Ý KIẾN ĐBQH THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH: VỀ VIỆC ĐÁNH GIÁ CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO CỦA ỦY BAN DÂN TỘC Ở LĨNH VỰC PHÁP CHẾ, THANH TRA

06/05/2018

Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh, liên quan đến đánh giá của Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở lĩnh vực pháp chế, thanh tra...

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh, chất vấn Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

Ngày 14/11/2017, Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phước Lộc - Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp. Hồ Chí Minh liên quan đến đánh giá của Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc ở lĩnh vực pháp chế, thanh tra, trong đó có nhận định về thực trạng của đội ngũ làm nhiệm vụ trên.

Toàn bộ nội dung chất vấn như sau:

Đề nghị Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc có đánh giá công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ủy ban Dân tộc ở các lĩnh vực sau:

1. Công tác pháp chế của UBDT, trong đó có nhận dịnh về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ pháp chế tại Ủy ban Dân tộc?

2. Công tác thanh tra của UBDT, trong đó có nhận định về năng lực đội ngũ làm nhiệm vụ thanh tra tại UBDT?

3. Hiện nay, Bộ đã bố trí đủ lực lượng làm công tác pháp chế và thanh tra của UBDT hay chưa?

Bộ Trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc đã có nội dung trả lời chất vấn như sau:

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Đỗ Văn Chiến trả lời chất vấn

I. CÔNG TÁC LÃNH ĐẠO, CHỈ ĐẠO TRONG CÁC LĨNH VỰC PHÁP CHẾ, THANH TRA

 Trong những năm qua UBDT luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác pháp chế, thanh tra, trọng tâm là xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chương trình, dự án, đề án, chính sách nhằm thực hiện có hiệu quả chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc. Bộ Trưởng, Chủ nhiệm chỉ đạo phân công 01 Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm trực tiếp phụ trách công tác pháp chế và 01 Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm trực tiếp phụ trách công tác thanh tra.

Đối với công tác pháp chế: Thực hiện Nghị định số 55/2011/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế và kế hoạch hằng năm của BTP, lãnh đạo UBDT chỉ đạo xây dựng kế hoạch hằng năm và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính như: xây dựng pháp luật; rà soát, hệ thống hóa, hợp nhất, kiểm tra, xử lý, pháp điển hệ thống quy phạm pháp luật; phổ biến, giáo dục, pháp luật' kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành pháp luật; kiểm soát thủ tục hành chính; hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ công tác pháp chế cho cơ quan chuyên môn về công tác dân tộc cấp tỉnh. Trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện, lãnh đạo UB thường xuyên kiểm tra, đôn đốc để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có hiệu quả.

- Đối với công tác thanh tra: Hằng năm, căn cứ vào chương trình, định hướng thanh tra của Thanh tra Chính phủ, Kế hoạch của Kiểm toán Nhà nước, lãnh đạo Ủy ban chỉ đạo xây dựng Kế hoạch thanh tra hằng năm của UBDT và tổ chức triển kahi thực hiện theo kế hoạch, nhất là thực hiện các cuộc thanh tra về thực hiện chính sách dân tộc, đảm bảo thời gian và chất lượng.

II. KẾT QUẢ THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÁP CHẾ, CÔNG TÁC THANH TRA

1. Kết quả thực hiện công tác pháp chế:

Trong giai đoạn 2011 - 2017, công tác pháp chế của UBDT đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

Tham mưu cho CP xây dựng, ban hành Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 về Công tác dân tộc và tổng kết 05 năm thực hiện nghị định. Nghiên cứu, đề xuất dự án Luật Hỗ trợ phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi trình cơ quan có thẩm quyền. Chủ trì soạn thảo và tham gia xây dựng, thẩm định, ban hành 25 Thông tư, Thông tư liên tịch với các Bộ, ngành liên quan. Tham gia góp ý dự thảo nhiều văn bản quy phạm pháp luật của các Bộ, ngành. Kiểm tra, rà soát trên 250 văn bản các loại đảm bảo chất lượng, kịp thời phát hiện những nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, không phù hợp để kiến nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với quy định của pháp luật. Hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ công tác pháp chế đối với cơ quan công tác dân tộc cấp tỉnh...

Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đối với vùng DTTS và MN với phương châm kiên trì, "mưa dầm thấm lâu" đã giúp đồng bào DTTS nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật, tác động mạnh mẽ đến tư duy và hành động của đồng bào.

2. Kết quả thực hiện công tác thanh tra:

Trong giai đoạn 2011 - 2017, công tác thanh tra của UBDT đã đạt được một số kết quả nổi bật như sau:

UBDT đã chỉ đạo thực hiện trên 47 cuộc thanh tra chuyên ngành, 14 cuộc thanh tra hành chính và kiểm tra thự chiện kết luận thanh tra tại các đơn vị thuộc UB và địa phương. Nội dung chủ yếu là thanh tra việc thực hiện các chính sách theo các chương trình, quyết định của Thủ tướng Chính phủ...

Các cuộc thanh tra đảm bảo nội dung, chất lượng, thời hạn theo đúng kế hoạch, đáp ứng được yêu cầu của Lãnh đạo Ủy ban. Qua thanh tra, các Đoàn Thanh tra của UBDT chỉ ra những ưu điểm và hạn chế trong việc chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của các đơn vị, các địa phương về công tác dân tộc. Từ đó, kiến nghị các biện pháp xử lý về kinh tế, hành chính, kỷ luật theo đúng quy định của nhà nước, đồng thời, đề xuất sửa đổi bổ sung các chính sách cho phù hợp.

III. ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÁP CHẾ, CÔNG TÁC THANH TRA.

1. Đội ngũ làm công tác pháp chế

Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối, chủ trì tham mưu cho Lãnh đạo Ủy ban về công tác pháp chế của UBDT. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Vụ Pháp chế được quy định tại Quyết định 232/QĐ-UBDT ngày 05/5/2017 của Bộ Trưởng, Chủ nhiệm UBDT. Hiện nay, Vụ Pháp chế có 13 công chức, 13/13 đảng viên, 01 Vụ trưởng, 02 Phó Vụ trưởng, có 6 chuyên viên chính, 7 chuyên viên. Về trình độ chuyên môn, 100% công chức VPC có trình độ đại học trở lên, có chuyên ngành đào tạo phù hợp, kinh nghiệm thực tiễn về công tác pháp chế. Hằng năm, 100% công chức làm công tác pháp chế được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên...

2. Đội ngũ làm công tác thanh tra

Thanh tra UBDT có chức năng giúp BT, CN quản lý nhà nước về công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực công tác dân tộc theo quy định của pháp luật. Cơ cấu tổ chức của Thanh tra UBDT được quy định tại Quyết định số 263/QĐ-UBDT của BT, CN UB và các VBQPPL của ngành thanh tra.

Thanh tra UBDT được thành lập từ năm 1998 sau khi tách ra từ vụ Tổ chức cán bộ. Hiện nay, Thanh tra UB có 18 công chức, 18/18 đảng viên, 01 Chánh Thanh tra, 02 Phó Chánh Thanh tra, 04 phòng nghiệp vụ... Về trình độ chuyên môn, Thanh tra UB có 100% công chức có trình độ đại học trở lên, 04/18 có trình độ thạc sỹ. Đội ngũ công chức Thanh tra UB gồm: 07 thanh tra viên chính, 10 thanh tra viên, 01 chuyên viên.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thanh tra, nhất là thanh tra các chính sách dân tộc có sự phối hợp chặt chẽ giữa các Vụ, đơn vị thuộc UB và các cộng tác viên thanh tra. Năng lực đội ngũ công chức Thanh tra Ủy ban và cộng tác viên thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống, tham nhũng trong lĩnh vực công tác dân tộc.

IV. NHẬN ĐỊNH VỀ ĐỘI NGŨ CÔNG CHỨC THỰC HIỆN CÔNG TÁC PHÁP CHẾ, CÔNG TÁC THANH TRA

Nhìn chung, lực lượng công chức làm công tác pháp chế và công tác thanh tra của UBDT về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu về năng lực, trình độ chuyên môn, kỹ năm, nghiệp vụ. Số lượng, cơ cấu tổ chức bảo đảm theo đúng quy định, đáp ứng được yêu cầu thực tiễn về công tác pháp chế, công tác thanh tra của UBDT.

Toàn bộ văn bản xin xem tại file đính kèm./.

Cổng Thông tin Điện tử Quốc hội

Các bài viết khác