Ý KIẾN ĐBQH TỈNH QUẢNG TRỊ: VỀ VỤ ÁN BUÔN LẬU GỖ TRẮC CỦA CÔNG TY TNHH MTV NGỌC HƯNG

11/05/2018

Thứ Trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị về vụ án buôn lậu gỗ trắc của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng, việc xử lý vật chứng vụ án buôn lậu gỗ trắc của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng và cái chết của anh Trần Đình Quang, nhân viên Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị

Ngày 29/12/2016, Thứ Trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương đã có văn bản trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị về vụ án buôn lậu gỗ trắc của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng, việc xử lý vật chứng vụ án buôn lậu gỗ trắc của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng và cái chết của anh Trần Đình Quang, nhân viên Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng.

Toàn bộ nội dung câu hỏi chất vấn của Đại biểu Quốc hội Hoàng Đức Thắng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị như sau:

“Từ năm 2012 đến nay, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đã nhận được rất nhiều đơn kêu oan, kêu cứu của Công ty Ngọc Hưng, có địa chỉ tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị về việc vụ án “buôn lậu và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại tỉnh Quảng Trị và thành phố Đà Nẵng". Để có cơ sở trả lời cho cộng đồng doanh nghiệp và cử tri Quảng Trị, đề nghị đồng chí kiểm tra trả lời cho Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị nội dung sau:

  1. Vì sao từ khi xảy ra vụ án cho đến nay đã gần 5 năm (khởi tố tháng 4/2012) mà không được giải quyết dứt điểm, để kéo dài mặc dù vụ án đã được Tòa án nhân dân thành phổ Đà Nẵng 2 lần xét xử sơ thẩm, trả lại hồ sơ vì không đủ căn cứ để tuyên án. Trách nhiệm chỉ đạo giải quyết của đồng chí trong thời gian tới như thế nào?
  2. Việc xử lý vật chứng, Điều 76 Bộ Luật Tố tụng hình sự quy định: Việc xử lý vật chứng do Cơ quan điều tra quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn điều tra; do Viện kiểm sát quyết định, nếu vụ án được đình chỉ ở giai đoạn truy tố; do Tòa án hoặc Hội đồng xét xử quyết định ở giai đoạn xét xử. Nhung tại sao vụ án chưa kết thúc điều tra, chưa được đưa ra xét xử mà cơ quan điều tra đã cho bán lô hàng là vật chứng? Đề nghị đồng chí cho biết lý do và trách nhiệm thuộc về ai?
  3. Theo đơn kêu cứu của gia đình gửi Đoàn đại biểu Quốc hội năm 2013 về việc anh Trần Đình Quang, nhân viên công ty Ngọc Hưng đã bị điều tra viên Trần Đức Dũng (C44-P4) Bộ Công an ép cung, xúc phạm danh dự, xâm hại thân thể trong quá trình tham gia làm việc, buộc anh Quang phải viết di thư để lại và thắt cổ tự tử. Sau cải chết của anh Quang, đại biểu Quốc hội khóa XIII Hà Sỹ Đồng, Lê Như Tiến đã chuyển đơn, phiếu chất vấn đến Bộ Công an nhưng đến nay chưa nhận được văn bản trả lời. Đề nghị đồng chí Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo C44 kiểm tra làm rõ, trả lời để Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị có cơ sở trả lời cho cử tri và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Quảng Trị?

Vê các vấn đề này, Bộ Công an xin trả lời như sau:

Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương

  1. Về vụ án buôn lậu gỗ Trắc của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng

Quá trình điều tra vụ án Buôn lậu và Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khẩn trương tổ chức điều tra theo đúng trình tự, quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:

Ngày 06/4/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an thụ lý hồ sơ vụ án từ Cục Điều tra chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan để điều tra tiếp theo quy định. Ngày 15/10/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra Kết luận điều tra số 13/KJLĐT-C44(P4) chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao (Vụ I) đề nghị truy tố các bị can về tội “Buôn lậu” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Ngày 11/12/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định số 01/QĐ-VKSNDTC trả hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra bổ sung. Ngày 10/3/2014, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra Kết luận điều tra bổ sung số 04/KLĐTBS-C44(P4) chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ngày 07/5/2014, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Cáo trạng số 14/VKSTC-V1 truy tố các bị can và chuyển hồ sơ đến Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng để xét xử. Ngày 30 và 31/10/2014, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án và ra Quyết định số 11/2014/HSST- QĐ trả hồ sơ (lần 1) để điều tra bổ sung, làm rõ thêm một số nội dung của vụ án mà không thể bổ sung được tại phiên tòa. Như vậy, từ khi Cơ quan Cảnh sát điêu tra nhận được hồ sơ vụ án (tháng 4/2012) đến khi Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng trả hồ sơ lần 1 để điều tra bổ sung (tháng 10/2014) là 30 tháng.

Ngày 13/3/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra Kết luận số 25/KLĐTBS- C44(P4) điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Ngày 15/6/2015, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định số 11/QĐ- VKSTC-V3 trả hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra bổ sung. Ngày 12/10/2015, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra Kết luận số 54/KLĐTBS-C44(P4) điều tra bổ sung, giữ nguyên quan điểm đề nghị truy tố đối với các bị can về các tội danh nêu trên. Đến ngày 25/01/2016, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Cáo trạng số 02/VKSTC(V3) để truy tố các bị can.

Ngày 06/5/2016, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và ra Quyết định số 04/2016/QĐ/HSST trả hồ sơ (lần 2) để tiếp tục điều tra bổ sung. Ngày 31/5/2016, Viện kiểm sát nhân dân tối cao ra Quyết định số 10/QĐ-VKSTC trả hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra bổ sung về các nội dung theo yêu cầu của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng. Ngày 26/10/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra ra Kết luận số 88/KLĐTBS- CSĐT/C44(P4) điều tra bổ sung, giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị can. Như vậy, từ khỉ nhận được yêu cầu từ Viện kiếm sát nhân dân tối cao để điều tra bổ sung lần 2, sau 05 tháng (tháng 5/2016) đến tháng 10/2016, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã có Kết luận điều tra bổ sung, chuyển hồ sơ vụ án đến Viện kiểm sát nhân dân tối cao để truy tố các bị can trước pháp luật.

Lý do vụ án giải quyết chưa dứt điểm, kéo dài, nguyên nhân chính là do: Đây là vụ án phức tạp, có nhiều tình tiết, nội dung mà quan điểm giữa các cơ quan tố tụng còn chưa thống nhât. Theo yêu câu của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an phải điều tra bổ sung 26 nội dung có liên quan đến vụ án. Trong đó, có nhiều nội dung đã kết luận rõ ràng, tài liệu có trong hồ sơ vụ án; có những nội dung yêu cầu điều tra bổ sung không thể thực hiện được đúng thời gian theo quy định của pháp luật (như, thủ tục tương trợ tư pháp hình sự với nước CHDCND Lào) hoặc có những nội dung yêu cầu điều tra bổ sung không có cơ sở, không có căn cứ nhưng Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng vẫn trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Hiện nay, Hồ sơ vụ án Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo quy định. Bộ Công an sẽ tiếp tục chỉ đạo Cơ quan Cảnh sát điều tra theo dõi, phối hợp chặt chẽ với Viện kiểm sát nhân dân tôi cao, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng giải quyết dứt điểm vụ án trên.

  1. Việc xử lý vật chứng vụ án buôn lậu gỗ Trắc của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng

Ngày 11/12/2013, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Quyết định số 01/QĐ-VKSTC-V1 về việc trả hồ sơ cho Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an để điều tra 05 nội dung, trong đó có nội dung: “Xử lý vật chứng gồm 614,672m3 gỗ của Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng đảm bảo có căn cứ quy định tại Điều 76, Bộ luật tổ tụng hình sự, Điều 41 Bộ luật hình sự và đáp ứng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo liên ngành Tư pháp Trung ương tại cuộc họp ngày 24/9/2013; đồng thời, có biện pháp xử lý đối với tài sản đã thu giữ hoặc niêm phong trong quá trình điều tra vụ án”.

Căn cứ Điều 168, Bộ luật Tố tụng hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an phải thực hiện điều tra bổ sung đối với những nội dung theo yêu cầu của Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu. Tuy nhiên, xét thấy vật chứng là gỗ với số lượng lớn rất khó bảo quản, chi phí thuê kho trông giữ cao, để lâu có thể dẫn đến mối mọt, giảm giá trị, đề phòng hỏa hoạn, gây thiệt hại cho việc thu hồi tài sản bị xâm phạm. Vì vậy, căn cứ Điểm d, Khoản 2, Điều 75 và Khoản 1, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định số 21/C44-P4 ngày 31/7/2013 về việc xử lý vật chứng bằng hình thức bán đấu giá. Số tiền thu được từ vật chứng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã chuyển Cục Thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng để phục vụ xét xử theo quy định tại Khoản 1, Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự.

  1. Về cái chết của anh Trần Đình Quang, nhân viên Công ty TNHH MTV Ngọc Hưng

Ngày 22 và 23/4/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã mời anh Trần Đình Quang đến trụ sở để làm việc, do anh Trần Đình Quang có liên quan đến việc làm giả hồ sơ để các đối tượng buôn lậu, Điều tra viên Trần Đức Dũng, Phòng 4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã trực tiếp làm việc, ghi lời khai. Quá trình làm việc, lập biên bản ghi lời khai và tự khai được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật, anh Trần Đình Quang đã ký xác nhận không bị ép cung, xúc phạm danh dự; nội dung lời khai, bản tự khai, kết quả thực nghiệm điều tra phù hợp với kết quả điều tra của Cơ quan Cảnh sát điều tra và yêu cầu điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Vì vậy, nội dung tố cáo Điều tra viên Trần Đức Dũng ép cung, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, đánh đập là không có cơ sở.

Ngày 22/5/2013, anh Trần Đình Quang chết tại nhà riêng (thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị). Căn cứ vào Kết luận số 89/2013/PY của Trung tâm Pháp y, Sở Y tế tỉnh Quảng Trị và các tài liệu có liên quan xác định anh Trần Đình Quang chết do ngạt cơ học (treo cổ tử tự). Trước khi chết anh Trần Đình Quang có di thư kèm theo và ông Trần Đình Diện là bố đẻ của anh Trần Đình Quang có đơn đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị không tiến hành mổ tử thi, cam kết không khiếu nại, khiếu kiện; vì vậy, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đã bàn giao thi thể anh Trần Đình Quang để gia đình tổ chức mai táng và kết thúc xác minh vụ việc.

Sau khi sự việc xảy ra, Bộ Công an đã chỉ đạo đơn vị chức năng có văn bản trả lời các cơ quan, cá nhân liên quan, cụ thể là:

Ngày 14/6/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có Công văn số 312/C44-P3, 313/C44-P3 và 314/C44-P3 gửi ông Trần Đình Diện, bà Trương Thị Túy (bố và mẹ đẻ anh Trần Đình Quang); Ban Nội chính Trung ương; Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị. Ngày 26/6/2013, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có Công văn số 335/C44-P3 gửi Đại biểu Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Ngày 09/12/2014, Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm, Bộ Công an có Công văn số 5194/C41-C44 gửi Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội (khóa XIII).

Các văn bản đều kết luận: Nội dung đơn ông Trần Đình Diện, bà Trương Thị Túy tố cáo điêu tra viên có hành vi đe dọa, xúc phạm, ép cung dùng nhục hình là không có căn cứ.

Toàn bộ văn bản trả lời chất vấn xin xem tại file đính kèm./.

Cổng Thông tin điện tử Quốc hội

Các bài viết khác