Nơi nào có UBND thì nhất định phải có HĐND

05/12/2014

Đánh giá về Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIII, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau Trương Minh Hoàng cho rằng Kỳ họp đã được chuẩn bị chu đáo về phần nội dung cũng như cách thức bố trí, sắp xếp chương trình hợp lý, khoa học, tạo được không gian dân chủ để ĐBQH bày tỏ chính kiến. Với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, một trong những dự án luật được nhiều ĐBQH quan tâm, đóng góp ý kiến, thì việc tăng thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương, bảo đảm nguyên tắc ở các cấp chính quyền địa phương, nơi nào có UBND thì nhất định phải có HĐND.

 

- Kỳ họp thứ Tám là kỳ họp thứ hai triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013. Riêng với công tác xây dựng pháp luật, QH đã xem xét, thông qua 18 luật, 11 nghị quyết và cho ý kiến lần đầu 12 dự án luật. Đại biểu nhìn nhận như thế nào về chất lượng và hiệu quả hoạt động của QH tại Kỳ họp vừa qua?

- Kỳ họp thứ Tám là một trong những kỳ họp có thời gian làm việc khá dài so với các kỳ họp trước, được chuẩn bị chu đáo về phần nội dung cũng như cách thức bố trí, sắp xếp chương trình hợp lý, khoa học. Chính vì vậy, QH đã hoàn thành tất cả nội dung chương trình đề ra và hầu như không phải điều chỉnh nhiều trong quá trình diễn ra kỳ họp. Đối với công tác xây dựng pháp luật, các ĐBQH có sự đóng góp ý kiến, phân tích kỹ với tinh thần trách nhiệm cao, từ khâu chuẩn bị, cho ý kiến đến thông qua các dự án luật. Trong đó có nhiều dự án luật lớn, quan trọng mà để thông qua được thì trước đó đã được ĐBQH trao đổi khá quyết liệt trong các phiên làm việc ở tổ cũng như ở hội trường.

Về tình hình KT-XH, QP-AN năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015, tôi ghi nhận và đánh giá cao kết quả làm việc cũng như quyết tâm của Chính phủ cùng các bộ, ngành, Trung ương, địa phương trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2014 theo Nghị quyết của QH. Với những kết quả khá toàn diện, tôi cho rằng, Kỳ họp thứ Tám đã thành công.

- Liên quan đến công việc của Chính phủ và các thành viên Chính phủ, tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua, QH đã tăng thời lượng dành cho chất vấn và trả lời chất vấn, 3 ngày thay vì hai ngày rưỡi như các kỳ họp trước, dành thêm thời gian cho ĐBQH và các Bộ trưởng, trưởng ngành trao đổi, làm rõ những vấn đề cử tri quan tâm, lo lắng. Ý kiến của Đại biểu về hoạt động này như thế nào?  

- Nội dung những vấn đề đưa ra chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua khá cụ thể và ngắn gọn hơn so với những kỳ chất vấn trước. Ở các phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ Tám, mỗi ĐBQH có 2 phút để đưa ra câu hỏi chất vấn Bộ trưởng, trưởng ngành, thay vì 3 phút như các kỳ chất vấn trước. Quy định này cũng hợp lý, bởi tôi thấy cũng ít ĐBQH nào nêu chất vấn quá 2 phút. Hầu hết nội dung câu hỏi chất vấn đều đi đúng trọng tâm, ngắn gọn theo yêu cầu của Chủ tọa điều hành phiên chất vấn. Qua trao đổi, tôi thấy các ĐBQH cũng tương đối hài lòng với các phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng, trưởng ngành, không có tình trạng né tránh trách nhiệm. Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên một số Bộ trưởng cũng chưa trả lời được hết các ý chất vấn của ĐBQH.

- Tại Kỳ họp thứ Tám, tiếp tục nhiệm vụ triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013, cùng với việc xem xét, thông qua dự án Luật Tổ chức QH (sửa đổi), QH đã cho ý kiến lần đầu đối với nhiều dự án Luật về tổ chức bộ máy nhà nước như dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật Tổ chức chính quyền địa phương… Ý kiến của Đại biểu về các dự án Luật này như thế nào?

- Tôi đánh giá cao tinh thần và chất lượng công việc của UBTVQH cũng như Ban soạn thảo các dự án luật trong việc tiếp thu ý kiến đóng góp của các ĐBQH trong các phiên thảo luận ở tổ và hội trường, nhất là với các dự án luật lớn, khó như dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương... Hầu hết các ý kiến đóng góp và kiến nghị của ĐBQH đã được UBTVQH, cơ quan soạn thảo tiếp thu, chỉnh lý trong các dự án luật. Những ý kiến nào không tiếp thu đều được giải trình rõ trước khi trình QH xem xét, thông qua.

Với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương, tôi đồng tình với việc tăng thêm chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho chính quyền địa phương, để giảm bớt tính hình thức trong tổ chức bộ máy chính quyền địa phương. Đồng thời, phải bảo đảm quan điểm, nguyên tắc ở các cấp chính quyền địa phương, nơi nào có UBND thì cũng phải có HĐND để thực hiện chức năng đại diện cho nhân dân giám sát hoạt động của UBND.

- Xin cám ơn Đại biểu!

(Theo Đại biểu Nhân dân)