luật chuyên ngành. Về vấn đề sử dụng các thuật ngữ mới. Dự thảo đề xuất sử dụng các thuật ngữ mới thay thế cho các khái niệm hiện đang sử dụng rất phổ biến. Đại biểu Vũ Tiến Lộc đề nghị cần thống nhất quan điểm xây dựng Bộ luật Dân sự sửa đổi, với các nội dung đã được áp dụng ổn định, không gây vướng mắc không phát sinh khó khăn cấp cập gì trong thực tiễn áp dụng thì nên giữ nguyên để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật tư; đề nghị Ban soạn thỏa rà soát lại tất cả các nội dung của bản dự thảo để điều chỉnh lại theo tiêu chí này. 
 
ĐBQH Tôn Thị Ngọc Hạnh (Đăk Nông) đặt vấn đề, ngoài cá nhân, pháp nhân thì đối tượng điều chỉnh của dự thảo Luật Dân sự còn có hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân như tại điều 117, chương 6 đã nêu. Vì vậy, nên khẳng định điều này ngay từ điều luật đầu tiên để bảo đảm tính logic. Bởi theo dự thảo Bộ luật, rất nhiều điều luật ở chương 1 chỉ khẳng định đối tượng điều chỉnh liên quan đến cá nhân, pháp nhân, không quan tâm đến quan hệ dân sự của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức không có tư cách pháp nhân. Bên cạnh đó, nên sắp xếp điều mục phân loại pháp nhân sau quy định khái niệm pháp nhân. Về địa vị pháp lý của hộ gia đình trong quan hệ dân sự, đại biểu cho rằng, cần quy định rõ ràng và chặt chẽ, nhất là quan hệ giao dịch dân sự về tài sản trong hộ gia đình. Cần vận dụng đầy đủ nội dung về đại diện, ủy quyền có tính lâu dài vào quan hệ gia đình. Nếu cần thiết thì quy định cả thủ tục pháp lý để xác định để tránh xảy ra rắc rối khi chỉ dựa vào mối quan hệ tình cảm hộ gia đình. 
 
Về bảo vệ quyền lợi của người thứ ba ngay tình khi giao dịch dân sự vô hiệu, ĐBQH Lù Thị Lừu (Lào Cai) cho rằng, quy định như dự thảo Bộ luật chưa bảo đảm quyền dân sự của công dân, còn xem nhẹ chủ sở hữu đích thực, nhất là đối tượng giao dịch được lưu truyền nhiều đời… Đại biểu đề nghị việc bảo vệ người thứ ba ngay tình cần giữ như luật hiện hành. Chỉ sửa đổi, bổ sung khoản 2, điều 138, Bộ luật Dân sự 2005 như sau: Trong trường hợp giao dịch là bất động sản hoặc động sản phải đăng ký quyền sở hữu đã được chuyển giao bằng một giao dịch khách cho người thứ ba ngay tình thì giao dịch với người thứ ba vô hiệu, trừ trường hợp người thứ ba ngay tình nhận được tải sản này thông qua bán đấu giá theo đúng quy định của pháp luật hoặc giao dịch với người mà theo bản án, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ sở hữu tài sản. 
 
Góp ý vào quy định này, ĐBQH Đặng Công Lý (Bình Định) cho rằng, nếu quy định như dự thảo luật, quyền lợi của người thứ ba ngay tình sẽ không được bảo vệ khi chủ sở hữu đòi lại động sản không phải đăng ký do người chiếm hữu ngay tình có được thông qua hợp đồng không có đền bù và trường hợp động sản đó bị lấy cắp bị chiếm hữu ngoài ý chí của chủ sở hữu là không hợp lý. Thứ hai liên quan đến quy định việc đòi lại động sản của chủ sở hữu tại điều 184, Cơ quan soạn thảo nên bổ sung thêm quy định hạn chế quyền đòi lại tài sản của chủ sở hữu. Nếu người thứ ba ngay tình chiếm hữu tài sản liên tục công khai trong thời hạn 10 năm thì chủ sở hữu tài sản không được quyền đòi lại tài sản, để thống nhất với quy định tại điều 175 dự thảo quy định người chiếm hữu người được lợi về động sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình liên tục công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu.
 
Liên quan đến quy định pháp nhân trong dự thảo Bộ luật, đại biểu Trần Du Lịch đề nghị cần phải phân loại hai loại pháp nhân là pháp nhân công và pháp nhân tư. Về pháp nhân công, làm rõ hai loại: pháp nhân công quyền và pháp nhân phi công quyền (pháp nhân thương mại). Tức là QH, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, chính quyền địa phương… là pháp nhân công quyền. Còn những tổ chức xã hội như trường học, bệnh viên là pháp nhân phi công quyền. Liên quan đến thời điểm xác lập quyền sở hữu, đối với vấn đề bất động sản, thời điểm xác lập quyền sở hữu là thời điểm đăng ký nộp thuế trước bạ. Ba quyền của bất động sản là quyền chiếm hữu, quyền hưởng lợi và quyền định đoạt. Về hình thức sở hữu, đại biểu đề nghị phương án hai hình thức sở hữu là sở hữu chung và sở hữu riêng. Chúng ta có sở hữu toàn dân, là hình thức rộng nhất của sở hữu chung đã được Hiến định, và đại diện sở hữu chung này là Nhà nước. Đề nghị không đặt riêng một cái khác, mà theo nguyên tắc đó, vẫn bảo đảm được tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm được thể chế chính trị mà vẫn tuân thủ hoàn toàn nguyên tắc hai loại sở hữu. Về chủ thể sở hữu, nên sử dụng hai chủ thể rõ ràng là pháp nhân và thể nhân. Về thuộc tính của quyền sở hữu, đề nghị thuộc tính của quyền hữu gồm quyền chiếm hữu, quyền hưởng lợi và quyền định đoạt. 
 
Thời hiệu khởi kiện về thừa kế  trong dự thảo Bộ luật, đại biểu Lù Thị Lừu (Lào Cai) bày tỏ thống nhất cao đối với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật rằng quan hệ thừa kế là quan hệ có tính chất huyết thống, gia đình và luôn có thay đổi qua nhiều thế hệ. Nếu bỏ thời hiệu này, sẽ dẫn tới hệ quả là các giao dịch dân sự đối với tài sản thừa kế có được pháp luật thừa nhận, bảo đảm hay không? Khi bất cứ lúc nào tài sản này cũng có thể là đối tượng tranh chấp. Thực trạng hiện nay, việc tranh chấp về tài sản thừa kế ngày càng nhiều, một trong các vấn đề chú ý để bảo vệ quyền lợi của mình trong tranh chấp là thời hiệu khởi kiện. Vì vậy, việc quy định nguyên tắc xác định thời hiệu khởi kiện thừa kế là vô cùng cần thiết và rất quan trọng để tránh các tranh chấp và rủi ro không đáng có. Đại biểu đề nghị không bỏ quy định thời hiệu khởi kiện để xác định quyền thừa kế mà cần phải sửa đổi, bổ sung luật theo hướng kéo dài thời hiệu này hơn so với luật hiện hành. Như vậy, vừa có tác dụng cho tòa án trong việc trong giải quyết vụ việc dân sự, đồng thời kéo dài được thời gian hưởng quyền lợi của các chủ thể được hưởng quyền thừa kế so với luật hiện hành. 

Trước đó, với tỷ lệ 84,10% ĐBQH tán thành, QH đã thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi hành án dân sự.

+ Buổi chiều, QH làm việc tại Hội trường, biểu quyết thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Ngân sách nhà nước (sửa đổi).

(Theo Đại biểu Nhân dân)