ĐBQH Đỗ Văn Vẻ- Thái Bình: Phải thể chế hóa vai trò của ngành khí tượng thủy văn trong công tác phòng chống thiên tai

06/11/2015

Thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật khí tượng thủy văn ngày 5/11, đại biểu Đỗ Văn Vẻ- Thái Bình tán thành với nhiều nội dung của dự thảo Luật khí tượng thủy văn cũng như Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Bên cạnh đó, đại biểu cho rằng việc cung cấp sử dụng thông tin khí tượng thủy văn trong các hoạt động sản xuất kinh doanh, quy hoạch đất đai và phòng chống thiên tai là vô cùng cần thiết.

Đại biểu Đỗ Văn Vẻ- Thái Bình phát biểu về dự án Luật khí tượng thủy văn                          Ành: Đình Nam

Việc triển khai công tác phòng chống thiên tai, xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án cần phải dựa trên các thông tin khí tượng thủy văn do cơ quan có thẩm quyền cung cấp, đảm bảo có thể chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiệt hai do thiên tai gây ra; xây dựng và phát triển ổn định vững chắc nền kinh tế- xã hội.

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Đỗ Văn Vẻ chia sẻ, đợt mưa lũ kéo dài từ cuối tháng 7 đến đầu tháng 8 vừa qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh và các tỉnh miền núi phía Bắc đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản, làm đình trệ sản xuất, ảnh hưởng đến nhiều ngành công nghiệp ở phía Bắc Việt Nam, nhất là ngành than. Tính đến ngày 6/8 đã làm hư hại 3.000 ngôi nhà, 38 người chết hoặc mất tích, nhấn chìm nhiều mỏ than lớn, gây quan ngại về nguy cơ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cho cộng đồng địa phương và cả vịnh Hạ Long. Thiệt hại vật chất ước tính lên tới 2 nghìn tỷ đồng, trong đó khoảng hơn 1 nửa là thiệt hại của Tập đoàn công nghiệp than và khoáng sản Việt Nam.

Do tác động của biến đổi khí hậu, kết hợp với tác động của hiện tượng El Nino trong năm nay tình trạng khô hạn thiếu nước xảy ra nghiêm trọng đối với các tỉnh ven biển trung Bộ, khu vực Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ, đặc biệt hạn hán đã xảy ra gay gắt trên diện rộng tại các tỉnh từ Khánh Hòa đến Ninh Thuận với cấp độ rủi ro thiên tai cấp 2, cấp 3. Tại cuộc họp trực tuyến ngày 31/ 10 Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai đã nhận định ảnh hưởng của hiện tượng El Nino làm nhiệt độ tăng cao, thiếu hụt lượng mua dẫn đến hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ở các khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và hiện tượng mùa Đông ấm ở khu vực miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp và đời sống kinh tế- xã hội của hàng chục ngàn người. Một hậu quả khác của ít mưa và nhiệt độ cao đã làm gia tăng nguy cơ cháy rừng, tác động đến mục tiêu phát triển rừng bền vững.

Về vấn đề khai thác và sử dụng nguồn nước xuyên biên giới, theo đánh giá của các nhà khoa học Việt Nam có nguồn tài nguyên nước mặn vào loại trung bình kém trên thế giới với nguồn nước nội địa chỉ đạt 3.600m3/người/năm ít hơn 4000m3/người/năm thuộc nhóm quốc gia thiếu nước. Nếu tính cả lượng nước ngoài lãnh thổ chảy vào nước ta đạt 9.650m3 lớn hơn 7.400 m3/người/năm trung bình của thế giới. Nước nguồn ngoài lãnh thổ chiếm 63% tổng nguồn tài nguyên nước mặt Việt Nam nhưng khó chủ động bảo vệ, khai thác và sử dụng, đặc biệt những năm gần đây sự khai thác của các nước ở vùng thượng nguồn ngày càng nhiều và có chiều hướng bất lợi cho Việt Nam. Ví dụ, Trung Quốc đã và đang xây dựng hơn 10 hồ chứa lớn trên sông Mê Kông, sông Nguyên và 52 thủy điện hồ chứa lớn, nhỏ trên lưu vực sông Hồng với dung tích của các hồ chứa khoảng 2,5 tỷ m3, Lào đã và đang xây dựng 35 công trình thủy lợi, thủy điện, trong đó có 27 hồ chứa trên sông nhánh và 8 đập dâng trên sông chính, Thái Lan đã có 10 hồ chứa vừa và lớn và đang có kế hoạch xây thêm, Campuchia có dự kiến giữ mực nước biển hồ với một cấp độ cao trình nhất định để phát triển tưới, đó là chưa kể đến những dự định chuyển nước ở thượng nguồn sang một lưu vực khác có lợi riêng về quốc gia. Tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu đối với an ninh nguồn nước trên sông Mê Kông có thể gây ra ảnh hưởng xấu đến các vấn đề kinh tế - xã hội như thiếu nước, ô nhiễm môi trường mà còn nhiều thiệt hại, nguy hiểm khác cho các nước hạ lưu, đặc biệt là Việt Nam.

Với những vấn đề nêu trên đã đặt ra yêu cầu khi xây dựng và triển khai Luật khí tượng thủy văn. Theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ, dự thảo Luật cần tập trung bổ sung vào những nội dung:

a. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu làm cho thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp cả về tần suất, cường độ và sự bất thường. Cần làm tốt công tác quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn nhằm thu thập kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin về thời tiết thủy văn, về cung cấp cho các ngành địa phương. Đồng thời, trong nhiều thập kỷ tới phải tăng cường mối quan hệ hợp tác quốc tế trong việc khai thác nguồn nước xuyên biên giới, an ninh lương thực và năng lượng không chỉ ở cấp độ quốc gia mà cả ở khu vực và toàn cầu.

b. Trên cơ sở các dữ liệu quan trắc tại các trạm, công tác dự báo khí tượng thủy văn dự báo sớm các tác động của biến đổi khí hậu, của El nino và các tác động tiêu cực khác cần được phát triển mạnh mẽ, đáp ứng vai trò quan trọng và cấp bách trong công tác phòng chống thiên tai và hoạch định phát triển kinh tế xã hội.

c. Việc tiếp nhận sử dụng các số liệu khí tượng thủy văn trong quá khứ, hiện tại và tương lai cần được quán triệt nghiêm túc đến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân, các thông tin này không chỉ sử dụng trong lĩnh vực phòng chống thiên tai mà còn sử dụng trong việc xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế- xã hội như quy hoạch dân cư, nông nghiệp, thủy lợi, giao thông, xây dựng v.v...

Do đó đại biểu đề nghị Luật khí tượng thủy văn và các văn bản hướng dẫn thi hành luật cần đưa ra những quy định nhằm thể chế hóa vai trò của ngành khí tượng thủy văn và các yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân khi triển khai công tác phòng chống thiên tai, xây dựng chiến lược quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án cần phải dựa trên các thông tin khí tượng thủy văn do cơ quan có thẩm quyền cung cấp. Trong đó có tính đến tác động hiện hữu, biến đổi khí hậu, nước biển dâng và như vậy mới có thể chủ động phòng chống, giảm nhẹ thiệt hai do thiên tai gây ra; xây dựng và phát triển ổn định vững chắc nền kinh tế- xã hội.

Bảo Yến lược ghi

Các bài viết khác